Giá vàng và trò chơi chữ

Giá vàng và trò chơi chữ
Đến lúc này, câu chuyện quản lý giá vàng thế nào vẫn chỉ luẩn quẩn ở câu chữ, thay vì đi vào bản chất vấn đề. Không hiểu đây chỉ là “trò đố ô chữ” trên báo hay là một quyết định thực sự?

Giá vàng và trò chơi chữ

> Vàng trong nước liên tục điều chỉnh giảm

> Giá vàng SJC sẽ giảm mạnh trong một tuần? 

Đến lúc này, câu chuyện quản lý giá vàng thế nào vẫn chỉ luẩn quẩn ở câu chữ, thay vì đi vào bản chất vấn đề. Không hiểu đây chỉ là “trò đố ô chữ” trên báo hay là một quyết định thực sự?

Giá vàng và trò chơi chữ ảnh 1
 

Sát giá vàng thế giới”, là mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ mong muốn từ những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước. Những người kinh doanh vàng thì mong “giá phù hợp”. Trong khi thị trường vàng thì lại cần “giá đi theo quy luật cung cầu của thị trường”.

Vàng nào mà chẳng là…. vàng

Trong khi các mong muốn đang được đưa ra thì thị trường lại mau chóng tìm ra cách lách luật để “tiến lên”.

Ngân hàng Nhà nước vừa bàn dự thảo về Nghị định Quản lý kinh doanh vàng thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng ngay lập tức cho ra đời vàng miếng ẩn danh vàng trang sức. Nào vàng nhẫn tròn trơn loại 1 chỉ, 2 chỉ và 5 chỉ được đóng gói trong bao bì, dán tem của nhà sản xuất ngon lành. Cả người mua lẫn người bán đều thừa hiểu đó chính là vàng miếng, chỉ có người quản lý thị trường thì coi như không biết.

Vấn đề là loại vàng “trang sức” đó, nếu là do những thương hiệu vàng nổi tiếng sản xuất thì giá giao dịch ngang với giá vàng miếng. Nhưng nếu là thương hiệu nhỏ thường người dân sẽ bị ép giá khi bán.

Thực tế, nhiều người vẫn có thói quen mua vàng nhẫn trơn để cất trữ. Vì đâu phải ai cũng có đủ tiền để mua cùng lúc cả cây vàng. Trước khi Ngân hàng Nhà nước có quy định phân biệt vàng miếng và vàng trang sức thì lâu nay vàng nhẫn trơn vẫn được thừa nhận là vàng miếng, ít bị mất giá khi mua đi bán lại. Vì thế, chính sự phân biệt không đến đầu đến đũa giữa vàng miếng và vàng trang sức của cơ quan quản lý đã giúp các cửa hàng vàng trục lợi, vừa lách được luật lại vừa ép được giá người dân.

Đã vậy thì tát nước theo mưa, kinh doanh kiểu nào chẳng là… kinh doanh! Cho dù Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 17 tổ chức tín dụng và 14 doanh nghiệp kinh doanh vàng, nhưng rõ ràng mạng lưới kinh doanh vàng miếng này chưa thể phủ sóng đến ngõ nhỏ, phố nhỏ như hoạt động của hơn 12 ngàn điểm kinh doanh trước đây. Chưa kể, trong số gần 2.500 điểm giao dịch vàng miếng được cấp phép đợt đầu, có tới hơn 1.300 điểm được mở ở Hà Nội và Tp.HCM. Và không phải đơn vị nào được cấp phép cũng đồng loạt mở cửa tất cả các điểm giao dịch. Vì vậy, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi thị trường hình thành những chợ vàng - như chợ đen ngoại tệ đã và đang tồn tại mấy chục năm qua.

Rõ ràng mong muốn của Ngân hàng Nhà nước là thiết lập lại trật tự thị trường vàng. Vàng không được coi là hàng hóa thiết yếu để cần phải bình ổn, dẫn đến việc nó cũng không được coi là phương thức thanh toán để giảm tình trạng vàng hóa nền kinh tế… Thế nhưng, chừng nào vàng vẫn “quý như vàng” thì nhu cầu cất trữ và trao đổi như hình thức thanh toán sẽ vẫn còn tồn tại trong dân. Nhất là khi điều này còn bị ảnh hưởng bởi quy luật cung - cầu, sự sụt giảm sức mua của đồng nội tệ thông qua chỉ số lạm phát, sự ổn định của nền kinh tế và khả năng đầu tư theo kiểu “trứng bỏ vào nhiều giỏ”.

Liệu vàng có bớt phân nào hay không?

Khoảng cách giữa hai mức giá vàng trong nước và và vàng quốc tế vẫn “nóng rẫy” với mức chênh vài triệu đồng/lượng. Còn nhớ năm 2011, khi giá vàng trong nước đắt hơn giá vàng thế giới 2 triệu đồng/lượng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nói sẽ đưa mức chênh lệch này về 400 ngàn đồng. Nhưng đến cuối năm 2012 thì ông cho rằng, “không có lý do gì để bình ổn giá vàng”. phải chăng điều đó khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm lên đến 5 triệu đồng/lượng và mức chênh lệch giá lớn đã và đang kéo dài trong nhiều tháng qua.

Đã có một cuộc tranh luận khá gay gắt về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội trong phần liên quan đến thị trường vàng. Nhiều đại biểu cho rằng, cần yêu cầu giá vàng trong nước “gần” với giá vàng thế giới, nhưng lại có ý kiến cho rằng, phải “sát” với giá vàng thế giới. Và cuối cùng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 được thông qua, phần về vàng ghi: “Khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế”.

Về phía những người kinh doanh vàng, với phép tính tỷ lệ lợi nhuận/vốn phải trên 10%, cộng thêm biên độ rủi ro vài phần trăm nữa, thì mức chênh lệch này vào khoảng 700 ngàn đến 1 triệu đồng/lượng (tính tại thời điểm giá vàng 45 đến 46 triệu đồng/lượng). Chủ tịch HĐQT một ngân hàng tham gia kinh doanh vàng miếng thì cho rằng, khoảng cách này phải “phù hợp”.

Mà phù hợp thế nào, tùy theo từng người. “Đó mới là sự phong phú của tiếng Việt” - ông nói. Sát, gần, hay phù hợp là kiểu nói “chơi chữ” về giá vàng, theo dụng ý của những người có chỗ đứng khác nhau trên thị trường vàng.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Tienphong Bank không nói về chênh lệch giá, nhưng lại kỳ vọng, doanh thu từ mảng kinh doanh vàng sẽ mang lại 5 đến 10% lợi nhuận cho ngân hàng này trong năm 2013. Rõ ràng, kinh doanh vàng sẽ là nguồn thu không nhỏ cho các tổ chức tín dụng trong bối cảnh tín dụng còn khó khăn, nguồn thu dịch vụ không đáng kể. Không thế, sao bỗng dưng có ngân hàng thương mại cổ phần lớn, vốn từng tuyên bố “không hợp với vàng”, nay lại nhảy vào cuộc chơi?

Trước đã có đến 20 ngân hàng tham gia huy động và cho vay bằng vàng, dự kiến con số ngân hàng tham gia thị trường vàng sẽ còn nhiều hơn trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ trực tiếp tham gia mua bán trên thị trường (hiện chủ yếu là bán ra) để đảm bảo điều hòa cung - cầu trên thị trường. Cơ quan này cũng sẽ trực tiếp xuất, nhập khẩu vàng miếng (phần nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức dự kiến vẫn được giao cho đơn vị kinh doanh vàng).

Tuy nhiên, trước sau gì giá vàng cũng cần được vận hành theo quy luật của thị trường. Chính vì thế, thay vì trực tiếp “nhảy” vào can thiệp thị trường, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế để thị trường tự vận hành, điều tiết. Ví dụ, cơ quan này có thể công bố giá niêm yết, giống như công bố tỷ giá bình quân liên ngân hàng và quy định biên độ dao động.

Các đơn vị kinh doanh vàng có thể căn cứ vào giá này và quyết định giá mua bán trong “khung” Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tuy nhiên, để đi đến cơ chế này thì lại phải … chờ. Nên “trò chơi đoán ô chữ” với giá vàng vẫn còn dài dài

Theo Doanh Nhân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG