Sau ô tô, ngân hàng ‘bán’ cả…xe máy

Sau ô tô, ngân hàng ‘bán’ cả…xe máy
Chính phủ muốn lãi suất cho vay giảm tiếp. Ngân hàng chưa tìm được lối ra cho tín dụng. Có một cửa thoát hiểm nhưng lại chỉ dành cho kẻ mạnh.

Sau ô tô, ngân hàng ‘bán’ cả…xe máy

Chính phủ muốn lãi suất cho vay giảm tiếp. Ngân hàng chưa tìm được lối ra cho tín dụng. Có một cửa thoát hiểm nhưng lại chỉ dành cho kẻ mạnh.

Sau ô tô, ngân hàng ‘bán’ cả…xe máy ảnh 1
 

Theo thông tin tổng hợp mà NHNN đưa ra, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng hiện đang ở mức 11-13%/năm; trung và dài hạn 13-15%/năm. Ngoài mức lãi suất phổ biến này, nhiều ngân hàng thương mại đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay dưới 10%/năm

Ngân hàng ‘bán’ cả…xe máy

Lúc này, các gói tín dụng ưu đãi mà ngân hàng thương mại đưa ra thường theo dạng không với lãi suất ưu đãi thì cũng miễn phí này phí kia. Nhưng các gói này đều có điểm chung: chỉ cho vay ngắn hạn hoặc nếu cho vay trung và dài hạn thì mức lãi suất ưu đãi chỉ được áp dụng trong 3 tháng đầu. Rõ ràng, các ngân hàng rất muốn đẩy tín dụng ra, nhưng họ cũng muốn “nắm đằng chuôi“, nên ưu đãi cũng chỉ có giới hạn và mức độ thôi. Hiện tượng này đã có từ giữa năm 2012, cộng thêm những yếu tố khó khăn chung của nền kinh tế, của doanh nghiệp, thế nên đã hết quý I/2013, tăng trưởng tín dụng vẫn không thể khá lên được. Con số mà Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đưa ra cuối tháng 3 là tăng trưởng tín dụng đã dương được 0,1% so với thời điểm 31/12/ 2012. Nhiều ngân hàng đang rất thừa vốn, đổ vào trái phiếu chính phủ nhiều quá, khiến dư luận đặt dấu hỏi lớn: Chính phủ đang trả lãi cho ngân hàng?

Tất nhiên, thực tế không phải như vậy! Trái phiếu Chính phủ dù bán cho ai thì Chính phủ vẫn phải trả lãi. Mà từ trước đến nay cũng toàn các ngân hàng lớn phải mua (vì cầu tín dụng cao, mua trái phiếu chính phủ gần như là bắt buộc đối với họ). Chỉ có năm nay các ngân hàng đang tạm trú vào trái phiếu nên thành ra Chính phủ được lợi khi lãi suất trái phiếu cứ giảm dần đều. Hết quý I, Chính phủ đã huy động được 65,5 ngàn tỷ đồng, đạt 33,6% kế hoạch năm. Khối lượng dự thầu luôn cao hơn khối lượng đấu thầu từ 1,12 đến 5,11 lần. Tỷ lệ trúng thầu thường xuyên ở mức 99-100%. Lãi suất trái phiếu Chính phủ đến hết quý I/2013 đã giảm 50 đến 100 điểm cơ bản. Nhưng có lẽ bản thân các ngân hàng đều biết đây chỉ là nơi tạm trú, còn chức năng chính của họ vẫn là đi vay để cho vay. Vì thế, không còn cách nào khác, ngân hàng phải tìm cách đẩy tín dụng ra.

Nhân chuyện này, nói đến việc BIDV vừa công bố hợp tác cùng với Công ty Xuân Cầu piaggio triển khai chương trình “Ưu đãi vàng, khách hàng BIDV”. Tất cả khách hàng gửi tiết kiệm tại BIDV tối thiểu từ 100 triệu đồng và kỳ hạn gửi từ 1 tháng; khách hàng là chủ thẻ tín dụng do BIDV phát hành thanh toán tiền mua xe qua poS của BIDV và khách hàng vay vốn tại BIDV để mua xe sẽ hưởng nhiều ưu đãi như: tặng tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng/xe; được áp dụng lãi suất 0% trong 3 tháng đầu... Vậy là, sau những chương trình tín dụng lớn như cho vay mua nhà, mua ô tô, thì nay ngân hàng còn ưu đãi cả cho khách hàng mua xe máy. Thế mới biết, tín dụng thực sự đang rất bí đầu ra.

