> Xem cách nợ xấu... bốc hơi
> Tiếp tục chính sách tiền tệ giảm lãi suất
Lãi suất vẫn chưa giảm
CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA) vừa công bố, mặc dù doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sau thuế quý 1/2013 của công ty đạt 5,7 tỷ đồng, khả quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái công ty lỗ 19,5 tỷ đồng.
Hữu Liên Á Châu giải trình, nguyên nhân là do lãi vay trong kỳ qua giảm từ 64 tỷ đồng xuống còn gần 50 tỷ đồng. Rõ ràng, dù được cho là đã giảm chi phí lãi vay nhưng xem con số mà HLA phải trả vẫn còn lớn so với mức lợi nhuận mà đơn vị đạt này được.
Tuy nhiên, trong thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng vay được lãi suất thấp như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và chi phí lãi vay vẫn luôn là gánh nặng với doanh nghiệp.
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, trong thời gian từ ngày 25/2 đến ngày 1/3/2013, lãi suất cho vay phổ biến của các tổ chức tín dụng cho sản xuất kinh doanh thông thường từ 11-15% đối với kỳ ngắn hạn của khối ngân hàng thương mại Nhà nước và trung- dài hạn là 14,6 – 16,5%.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, cho vay ngắn hạn sản xuất kinh doanh thông thường từ 12-15% và trung -dài hạn là 16-17,5%.
Như vậy mức lãi suất phổ biến mà doanh nghiệp đang phải trả tính bình quân cũng từ 14-16% và xem ra vẫn chưa thể giảm xuống như kỳ vọng của nhiều người.
Mà theo tính toán của Tiến sĩ Trần Du Lịch, nếu lãi suất cho vay bình quân là 14%/năm thì mức lãi suất thực là hơn 7%. Đây là mức mà không một nền kinh tế nào cũngcó thể chịu đựng nỗi, đồng thời không kích thích được doanh nghiệp tiếp tục triển khai đầu tư mở rộng kinh doanh.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cũng cho rằng, khả năng kéo giảm lãi suất cho vay giảm xuống là không nhiều, vẫn chưa đáp ứng được như mức kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, do sự kém hiệu quả trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại.
Ngân hàng - Khó khăn hay “ích kỷ”?
Hoàn cảnh nghịch lý đang được nhiều chuyên gia đề cập là với việc tín dụng hai tháng đầu năm âm 0,16% thì rõ ràng doanh nghiệp thì thiếu vốn hoạt động nhưng ngân hàng lại không tăng được tín dụng. Nhiều ý kiến cho rằng, với mức lãi suất vẫn còn cao quá sức chịu đựng của doanh nghiệp thì dù cho nhiều đơn vị đạt chuẩn vay cũng không dám vay.
Về phía ngân hàng, năm 2012 cũng là năm khó khăn của toàn hệ thống. Ngoại trừ mấy ông lớn như BIDV, MBB, Vietcombank, thì phần lớn các ngân hàng còn lại đều có mức lợi nhuận sụt giảm so với năm 2011. Sự sụt giảm này được cho là do phải tăng chi phí trích lập dự phòng nợ xấu.
Một thống kê cho thấy, tổng số tiền 8 ngân hàng niêm yết phải trích lập dự phòng nợ xấu lên tới 17.876 tỷ đồng, tăng 22,29% so với năm trước và bằng 66,58% lợi nhuận trước thuế.
Như vậy, khó khăn của doanh nghiệp là không tiếp cận được vốn vì lãi suất cao, hoặc không đạt chuẩn ở mức lãi suất có thể chấp nhận được. Khó khăn của ngân hàng là tìm cách giảm tỷ lệ nợ xấu, hạn chế rủi ro cho hệ thống nên buộc phải sàng lọc đối tượng vay vốn.
Tiến sĩ Trần Du Lịch đưa ra nhận định, tình hình nợ xấu chưa được cải thiện nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, do đó nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa thì cho rằng, nợ xấu phản ánh chất lượng tài sản, hiệu quả hoạt động yếu và làm tắc nghẽn dòng tiền đi từ ngân hàng đến nền kinh tế.
Rõ ràng mối quan hệ luẩn quẩn giữa nợ xấu, tín dụng và lãi suất vẫn đang khiến cho cả nền kinh tế không tìm được hướng ra. Doanh nghiệp vẫn than rằng lãi suất cao nên không vay được vốn, ngân hàng thì không đưa tín dụng vào nền kinh tế được vì vẫn ôm trong mình nỗi lo nợ xấu.
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 là 12%. Việc có hoàn thành chỉ tiêu này hay không theo nhiều chuyên gia nó tùy thuộc vào quyết định của ngân hàng và điều này sẽ là thách thức nếu ngân hàng vẫn cố gắng giữ sự an toàn. Lãi suất cao xét đến cùng cũng không phải là điều mà ngân hàng mong muốn. Nhưng đứng trước tình thế này, ít nhiều các ngân hàng cũng đừng ích kỷ chỉ bảo vệ sự an toàn của mình mà quên đi khách hàng cho vay, những người đã, đang và sẽ đồng hành cùng chỉ tiêu tín dụng. |