Đừng đổ hết tiền vào vàng

Đừng đổ hết tiền vào vàng
TP - Trong cơn loạn giá vàng, người dân hoang mang, các chuyên gia kinh tế nói không nên đổ hết tiền vào vàng lúc này. "Người dân chỉ nên dồn tiền vào vàng một phần, còn lại gửi tiết kiệm hoặc đầu tư các kênh khác” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói.

> Vàng duy trì mức 41 triệu đồng/lượng
> Loạn giá vàng

Tiếp tục giảm giá

“Vàng trong nước sẽ giảm xuống dưới 41 triệu đồng/lượng. Giới kinh doanh vàng nên cẩn thận vì chênh lệch giá trong nước và thế giới quá cao. Với người dân, chỉ nên dồn tiền vào vàng một phần, còn lại gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vào các kênh khác” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, nếu kinh tế thế giới bất ổn, lạm phát cao, giá dầu cao, nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng và đẩy giá vàng lên.

Tuy nhiên, thế giới hiện nay không quan tâm lạm phát mà lo ngại giảm phát sẽ đẩy một lượng vàng lớn ra thị trường. Khi đó, giá vàng thế giới sẽ hạ và có khả năng sẽ xuống dưới mốc 1.300 USD/ounce. Giá vàng trong nước cũng sẽ dao động theo giá thế giới.

Ngày 17/4, tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, Doji (đường Trần Nhân Tông, Hà Nội), người dân vẫn tấp nập đến mua - bán dù giá vàng tăng giảm bất thường. Đại diện cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu cho biết, số lượng bán ra tăng 30% so với ngày 16/4.

Cửa hàng vẫn không đủ số lượng vàng nhỏ lẻ để bán. Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cho biết, tổng lượng giao dịch trong ngày hơn 4.000 lượng vàng, tăng 1.000 lượng so với ngày 16/4.

Vậy người dân có nên mua hay bán vàng lúc này? Ông Trần Thanh Hải-Tổng GĐ Cty Cổ phần Kinh doanh Vàng Việt Nam, cho biết, nếu đang cần vàng để trả nợ, hoặc phải tất toán chốt lời thì đây là thời điểm mua vào. Tuy nhiên, không nên lướt sóng.

Bởi thị trường chứng khoán thế giới hiện đã phải nâng tỷ lệ ký quỹ về vàng lên. Điều đó cho thấy rủi ro trên thị trường vàng rất lớn. “Muốn biết đâu là đáy của thị trường này, cần phải chờ đến cuối tuần”, ông Hải nói.

Một lãnh đạo ngành vàng cũng cho rằng, nếu giá vàng cuối tuần này chốt dưới ngưỡng 1.420 USD/ounce thì có thể xuống mốc 1.200 USD/ounce. Thậm chí còn chạm mốc 1.100 USD/ounce. Chỉ khi nào thị trường dừng ở mức 1.525 USD/ounce, mới có thể phục hồi.

Vàng đấu thầu đi đâu?

Sáng 17/4, NHNN tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 8 với khối lượng 40.000 lượng. Số vàng trúng thầu là 39.700 lượng với giá thấp nhất là 40,71 và cao nhất 40,80 triệu đồng/lượng. Như vậy, qua 8 phiên đã có 223.600 lượng vàng (tương đương 8,6 tấn vàng) đã được NHNN “bơm” ra thị trường.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là 8,6 tấn vàng do NHNN hiện đi đâu? Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng tại miền Nam cho biết, toàn bộ số lượng vàng được bán ra sau các phiên đấu thầu đều nằm trong các ngân hàng thương mại (NHTM).

“Các NHTM tất toán trong thời điểm này đều có lãi do trước đây, khi huy động vàng từ dân chưa khi nào bán ra dưới 41 triệu đồng/lượng. Số lượng vàng cung ra thị trường mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu tất toán trạng thái vàng của các NHTM” - vị giám đốc trên nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nói, hiện nay, số vàng âm trong NHTM quá lớn, buộc NHNN phải bán vàng ra để đảm bảo trạng thái tất toán vàng.

Từ phiên đấu thầu thứ nhất (ngày 28/3), vàng trong nước chênh so với thế giới 2,8 triệu đồng/lượng; nhưng đến 17/4, giá vàng chênh trên 6 triệu đồng/lượng. “Mục tiêu của NHNN bán 20 tấn vàng để tạo nguồn cung cho thị trường, nhưng đến thời điểm này không làm được” - ông Hiếu nói.

Giá vàng trong nước sáng 17/4 giảm 400.000 đồng/lượng xuống mốc 40 triệu đồng/lượng, rồi quay đầu tăng giá vào buổi chiều lên trên 41 triệu đồng/lượng. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng trong nước phụ thuộc vào giá vàng thế giới và giá vàng NHNN bán ra.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.