Khi DNNN đầu tư tỷ đô ra nước ngoài

Khi DNNN đầu tư tỷ đô ra nước ngoài
TP - Nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đầu tư ra nước ngoài hàng tỷ đô la và thu được nhiều thành công. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cảnh báo, đồng tiền đem đầu tư “đi dễ, khó về”.

> 'DNNN giống như một đứa trẻ được cầm súng?'
> Khi niềm tin 'nhảy lầu', sự lương thiện 'chết sớm'

Vốn “xuất ngoại” gia tăng

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20/3/2013, các DN Việt Nam đã đầu tư sang 59 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số 742 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 15,5 tỷ USD.

Riêng trong quý I/2013 có 5 lượt dự án đầu tư ra nước ngoài tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt 1,9 tỷ USD.

Trong đó có dự án Công ty liên doanh Rusvietpetro của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại Liên bang Nga tăng vốn đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD và dự án thăm dò muối mỏ tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tăng vốn 518,9 triệu USD.

Với 22 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư là 720,7 triệu USD trong quý I, quy mô vốn đầu tư đăng ký trung bình cho một dự án đạt trên 32,7 triệu USD.

Không chỉ dừng ở các thị trường lân cận, quen thuộc như Lào, Campuchia, Nga, các doanh nghiệp Việt đã thò tay sang đầu tư cả vào những nước vốn đang là “mảnh đất khai thác màu mỡ” của các đại gia đến từ các nước như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Anh...và cạnh tranh quyết liệt tại những thị trường này.

Có thể nói, đến nay hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Nhiều trường hợp doanh nghiệp đã bắt đầu thu được lợi nhuận từ các thị trường bên ngoài.

Trong số các đại gia đầu tư ra nước ngoài hiệu quả có Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN)…

Theo báo cáo của PVN, tính đến hết quý III năm 2012, PVN đã đầu tư ra nước ngoài 5,28 tỷ USD, trong đó vốn đã chuyển ra nước ngoài để thực hiện là 1,81 tỷ USD. Hiện tại, PVN đang thúc đẩy công tác tìm kiếm, thăm dò nhiều dự án dầu khí ở một số quốc gia.

Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng cho biết, đang đầu tư trồng cao su tại Lào và Campuchia. Trong đó, riêng tại Campuchia, tập đoàn đang có 19 doanh nghiệp hoạt động. Năm 2012, VRG đã trồng được 70.000 ha cao su và trồng mới 25.000 ha.

Mục tiêu đến năm 2014 sẽ trồng đạt 100.000 ha. Tổng mức đầu tư các dự án trồng cao su ở nước ngoài là 1 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2015, các dự án đầu tư của tập đoàn sẽ bắt đầu có kim ngạch xuất khẩu, và mức kim ngạch xuất khẩu đến 2020 ước đạt 400 triệu USD.

Thông tin từ Viettel, với 7 giấy phép đầu tư, Viettel đã có thị trường 110 triệu dân, lớn hơn thị trường trong nước (gồm 3 nước châu Á là Lào, Campuchia, Đông Timor; 2 nước châu Phi là Mozambique, Cameroon; 2 nước châu Mỹ là Haiti và Peru). Bốn nước đã kinh doanh có lãi với tổng số thuê bao đang hoạt động là gần 10 triệu.

Đặc biệt, tại Mozambique, Viettel đã có lợi nhuận chỉ sau 6 tháng chính thức kinh doanh. Với hơn 2 triệu thuê bao được phát triển mới, Movitel được đánh giá là dự án đầu tư hiệu quả nhất của Việt Nam vào châu Phi kể từ năm 2008 đến nay. Trong năm 2012, tổng doanh thu từ đầu tư nước ngoài của Viettel là 734 triệu USD, tăng trưởng 41% so với thực hiện năm 2011.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho biết, doanh thu từ đầu tư nước ngoài đóng góp tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu doanh thu của Viettel. Nếu như năm 2010 chỉ là 7,1%, năm 2011 tăng lên 9%, thì năm 2012 đã đóng góp 11% tổng doanh thu toàn tập đoàn.

Dự kiến năm 2013, tỷ trọng này sẽ tăng lên đến 15%. “Riêng thị trường đầu tư quốc tế, chúng tôi đặt chỉ tiêu tăng trưởng từ 50% đến 60%. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng thị trường sang các quốc gia khác, thêm từ 2 đến 3 quốc gia nữa”, ông Dũng nói.

Cần thận trọng

Theo các chuyên gia, xu hướng đem vốn đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) là tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, DN tư nhân thì không sao, nhưng với DNNN thì cần hết sức thận trọng và phải tính toán thật kỹ vì các dự án có tổng vốn rất lớn. Hơn nữa, tiền của các DNNN chính là của nhà nước, của dân. Do đó nếu đầu tư không khéo, xảy ra rủi ro, sẽ mất tới hàng trăm triệu USD.

 Với những dự án lớn trong nước, dù đã có giám sát nhưng vẫn lỗ, gây thất thoát, lãng phí lớn. Khi ĐTRNN việc kiểm soát càng khó hơn gấp bội. Dự án càng kéo dài càng đội thêm tiền. Rủi ro xảy ra, DN sẽ đổ tại khách quan, mà không nhận do sự kém cỏi của mình. Cuối cùng, gánh nặng nợ nần, nhà nước và toàn dân hứng chịu. 

Chuyên gia kinh tê Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, xét tính hiệu quả, bà hoàn toàn không tán thành với việc DNNN đua nhau mang một số tiền lớn ĐTRNN. DN Việt Nam nên tính toán làm những dự án vừa khả năng và có đầu ra thị trường. Chẳng hạn như đầu tư sản xuất hàng may mặc để bán tại chỗ hay sản xuất mỳ ăn liền... “Đây là những sản phẩm có thị trường, đảm bảo tiêu dùng nhanh, số vốn bỏ ra không nhiều nhưng quay vòng nhanh” - bà Lan nói.

Cũng theo bà Lan, DNNN vốn đã không giỏi tính toán các dự án lớn. Với những dự án lớn trong nước, dù đã có giám sát nhưng vẫn lỗ, gây thất thoát, lãng phí lớn. Khi ĐTRNN việc kiểm soát càng khó hơn gấp bội. Dự án càng kéo dài càng đội thêm tiền. Rủi ro xảy ra, DN sẽ đổ tại khách quan, mà không nhận do sự kém cỏi của mình. Cuối cùng, gánh nặng nợ nần, nhà nước và toàn dân hứng chịu.

Trường hợp xảy ra rủi ro, gây thất thoát vốn, theo bà Lan, trách nhiệm trước hết là của DNNN. Tiếp đến là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và các cá nhân phê duyệt dự án. DNNN không thể ĐTRNN mà không xin phép. “Trường hợp, nếu vài bộ ngành liên quan cùng ký, thì từ ông ký nháy đến ông ký thật, đều phải chịu trách nhiệm” - bà Lan nói.

Về quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán – Kiểm toán Việt Nam cho rằng, nên xây dựng một luật liên quan đến tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước. “Cần có chế tài quản lý chặt hơn việc mang vốn đi đầu tư ra ngoài của các doanh nghiệp nhà nước”- ông kiến nghị.

Tính đến ngày 20/3/2013, các DN Việt Nam đã đầu tư sang 59 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số 742 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 15,5 tỷ đô la. Riêng trong quý I năm 2013 có 5 lượt dự án đầu tư ra nước ngoài tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt 1,9 tỷ đô la.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.