Nhà thiếu tiền, có dám mua sắm?
> Giá hàng tiêu dùng tăng theo giá điện
Mặc dù thừa nhận việc dự báo là khó lường trước biến động của thị trường nhưng ông Nguyễn Lộc An, vụ phó vụ Thị trường trong nước, bộ Công thương vẫn phác thảo nên một bức tranh tiêu dùng của năm 2013.
Kinh tế khó khăn, cầu về những món hàng xa xỉ sẽ giảm đi . |
Thưa ông, thực trạng sức mua của năm 2012 như thế nào?
Trong tháng 12, sức tiêu thụ hàng hoá nói chung chưa tăng mạnh, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, nguyên nhiên vật liệu vẫn khá dồi dào. Năm 2012, có thể nói là năm thực sự khó khăn với nền kinh tế nói chung và với thị trường hàng hoá nói riêng. Sản xuất kinh doanh thì gặp khó khăn, thu nhập giảm sút nên người dân có xu hướng cắt giảm chi tiêu, Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 12 đạt 204.607 tỉ đồng, tăng 1,03% so với tháng 11.2012. Trong đó, mức tăng chủ yếu thuộc về các mặt hàng trong nhóm thương nghiệp (nhóm này tăng 1,11%, trong khi các nhóm khác chỉ tăng 0,12 – 0,88%), do đang vào giai đoạn chuẩn bị tết và chuyển mùa.
Như vậy, ước tổng mức bán lẻ năm 2012 đạt 2.324.443 tỉ đồng, tăng 15,97% so với 2011, đây là mức tăng khá thấp so với các năm thông thường (20%). Đặc biệt, nếu loại trừ yếu tố tăng giá tổng mức bán lẻ năm 2012 chỉ tăng 6,2% so với năm 2011.
Tuy là tăng thấp nhưng mức bán lẻ vẫn tăng so với năm 2011, vậy tại sao một trong những chủ đề chính của năm 2012 lại là tồn kho, cầu yếu?
So với kỳ vọng, đáng ra phải tăng nữa. Đúng là phải ở mức 22%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì ở 8 – 9%. Tính trung bình thì các năm trước tăng 14 – 15%.
Ông có thể phân tích cung và cầu năm 2012?
Cầu có hai dạng, một là các mặt hàng mà người dân thấy cần thiết nhưng không có tiền mua, họ phải cắt giảm chi tiêu. Hai là cảm thấy không cần mua, tiết kiệm.
Do đó, cung – cầu ở đây không tuân theo quy luật thị trường nữa, mà cung thừa ở đây do dân tiết kiệm, phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế. Vì khó khăn mà cắt giảm chi tiêu, nên cung thì thừa mà cầu vẫn yếu.
Còn các mặt hàng bị “tiết kiệm”?
Có một số mặt hàng ảnh hưởng do cắt giảm chi tiêu công của Chính phủ, như ximăng, sắt, thép (trong bất động sản). Hoặc như phân bón cũng có dư thừa, do tác động bên ngoài vào nền sản xuất của chúng ta, lúc được mùa thì nông dân đổ xô vào kinh doanh, nhưng lúc kinh tế khó khăn thì cầu yếu.
Đáng chú ý, tiêu thụ sắt, thép, ximăng trong tháng 12.2012 thấp, trong khi thường vào các dịp cuối năm là nhu cầu các mặt hàng này tăng cao, khi các dự án được hoàn thành, người dân sửa chữa nhà cửa…
Liệu tiêu dùng các mặt hàng này có nhích lên trong 2013?
Các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tôi nghĩ sức mua vẫn tăng, tại vì theo chỉ tiêu Quốc hội giao và Chính phủ cũng đã đăng ký thì GDP phải tăng 5,5%. Mà để đạt được GDP như vậy thì phải tăng sức mua.
Nhưng đó là mục tiêu, còn triển vọng thì sao?
Mức bán lẻ năm 2013 có thể tăng từ 15 – 17% nếu lạm phát yếu, với mức tăng 17% nhưng khi loại trừ yếu tố tăng giá thì còn bao nhiêu, cái đấy mới quan trọng.
Ông có cho rằng lạm phát cao sẽ trở lại?
Tôi nghĩ dưới 10%.
Có thể tác động vào hai loại cầu mà ông nói ở trên thế nào?
Bây giờ nếu nói ngân hàng muốn bơm tiền ra để tăng sức mua, để người dân có tiền tiêu thì cũng không biết bơm vào đâu, vào chỗ nào? Theo chu kỳ của nền kinh tế, bao giờ cũng có lên, giảm, khủng hoảng rồi mới “ngóc” lên. Vì thế rất khó dự báo.
Chưa kể mặt hàng xăng dầu trong hai năm qua không theo xu thế nào cả. Mọi năm giá dầu thô tăng thì giá sản phẩm xăng dầu lên theo, nhưng hai năm gần đây giá dầu thô giảm mà giá xăng dầu vẫn tăng.
Cầu về ximăng, sắt, thép liên quan đến giải cứu bất động sản?
Tôi cho rằng muốn giải cứu bất động sản thì một là Nhà nước phải bơm tiền ra, đứng ra mua toàn bộ dự án đó; hai là Nhà nước phải khoanh nợ ngân hàng của bất động sản, hoặc giãn nợ và đồng ý cho thế chấp để vay tiếp. Chứ bảo dân mua thì dân làm gì có tiền mà mua.
Các mặt hàng được coi là thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông sản, trước đây hướng tới xuất khẩu là nhiều, giờ quay về nội địa có thành công?
Với nông sản thì trong nước đang xây dựng mô hình tiêu thụ, phối hợp với liên minh hợp tác xã. Ngày 28.12, TP.HCM phối hợp với các tỉnh, giao lưu giữa các tỉnh trồng rau với các tỉnh chăn nuôi để tiêu thụ cho nhau.
Còn có biện pháp nào khác để tăng tiêu dùng?
Bây giờ nếu có gói kích cầu thì ảnh hưởng đến lạm phát năm 2013, khó là ở chỗ đấy. Tôi nghĩ bây giờ ai cũng muốn hàng đổi hàng, tiêu thụ sản phẩm của nhau, sản phẩm của ông là đầu vào nhà máy của tôi, tôi chế biến xong thì ông tiêu thụ sản phẩm.
Vậy bức tranh năm tới vẫn u ám?
Với bất ổn của kinh tế – chính trị thế giới, Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng do đã hội nhập sâu. Theo dự báo của IMF hồi tháng 10.2012, kinh tế toàn cầu năm 2013 chỉ tăng trưởng 3,6%, cao hơn chút ít so với 3,3% của năm 2012. Trong nước, lãi suất thì vẫn ở mức cao (dù đang trong xu hướng giảm) nên các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Quý 4/2012 vẫn chưa có biểu hiện rõ của xu hướng đi lên.
Vì thế, sức tiêu thụ hàng hoá năm 2013 dự kiến chưa được cải thiện nhiều, nhưng tôi cũng hy vọng nửa cuối năm thì kinh tế có những bước đi lên (khi nợ công châu Âu có thể được khắc phục), làm đà cho năm 2014 phục hồi. Lúc đó có khả năng sức mua tăng theo. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội năm 2013 cố gắng thúc đẩy và đạt được 17 – 18% so với năm 2012.
Theo Việt Anh
SGTT