Doanh nghiệp ì ạch cổ phần hóa, thua lỗ liên miên

Doanh nghiệp ì ạch cổ phần hóa, thua lỗ liên miên
TP - Chuyện nợ nần, thua lỗ, ì ạch trong cổ phần hoá không chỉ xảy ra tại Haprosimex mà còn diễn ra tại hàng chục doanh nghiệp nhà nước khác của Hà Nội. Thậm chí tại một doanh nghiệp nhà nước ngành xây dựng 8 năm qua chưa xong thủ tục cổ phần hoá...

> Haprosimex bán cả nhà máy có trả hết nợ?

Hacinco: 8 năm chưa xong cổ phần hoá

Cty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) được UBND thành phố Hà Nội cho phép cổ phần hoá (CPH) từ ngày 29-10-2004. Quá trình CPH, Cty được Chi cục Tài chính doanh nghiệp Hà Nội chỉ đạo, Cty CP Chứng khoán Bảo Việt tư vấn hướng dẫn. Tổng số tiền công ty đã thu được từ bán cổ phiếu năm 2005 là gần 40 tỷ đồng.

Ngày 2-12-2005, Đại hội cổ đông được tổ chức, lập ra Cty CP Hacinco. Trong khi Cty đang chờ đăng ký kinh doanh để đi vào hoạt động thì ngày 23-12-2005, Sở Tài chính Hà Nội bất ngờ yêu cầu Cty phải có báo cáo kiểm toán tài chính năm 2005 trước khi chuyển sang Cty cổ phần do có đơn khiếu nại của một thành viên HĐQT và sau đó đã yêu cầu xem xét lại việc chuyển nợ thành vốn góp.

Và sau đó, kết quả đại hội cổ đông đã bị huỷ bỏ để chờ Sở Tài chính và UBND thành phố quyết định. Nhưng cho đến nay việc CPH tại Cty này vẫn dậm chân tại chỗ!?

Ông Đinh Đại Cồ, Chủ tịch Công đoàn Hacinco cho biết, việc đổ vỡ trong CPH đã gây thiệt hại không nhỏ cho DN, nhà nước và người lao động.

Tổng cộng đã có 498 cán bộ, công nhân viên của Cty và nhà đầu tư đã mua cổ phần suốt 8 năm qua mà chưa nhận được bất kỳ một đồng cổ tức nào, thậm chí không biết tương lai của các khoản đầu tư sẽ ra sao! Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng nặng nề.

“Người lao động trong Cty không có lỗi gì mà lại phải chịu thiệt thòi và đến nay vẫn chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm”- ông Cồ cho hay.

Một góc Làng Sinh viên Hacinco. Ảnh: Tuấn Minh
Một góc Làng Sinh viên Hacinco. Ảnh: Tuấn Minh.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Công Bình, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội khẳng định: tồn tại kéo dài tại Hacinco gần chục năm qua là do việc tính toán sai trong quá trình CPH và Thành phố chưa xử lý rốt ráo vụ việc này.

Sở Tài chính vừa tham mưu cho Thành phố mời một đơn vị kiểm toán độc lập xác định lại cổ phiếu ưu đãi, quyền lợi của người lao động, giá trị DN... để làm căn cứ xử lý dứt điểm.

Người lao động có quyền lựa chọn mua cổ phần và chỉ được mua một lần. “Tôi tin là trong năm 2013, việc CPH tại Hacinco sẽ được giải quyết dứt điểm”-ông Bình quả quyết.

Phổ biến nợ nần và thua lỗ

Chi cục Tài chính doanh nghiệp Hà Nội cho biết, tổng vốn nhà nước tại các DNNN của Hà Nội đang nắm giữ lên tới hơn 16.138 tỷ đồng, tuy nhiên hiệu quả sản xuất kinh doanh tại nhiều DNNN rất thấp.

Hàng loạt các DNNN của Hà Nội thua lỗ liên miên. Điển hình như Cty TNHH Nhà nước MTV Mai Động, Cty Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Hà Tây, Cty Ăn uống Dịch vụ Du lịch Sóc Sơn, Cty Kỹ thuật Điện Thông, Cty TNHH nhà nước MTV Thương mại và Đầu tư Hà Nội, Cty Sản xuất Công nghiệp và Xây lắp Hà Nội...

Ngoài ra, nhiều DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn quá thấp. Cụ thể như Cty CP Đầu tư và Phát triển nhà số 68 có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chỉ đạt 0,38% năm 2010; đạt 0,11% năm 2011; Cty TNHH nhà nước MTV đầu tư phát triển thể thao Hà Nội chỉ đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn có 3,8% năm 2010 và 1,21% năm 2011; Cty CP Đầu tư Xây dựng và Thủy tinh Hà Nội chỉ đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn có 1,49% năm 2010 và 2,17% năm 2011; Cty TNHH nhà nước MTV Giầy Thụy Khuê chỉ đạt tỷ suất 1,15% năm 2010 và 1,03% năm 2011; Cty MTV Giống gia súc Hà Nội chỉ đạt tỷ suất 0,07% năm 2010 và 0,17% năm 2011...

Nhận định về hiệu quả sản xuất kinh doanh của hàng loạt DN nêu trên, ông Chu Mạnh Cường, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Tài chính doanh nghiệp Hà Nội cho rằng, nếu tỷ suất lợi nhuận trên vốn mà thấp hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng thì đồng nghĩa với việc đầu tư hiệu quả rất thấp, đó là chưa tính đến lạm phát.

Cũng theo ông Cường, mặc dù nhiều DN báo có lãi, diện mạo bên ngoài “bảnh bao” nhưng thực chất bên trong cũng đã lâm trọng bệnh. Rất ít DN có vốn nhà nước của Hà Nội xây dựng được thương hiệu.

Quản trị DN nhìn chung rất yếu, nhiều trường hợp dây chuyền thiết bị đầu tư lớn mà sản phẩm làm ra không bán được.

“Nhiều người được cử làm đại diện vốn nhà nước cho đến khi về hưu mới thôi, kinh doanh không có nghề. Cơ chế bổ nhiệm, sử dụng người lãnh đạo trong nhiều doanh nghiệp nhà nước rất bất hợp lý”-ông Cường chua xót.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG