> Lao động Việt tại Angola: Quá nhiều rủi ro, bất trắc
> Bơ vơ 4,5 vạn người Việt tại Angola
Căn nhà bạc tỷ của anh Phú Cường (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được xây nhờ đi làm việc tại Angola. Ảnh: Anh Tuấn. |
Để tìm lý do vì sao Bộ LĐ-TB&XH lại không cấp phép để doanh nghiệp đưa NLĐ đi làm việc tại Angola, PV Tiền Phong đã liên lạc với ông Nguyễn Thanh Hoà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH để làm việc.
Ông Hoà cho biết đã giao ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước phát ngôn. Sau khi liên lạc, ông Quỳnh đề nghị PV gửi câu hỏi cho bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng tuyên truyền của Cục để trả lời.
Ngay từ sáng sớm ngày 16/5, PV đã gửi câu hỏi cho bà Hà, nhưng ông Quỳnh cho biết, vì đến chiều bà Hà mới trình lên nên chưa thể trả lời. Đến 5 giờ chiều 16/5, ông Quỳnh gọi điện cho PV hứa "sẽ có câu trả lời trong tối 16/5".
Điều lạ là, trước đó, ngày 15/5, sau khi Tiền Phong khởi đăng loạt bài Bơ vơ 4,5 vạn người Việt tại Angola, chiều cùng ngày, ông Quỳnh đã chủ động mời một số báo đến để giải thích.
Tháng 12/2012 tôi đã sang bên đó khảo sát và thấy có nhiều lao động có thu nhập tốt. Có tháng được nghìn USD và ít cũng được 800-900 USD. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh |
Tại buổi gặp gỡ này, ông Quỳnh nói đại ý: Nếu doanh nghiệp đưa được người lao động (NLĐ) sang Angola theo con đường chính thống, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp cho NLĐ thì không ai cấm.
"Thậm chí nếu doanh nghiệp đưa lao động sang Angola đảm bảo hợp pháp, Bộ LĐ-TB&XH không những chấp thuận mà còn thực hiện các biện pháp hỗ trợ", ông Quỳnh nói.
Cũng tại buổi gặp gỡ này, ông Quỳnh cho biết, hiện Cục đang cho thanh tra nhiều doanh nghiệp XKLĐ dám tự ý đưa lao động sang Angola mà không đăng ký với Cục. Đồng thời khẳng định, đến thời điểm này, mới chỉ có một vài doanh nghiệp nộp hợp đồng lên Cục để xin cấp phép.
"Cục đang phối hợp với Đại sứ quán tại Angola để kiểm tra, thẩm định. Nếu hoàn toàn hợp pháp, Cục sẽ cho phép thực hiện", ông Quỳnh nói.
Khi được các nhà báo hỏi về việc vì sao chậm trễ trong việc cấp phép, ông Quỳnh trần tình: Tháng 12/2012 tôi đã sang bên đó khảo sát và thấy có nhiều lao động có thu nhập tốt. Có tháng được nghìn USD và ít cũng được 800-900 USD. Nhưng khi có việc là như vậy, còn khi không có việc sẽ không có tiền. Sang đến nơi nếu không có người nhà sẽ chẳng có ai đón. Tại Angola có những nhóm người Việt Nam đi xây dựng, sửa chữa các công trình nhưng NLĐ lại không có hợp đồng lao động nên không đảm bảo lương khi không có việc.
Trả lời câu hỏi đến nay ông có nắm được bao nhiêu lao động đang làm việc tại Angola, ông Quỳnh nói: "Thực ra mình không nắm được số lượng cụ thể là bao nhiêu. Ngay cả Đại sứ quán cũng không nắm được bao nhiêu cả. Đại sứ quán thông qua Hội người Việt Nam ở Angola để nắm, nhưng cũng không nắm chính xác được vì khi sang Angola NLĐ không báo cáo”.
Liên quan đến việc có nên công nhận thị trường Angola hay không, PV Tiền Phong được biết, cách đây không lâu, đã có buổi làm việc giữa ba bên (Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, Cục quản lý lao động ngoài nước và các doanh nghiệp có nhu cầu) để bàn bạc.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc đó, vị lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước vẫn giữ quan điểm là không cấp phép cho các doanh nghiệp với lý do chưa doanh nghiệp nào trình được hợp đồng ký kết trực tiếp với chủ sử dụng tại Angola.
Một chuyên gia về XKLĐ nói với PV rằng, quy định phải có hợp đồng ký kết trực tiếp với chủ sử dụng như yêu cầu của lãnh đạo Cục là đánh đố doanh nghiệp. "Mấy ông trên Cục biết thừa là doanh nghiệp rất khó đáp ứng được yêu cầu này. Bây giờ, thị trường XKLĐ nào của Việt Nam cũng đều thông qua môi giới chứ làm sao ký trực tiếp được", vị chuyên gia nói.