Lãi suất cho vay sẽ giảm

Tiếp, nhưng ...Nghị quyết phiên họp tháng 3 của Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo hạ lãi suất tín dụng ngay trong tháng 4. Theo quan điểm của nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm, lãi suất cho vay có thể hạ về 10%/năm. Nhiều người đồng tình với con số này.

Nhưng với mức lãi suất huy động ngắn hạn hiện là 7,5%/năm thì mức chênh lệch 2,5% giữa lãi suất huy động và cho vay có thể chấp nhận được. Song vấn đề không đơn giản như thế. Thứ nhất, ngoài mức lãi suất huy động 7,5%/năm, lãi suất cho vay còn phụ thuộc vào các yếu tố như: chi phí hoạt động, phí bảo hiểm, trích lập dự phòng rủi ro, hệ số sử dụng vốn... Tóm lại, muốn lãi suất đầu ra hạ nữa, phải hạ lãi suất đầu vào. Điều này khó. Vì ai dám chắc lạm phát năm nay được giữ ở mức 6 -7%. CPI tháng 3 giảm được 0,19% so với tháng trước, nhưng không đảm bảo cho việc lạm phát sẽ được giữ trong vòng kiểm soát. Vì CPI giảm chủ yếu do người người, nhà nhà thắt chặt chi tiêu; doanh nghiệp không bán được hàng... cả nền kinh tế gần như đình trệ.

Kết quả cuộc điều tra về kỳ vọng lạm phát vừa được NHNN tiến hành trong tháng 3/2013 nhằm phục vụ cho việc điều hành chính sách tiền tệ không được công bố chi tiết, nhưng kết quả chung là kỳ vọng lạm phát khá cao. Điều này hoàn toàn có cơ sở. Nếu lãi suất tiền gửi không thực dương thì rất khó thuyết phục người dân gửi tiền vào ngân hàng.

Thứ hai, nếu hạ tiếp lãi suất huy động tiền đồng, người dân sẽ có xu hướng dịch chuyển sang đôla Mỹ. Vì NHNN tiếp tục cam kết tỷ giá sẽ chỉ được điều chỉnh trong biên độ 2- 3%. Cho dù lãi suất huy động đôla Mỹ đang ở mức 2% (đối với khách hàng cá nhân), cộng mức điều chỉnh 3% (tối đa, theo NHNN), thì dù lợi ích có thấp hơn, nhưng rõ ràng người gửi ngoại tệ vẫn sẽ yên tâm hơn khi gửi tiền đồng với mức lãi suất dưới 7%/năm. Giảm tiếp lãi suất huy động ngoại tệ, e rằng ảnh hưởng đến nguồn ngoại tệ - vốn đang rất quý với một nước mà nhu cầu sử dụng ngoại tệ hiện đang rất lớn như Việt Nam.

Làm sao để tín dụng lấy lại đà tăng trưởng? Câu hỏi được đặt ra gần 1 năm nay nhưng hiện chưa có giải pháp nào khả thi. Nếu Chính phủ ép, ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay thêm, nhưng không đáng kể và sẽ chỉ tập trung vào những đối tượng khách hàng nhất định, ví dụ 5 nhóm đối tượng được ưu tiên; những doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt... NHNN có thể hỗ trợ bằng cách giảm lãi suất điều hành. Cho dù cách này đã được NHNN áp dụng 6 lần (tính từ đầu năm 2012 - thời điểm tăng trưởng tín dụng thấp), nhưng gần như không tác động mấy đến co giãn của cầu tín dụng. Có một cửa thoát hiểm nhưng nhiều rủi ro mà các ngân hàng đang cố né: nới lỏng điều kiện tín dụng. Cách này chắc chỉ dành cho những ngân hàng có “máu mặt”!

Theo Doanh Nhân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.