‘Cú sốc bầu Kiên’ và tổn thất với nền kinh tế Việt

‘Cú sốc bầu Kiên’ và tổn thất với nền kinh tế Việt
Vụ việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt ngày 20-8-2012 không những đã thổi bay hàng nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán mà còn làm sụt giảm nghiêm trọng niềm tin đầu tư của các doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam.

‘Cú sốc bầu Kiên’ và tổn thất với nền kinh tế Việt

> Từ ma trận vốn ảo của bầu Kiên...
> Làm rõ 3 tội danh của 'bầu' Kiên

Vụ việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt ngày 20-8-2012 không những đã thổi bay hàng nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán mà còn làm sụt giảm nghiêm trọng niềm tin đầu tư của các doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam.

Bầu Kiên bị bắt đã tạo nên một bước ngoặt đối với niềm tin giới kinh doanh tại Việt Nam
Bầu Kiên bị bắt đã tạo nên một bước ngoặt đối với niềm tin giới kinh doanh tại Việt Nam.

Tại Lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 sáng (14-3), TS Edmund Malesky, Giáo sư Đại học Duke, trưởng nhóm nghiên cứu PCI đã đề cập cụ thể hơn về tác động "cú sốc bầu Kiên" hôm 20-8-2012 đối với tâm lý doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam năm vừa qua.

Theo đó, việc nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Nguyễn Đức Kiên bị bắt giữ vì tội "kinh doanh trái phép" được đánh giá là sự kiện lớn và nổi bật xảy ra ở Việt Nam trong năm vừa qua.

Tầm quan trọng của vụ việc

Nguyên nhân "gây sốc" của vụ việc do mức độ nổi tiếng của ACB - trưởng nhóm nghiên cứu PCI cho biết, trong nhiều năm ACB luôn là con cưng của các nhà đầu tư nước ngoài:

Các ngân hàng như Standard & Chartered (15%), Jardine & Matheson (7%) và Dragon Capital (6,7%) là những cổ đông chính và tỷ lệ cổ phần nắm giữ của các cổ đông nước ngoài luôn ở ngưỡng cao nhất mà nhà nước cho phép trong nhiều năm liên tiếp.

Tại thời điểm xảy ra vụ bắt giữ, trên thị trường chứng khóa, đây là ngân hàng ngoài quốc doanh lớn nhất Việt Nam, với tài sản ước tính ở mức 256.000 tỷ đồng và giá trị vốn hóa thị trường là 22.600 tỷ đồng. Tính toán của Pincus et al. (2012), đây cũng là đơn vị cho vay ròng trên thị trường liên ngân hàng Việt Nam, cho thấy sự thành công của ngân hàng này có liên quan chặt chẽ với tài sản của các nhà đầu tư khác trên thị trường.

Và do vậy, ngay khi tin tức bung ra vào ngày 21-8, giới kinh doanh Việt Nam đã hết sức ngạc nhiên. Thị trường chứng khoán lập tức sụt giảm mạnh trong những phiên sau đó. Chỉ số VN-Index lao đốc thảm hại, mất 4,7% xuống 416,84 điểm chỉ trong 1 ngày và 10% trong hai ngày tiếp theo, trái ngược với xu hướng tăng điểm thiết lập được trong tuần trước đó.

Báo cáo của TS Edmund có nói rằng, điều này "báo hiệu cho nhà đầu tư biết Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng trong ngành ngân hàng và cả nền kinh tế".

Các phân tích cho thấy, ngày 20-8 đánh dấu một bước ngoặt lớn, tác động sâu sắc tới khối tài sản trên thị trường.

Làm "xói mòn" niềm tin nhà đầu tư ngoại

Tại thời điểm xảy ra sự kiện này, khảo sát PCI mới nhận lại được khoảng 50% số phiếu trả lời. Đây cũng là thời điểm chính giữa của cuộc điều tra các doanh nghiệp FDI trong PCI, phản ứng của nhà đầu tư đối với những rủi ro mới xảy ra trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam có những thay đổi lớn. Doanh nghiệp trở nên thận trọng hơn với các câu hỏi mang tính "nhạy cảm" mà phía khảo sát đưa ra.

Khảo sát hàng năm của PCI thường đưa ra câu hỏi: "Kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp bạn trong 2 năm tới là gì?". Câu hỏi này luôn là một thước đo cảm nhận các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, chính xác đến mức được coi là "nhiệt kế doanh nghiệp PCI".

Kết quả cho thấy, kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng giảm trong giai đoạn 30 ngày trước và sau mốc 20-8. Điểm đáng quan tâm nhất là niềm tin nhà đầu tư giảm thiểu vào đầu hè, tăng nhẹ rồi lao dốc sau ngày 20-8 trước khi quay trở lại với xu hướng giảm dần.

So sánh giai đoạn trước và sau mốc 20-8, cơ quan khảo sát thấy rằng, chỉ số niềm tin doanh nghiệp FDI giảm 22% trong thời gian 30 ngày sau sự kiện này. Ngày 20/8 không chỉ đơn giảm đánh dấu sự sụt giảm của thị trường chứng khoán mà thực sự tác động đến cảm nhận của từng doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam.

Ngoài ra, sự kiện này còn cho thấy cảm nhận của doanh nghiệp đối với rủi ro về kinh tế vĩ mô. "Nếu nhóm nghiên cứu phải chọn lại mẫu điều tra PCI hàng nghìn lần nữa thì 99% các doanh nghiệp được điều tra sau ngày 20-8 sẽ vẫn cho rằng rủi ro kinh tế vĩ mô nhiều hơn trước" - TS Edmund khẳng định. Và một điều thú vị đó là, nhà đầu tư tỏ ra ít quan ngại hơn trước về tham nhũng kể từ sau sự kiện này.

Với một báo cáo dài 11 trang nằm trong khuôn khổ báo PCI phần nào cũng cho thấy, "cú sốc bầu Kiên" có một sức tác động không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như đối với chính ấn tượng của các nhà khảo sát.

Theo Bích Diệp
Dân trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG