Chuẩn bị 6.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết

Các siêu thị bày bán hàng Tết Ảnh: Hồng Vĩnh
Các siêu thị bày bán hàng Tết Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Làm việc với Bộ Công Thương về việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định, tổng lượng hàng hoá dự trữ trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

> Hàng hoá ế ẩm dịp cuối năm
> Thị trường lễ, tết: Ngắm nhiều mua chẳng bao nhiêu

Theo Sở Công Thương Hà Nội, dự kiến nhu cầu tiêu dùng đối với các nhóm hàng phục vụ Tết sẽ tăng từ 20- 25% so với các tháng trong năm. Đến nay, ước tính tổng lượng hàng hóa dự trữ của hệ thống phân phối, bán lẻ dịp trước, trong và sau Tết trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng.

Trong đó, đối với các nhóm hàng thiết yếu như thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, rau củ..., các doanh nghiệp đã có chuẩn bị tăng 20-25% so với các tháng thường trong năm.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng- Phó giám đốc Sở NN&PTNT, đối với thịt gia súc, gia cầm, rau xanh, thì năm nay nguồn cung đã được đảm bảo.

“Hiện thành phố có hơn 700 trang trại chăn nuôi. Thủy sản nuôi trồng của Hà Nội cũng phát triển mạnh, do đó đảm bảo nguồn cung dịp Tết. Còn rau xanh đáp ứng được 60%, còn lại lấy từ các tỉnh lân cận với nguồn cung ổn định”- ông Đồng nói.

Đặc biệt, thời gian qua do việc tăng cường thanh kiểm tra của các lực lượng chức năng, đến nay chợ Hà Vĩ (chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc), không còn kinh doanh gà nhập lậu.

Hiện, mỗi ngày có khoảng 7 - 8 tấn gà Yên Thế được các doanh nghiệp thu mua tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đưa về Hà Nội phục vụ người dân.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, cần phải kiểm soát chặt chẽ hàng bình ổn vì có nhiều ý kiến cho rằng việc bình ổn giá là phi thị trường. “Trên địa bàn Hà Nội sẽ không thiếu hàng.

Riêng mặt hàng trứng vừa qua có biến động giá, nên Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ đang làm việc với các doanh nghiệp cung cấp, nếu doanh nghiệp này có thị phần trên 30% nhưng tăng giá trứng bất hợp lý sẽ bị xử phạt nghiêm”-Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nói.

Trao đổi với PV, ông Vũ Vinh Phú-Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội - cho rằng, các siêu thị và trung tâm thương mại mới chiếm hơn 20% thị phần, còn lại là thị phần tự do.

“Mấy hôm nay giá rau cỏ lên, giá trứng lên, bản thân hàng hóa của chương trình bình ổn cũng không giữ giá được. Việc trứng đột ngột tăng giá cao trong thời gian qua chứng tỏ hàng bình ổn bị bất ổn. Muốn bình ổn, thì ít cũng phải có 70- 80% hàng trên thị trường” - ông Phú nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG