Nhân viên ngân hàng 'tróc nã' con nợ

Nhân viên ngân hàng 'tróc nã' con nợ
Liên tục gọi điện thoại, tới tận nhà để hối thúc hoặc dọa kiện ra tòa...là những chiêu thức được nhân viên ngân hàng áp dụng triệt để với "con nợ" những ngày này.

Nhân viên ngân hàng 'tróc nã' con nợ

> Kỳ lạ ngân hàng thu nợ lúc ...2 giờ sáng
> Giám đốc bị giang hồ cạo đầu vì nợ tiền
> CEO cũ Habubank bị điều đi đòi nợ cho SHB

Liên tục gọi điện thoại, tới tận nhà để hối thúc hoặc dọa kiện ra tòa...là những chiêu thức được nhân viên ngân hàng áp dụng triệt để với "con nợ" những ngày này.

Ngân hàng chuyển áp lực xử lý nợ xấu lên doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà
Ngân hàng chuyển áp lực xử lý nợ xấu lên doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong nghiệp vụ ngân hàng, nợ xấu là các khoản vay quá hạn và được chia thành 5 loại cơ bản là: các khoản vay quá hạn dưới 10 ngày; quá hạn 10-90 ngày; 90-120 ngày; 120-360 ngày và trên 1 năm. Theo nhân viên thuộc bộ phận thu hồi nợ của một ngân hàng cổ phần có trụ sở trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM, việc xác định nợ xấu đến mức nào còn phụ thuộc vào tài sản đảm bảo hoặc các thứ mà khách hàng đem ra để thế chấp. Ngoài ra còn một số tiêu chí khác mà ngân hàng quy định. "Tình hình khó khăn chung hiện nay, chuyện doanh nghiệp dây dưa rất phổ biến", ông nói.

Cán bộ này tâm sự, trường hợp buộc phải xử lý nợ là cực chẳng đã. Với con nợ thuộc nhóm 1-2 thì ngân hàng chỉ gửi văn bản nhắc nhở hoặc cho nhân viên gọi điện thoại đến yêu cầu thanh toán. "Ngân hàng có nhiều loại vay khác nhau, trong đó vay tín chấp là loại khó thu hồi nợ nhất, bởi không có tài sản bảo đảm chẳng khác nào nắm đầu không tóc", ông than thở.

Cán bộ tín dụng một ngân hàng khác thì cho hay, vì lỡ vướng vào một hợp đồng cho vay quá hạn (nợ xấu thuộc nhóm 4), giờ ông bị điều xuống làm nhân viên thu hồi nợ. "Hằng ngày, tôi phải đến công ty của họ ngồi đợi, thấy tiền về, hàng về là ngay lập tức túm lấy", ông cho biết.

Không phải con nợ nào cũng chịu xuất hiện tại cơ quan. Một cán bộ thu hồi nợ của ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ kể, vì lãnh đạo của doanh nghiệp vay vốn tránh mặt không chịu lên cơ quan, ông buộc lòng phải đến tận nhà ngồi “ăn vạ”, đến chừng nào có được tiền hoặc tờ cam kết cụ thể trả nợ của khách hàng mới thôi.

Nhiều trường hợp, không thể gặp mặt được lãnh đạo doanh nghiệp, một số ngân hàng đã cho niêm phong kho hàng và cử người xuống canh giữ 24/24h. Số khác không có tài sản đảm bảo, nhiều nhà băng buộc phải tìm đến công ty chuyên đòi nợ thuê nhờ đòi giúp. "Trường hợp khởi kiện là lựa chọn cuối cùng của ngân hàng khi không thu hồi được nợ", một cán bộ ngân hàng cho biết.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết tỷ lệ nợ xấu của nhà băng ông khá cao, trên 8%. Ông cho rằng, tài sản đảm bảo là nhà xưởng, hàng hóa, doanh nghiệp tiếp tục sản xuất mới có nguồn thu. Nếu ngân hàng xử lý tài sản đó thì họ cũng không có nguồn thu nào để trả và dẫn đến việc gián đoạn sản xuất, khi đó doanh nghiệp chỉ có phá sản.

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ nợ xấu đang tăng nhanh vì số nợ đến hạn ngày một nhiều. "Nếu chúng tôi không làm quyết liệt như niêm phong kho hàng, thanh lý tài sản... để thu hồi nợ, không những đầu ra tín dụng bị nghẽn mà bản thân ngân hàng cũng chết vì số nợ ấy đã ăn mòn vào vốn của nhà băng", ông bộc bạch.

Ông này cho biết thêm, hiện nay nhiều bộ phận tại nhà băng ông đã thuyên chuyển bớt nhân sự sang bộ phận thu hồi nợ để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. "Giải quyết nợ xấu là ưu tiên của ngân hàng trong năm nay", ông nói.

Ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc Ngân hàng Me Kong (MDB) cho rằng, nợ xấu ngân hàng hiện rất cao nên các nhà băng phải ra sức xử lý. Bản thân MDB hiện nay chủ yếu cho vay ở lĩnh vực doanh nghiệp và nông nghiệp (nông dân) nên nợ xấu cũng tập trung phần lớn trong phân khúc này. "Năm nay, chúng tôi sẽ tập trung cơ cấu lại nguồn vốn cho vay một cách hợp lý và hiệu quả hơn để có thể giảm thiều tối đa rủi ro nợ xấu. Hiện tại nợ xấu tại nhà băng khoảng 3%", ông nói.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính Quốc gia, các doanh nghiệp Việt Nam còn quá nhiều khó khăn và một số đơn vị phải dừng hoạt động, phá sản ước đến cuối năm 2012 là khoảng 51.800 doanh nghiệp. Nhiều đơn vị đang rơi vào tình trạng mất khả năng trả nợ. Vì thế, nguy cơ nợ xấu sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. "Năm 2013, tình hình kinh tế trong nước vẫn khó khăn, nhất là những tháng đầu năm, vì phải ưu tiên giải quyết các điểm nghẽn (hàng tồn kho, nợ xấu…).

Việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ lập Công ty mua bán tài sản (VAMC) để xử lý nợ xấu cũng được ông Ngân cho là cần thiết, tránh tình trạng các ngân hàng phải tự mày mò xử lý nợ xấu. "Tuy nhiên, công ty này muốn hoạt động hiệu quả cần phải có một hành lang pháp lý có tính chuyên biệt, mới có thể nhanh chóng xử lý được đống nợ xấu hiện nay", ông Ngân nói.

Theo Lệ Chi
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG