Những đại gia Việt bỗng dưng ... thoát lỗ
> Toàn cảnh ‘cuộc chiến’ Saigontel và VTC
Không chỉ công ty của Cường đô la bất ngờ thoát lỗ, nhiều đại gia khác cũng gây sửng sốt khi có lợi nhuận sau nhiều quý âm vốn.
Nhiều đại gia bất ngờ báo lãi sau nhiều quý lỗ triền miên . Ảnh: minh họa |
Quốc Cường Gia Lai bất ngờ có lãi
Trong những ngày gần đây, thông tin công ty Quốc Cường Gia Lai (QCG) của bà Nguyễn Thị Như Loan, mẹ Phó giám đốc Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) bất ngờ có lãi đã phủ kín các mặt báo. Thông tin này gây xôn xao vì trước đó, QCG lỗ nhiều quý liên tiếp với khoản tiền “bốc hơi” lên tới cả trăm tỷ.
QCG vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2012 của công ty mẹ với mức lãi sau thuế đạt 11,32 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 27,8 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2011.
Trong kỳ, công ty đạt 648, 9 tỷ đồng doanh thu thuần, trong khi quý 4/2011 chỉ đạt 155,49 tỷ đồng. Dù doanh thu cao nhưng giá vốn hàng bán cũng cao khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 42,12 tỷ đồng. Nhờ khoản lợi nhuận khác 9,8 tỷ đồng nên công ty lãi sau thuế 11,32 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2012, QCG đạt 789,47 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt 13,4 tỷ đồng, trong năm 2011 công ty lỗ hơn 37 tỷ đồng.
Theo giải trình của Quốc Cường Gia Lai, tổng doanh thu quý 4/2012 tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước là do công ty đã xây dựng hoàn thành và bàn giao một phần căn hộ dự án Giai Việt và tiếp tục bàn giao căn hộ cũng như đất nền của một số dự án khác như: Mansion, Trung Nghĩa, 13E Phong Phú Bình Chánh và một phần doanh thu từ khách hàng đã thanh lý hợp đồng mua căn hộ trước đây.
KLS: Quý 4 “đèo” cả năm
CTCP Chứng khoán Kim Long (KLS) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2012. Quý IV/212, KLS đạt 46,5 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 50% so với cùng kỳ 2011, trong đó doanh thu môi giới và doanh thu cho thuê tài sản tăng, nhưng các doanh thu khác đều giảm.
Kết thúc quý, KLS báo lãi lãi 63 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước nhờ được hoàn nhập dự phòng 34 tỷ đồng giảm giá chứng khoán.
Cả năm, KLS đạt 241,6 tỷ đồng doanh thu. Do có quý IV lãi “to” nên KLS thoát lỗ và đạt lợi nhuận 21,57 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này cũng chỉ bằng 12% so với cùng kỳ năm trước là gần 185,5 tỷ đồng.
VOS có lãi sau 3 quý lỗ liên tiếp
Ông lớn ngành vận tải biển, Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOS) cũng thở phào nhẹ nhõm khi bất ngờ có lãi sau 3 quý lỗ liên tiếp.
Mới đây, VOS vừa công bố báo cáo quý 4/2012 và lũy kế cả năm 2012 của công ty mẹ.
Theo đó, riêng quý IV/2012, doanh thu thuần đạt 560,89 tỷ đồng giảm 18% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt 159,44 tỷ đồng tăng mạnh so với mức lãi gộp 20,3 tỷ đồng trong quý IV/2011.
Trong kỳ doanh thu tài chính tăng mạnh trong khi chi phí tài chính giảm 72%, chi phí bán hàng giảm 33%, chi phí QLDN giảm 19% nên kết quả lãi thuần đạt 94,97 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ thuần tới hơn 181 tỷ đồng.
Tuy nhiên lãi khác chỉ có 320 triệu đồng trong khi cùng kỳ hoạt động khác mang lại 181,12 tỷ đồng lợi nhuận. Nên kết quả, lợi nhuận sau thuế của VOS đạt 94,97 tỷ đồng tăng 90% so với quý IV/2011. Tuy nhiên, tính cả năm 2012, VOS vẫn lỗ 36,07 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán của bầu Hiển bất ngờ báo lãi
Là gương mặt quen thuộc nằm trong Top các doanh nghiệp lỗ khủng nhất, quý IV/2012, CTCP Chứng khoán Sài gòn Thương Tín (SBS) bất ngờ báo lãi khủng.
Cụ thể, nhờ tiết kiệm tối đa chi phí, cộng thêm khoản lợi nhuận khác 1 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế và sau thuế quý IV/2012 của SBS lãi hơn 2,04 tỷ đồng.
Năm 2012, SBS có khoản lợi nhuận khác đột biến 369,4 tỷ đồng, do đó lợi nhuận trước thuế của SBS năm 2012 chỉ lỗ 38,52 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lỗ 127,58 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế của SBS đến cuối năm 2012 là 1.761 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 245 tỷ đồng.
Năm 2012 SBS dự phòng gần 500 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi, con số này đã giảm hơn 300 tỷ so với đầu năm, khoản phải thu khác cũng giảm đáng kể từ hơn 2.200 tỷ đầu năm xuống 635 tỷ cuối năm.
EVN lãi khủng sau chuỗi ngày lỗ triền miên
“Đại gia” của các đại gia là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Sau chuỗi ngày dài lỗ cả ngàn tỷ đồng, năm 2012, EVN đã biết đến lãi. Trao đổi tại cuộc họp báo chiều 3/12, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, tổng các khoản chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện đến hết 31/12/2011 là 26.733,53 tỷ đồng.
Trong đó, chênh lệch tỷ giá chưa được phân bổ đến 31/12/2011 là 26.669,27 tỷ đồng và chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn chưa được phân bổ là 64,26 tỷ đồng. Trong năm 2012, do tỷ giá tương đối ổn định nên ông Tri cho rằng, số lỗ chênh lệch tỷ giá sẽ không có biến động lớn.
Ông Đinh Quang Tri tự tin nói, trong năm 2012, EVN dự kiến sẽ có lãi và sẽ bù lỗ của những năm trước khoảng 3.500 - 4.000 tỷ đồng tùy thuộc vận hành của thủy điện.
"Năm nay chắc chắn có lãi, nhưng lãi để bù lỗ của năm 2010 hơn 8.000 tỷ đồng và lỗ của năm 2011 hơn 3.000 tỷ đồng. Vì vậy, mức lãi 3.500 tỷ - 4.000 tỷ đồng sẽ bù được lỗ của những năm trước. Chúng tôi dự kiến năm 2013, sẽ có lãi để bù tiếp phần còn lại." - ông Tri cho hay.
Theo Bảo Linh
VTC News