Nợ tiền bảo hiểm: Thắng kiện vẫn khó đòi tiền

Nợ tiền bảo hiểm: Thắng kiện vẫn khó đòi tiền
TP - Danh sách và số nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH-bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp) ngày càng tăng. BHXH nhiều tỉnh, thành chọn cách kiện con nợ ra tòa, nhưng ngay cả khi đã thắng kiện vẫn khó thu hồi nợ BHXH của doanh nghiệp.

> Những ‘con nợ thảm hại’
> Hơn tám nghìn lao động Vinashin bị nợ BHXH

Biện pháp hành chính “bó tay”

Trước tình trạng nợ đọng BHXH gia tăng, bà Nguyễn Thị Phương Mai - Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, trong năm 2012, BHXH Hà Nội đã khởi kiện hơn 20 doanh nghiệp ra tòa.

Tuy nhiên, theo bà Mai, sau khi tòa tuyên án, một số doanh nghiệp vẫn không chấp hành phán quyết của tòa, buộc cơ quan thi hành án phải cưỡng chế bằng cách phối hợp với các ngân hàng cấn trừ tiền từ tài khoản của doanh nghiệp.

Thế nhưng, trước khi BHXH kịp và ngân hàng cấn trừ tiền từ tài khoản, các doanh nghiệp đã kịp rút hết tiền trong tài khoản.

Điển hình như trường hợp ở Cty Cavico xây dựng cầu hầm (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Do Cty này mở tài khoản giao dịch tại một ngân hàng ở quận Cầu Giấy, nên sau khi thắng kiện, BHXH Từ Liêm có văn bản đề nghị Chi cục thi hành án dân sự quận Cầu Giấy thi hành bản án.

Khi đại diện cơ quan thi hành án xuống làm việc với giám đốc công ty là ông Hà Văn Choang, ông này đã có cam kết trả nợ. Tuy nhiên, sau đó, Cty Cavico đã không thực hiện.

Sau khi được BHXH huyện Từ Liêm cung cấp số tài khoản giao dịch tại các ngân hàng, cơ quan thi hành án đến làm việc với ngân hàng thì Cty Cavico đã rút hết tiền trong tài khoản.

Ông Trần Đình Liệu cho biết, rất nhiều doanh nghiệp để nợ đọng BHXH, BHYT trong thời gian dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ.

Không ít trường hợp chủ doanh nghiệp trích tiền lương của NLĐ để đóng BHXH, BHYT nhưng không nộp hoặc khi các cơ quan thanh tra, xử lý thì doanh nghiệp mới chịu nộp.

Một số trường hợp thanh tra lao động ra quyết định xử phạt hành chính về nợ tiền đóng BHXH, BHYT nhưng doanh nghiệp không nộp phạt.

“Thậm chí, một số doanh nghiệp bị kiện ra Tòa về việc chậm đóng BHXH, BHYT nhưng vẫn không chấp hành các phán quyết của Tòa” - ông Liệu nói.

Theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu (thuộc BHXH Việt Nam) cho biết, trường hợp BHXH thắng kiện nhưng vẫn không đòi được nợ BHXH của doanh nghiệp như tại Hà Nội không phải là cá biệt.

“Đa số các vụ khởi kiện doanh nghiệp đều có hồ sơ đầy đủ nên khi toà xử thì phần thắng đều thuộc về BHXH. Tuy nhiên, số tiền cơ quan thi hành án thu được rất thấp, chỉ từ 20-30% số tiền doanh nghiệp nợ BHXH. Biện pháp chính để thu hồi nợ BHXH hiện nay là thông qua cơ quan thi hành án. Ngoài ra, dùng sức ép của NLĐ để đốc thúc doanh nghiệp thôi”, ông Liệu nói.

Trước thực tế rất khó đòi nợ BHXH, BHYT kể cả khi Toà đã xử thắng, ông Liệu cho biết, BHXH đang kiến nghị áp dụng biện pháp hình sự đối với trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ỳ, không trả tiền nợ đọng BHXH, BHYT sau khi Toà án xét xử.

“Chỉ có áp dụng biện pháp hình sự lúc đó mới thu hồi được số tiền nợ BHXH mà doanh nghiệp đang cố tình chiếm dụng của NLĐ” - ông Liệu khẳng định.

Thêm nhiều đại gia nợ BHXH lớn

BHXH Việt Nam vừa công bố một danh sách dài 12 trang với gần 400 doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT lớn trên cả nước.

Trong đó, có một số địa phương có số lượng doanh nghiệp nợ đọng BHXH lớn như: Hà Nội 162 doanh nghiệp, TPHCM 35 doanh nghiệp, Bình Dương 16 doanh nghiệp, Thanh Hoá 14 doanh nghiệp, Bắc Ninh 12 doanh nghiệp... Đặc biệt, trong số gần 400 doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT được điểm mặt chỉ tên, có rất nhiều tên tuổi lớn với số nợ BHXH, BHYT trung bình từ 1 tỷ đồng đến trên 13 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn nợ trên 5 tỷ đồng có thể kể đến như Cty cổ phần cơ khí và xây lắp số 7, Tổng Cty đường bộ 230, Cty cổ phần đầu tư và xây dựng công trình 128 CIENCO1, Cty cổ phần xây dựng giao thông và thương mại 124.

Số doanh nghiệp nợ từ 6 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng có nhiều tên tuổi lớn như: Cty cổ phần cầu 14 CIENCO1 (12,1 tỷ đồng), Cty cổ phần Sông Đà 8 (10,2 tỷ đồng), Cty TNHH may mặc xuất khẩu VIT Garment (9,3 tỷ đồng).

Ngoài ra, một loạt tên tuổi lớn khác cũng có số nợ trên 4 tỷ đồng như Cty cổ phần Sông Đà-Thăng Long nợ 4,1 tỷ đồng; Cty cổ phần 116-CIENCO 1 nợ 4,3 tỷ đồng; Cty TNHH một thành viên vận tải viễn dương (Vinashin) nợ 4,9 tỷ đồng; Cty TNHH đèn hình Orion Hanel nợ 4,9 tỷ đồng... Tại TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT lớn như: Trung tâm điện thoại di động C.D.M nợ 10,2 tỷ đồng, Cty TNHH TMDC vận tải Sài Gòn nợ 6,2 tỷ đồng... Tại Bình Dương, đơn vị nợ lớn nhất là Cty cổ phần tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành với gần 13 tỷ đồng.

Theo ông Trần Đình Liệu, tính đến thời điểm hết tháng 11-2012, tổng số tiền nợ đọng BHXH lên tới 8.700 tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHXH gia tăng. Đó là do quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng nên đại bộ phận doanh nghiệp cố tình nợ BHXH, chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH.

Chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH còn nhiều bất cập như: mức xử phạt thấp, thủ tục xử phạt phức tạp, không quy định xử lý hình sự khi chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ.

Ngoài ra, có một thực tế nữa là cơ quan BHXH lại không có chức năng thanh tra, xử phạt vi phạm BHXH nên khi kiểm tra, phát hiện các đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật về BHXH chỉ nhắc nhở và đề nghị doanh nghiệp chấp hành, sau đó dừng lại ở việc phản ánh với UBND tỉnh hoặc UBND huyện xử lý.

Vinashin, Vinalines nợ hơn 103,9 tỷ đồng

Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 6-2011, các đơn vị trực thuộc Vinashin, Vinalines nợ BHXH tới hơn 103 tỷ 952 triệu đồng. Hiện, số nợ BHXH của Vinashin, Vinalines ngày càng tăng.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội cho các doanh nghiệp thuộc Vinashin vay tiền để đóng BHXH. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được vay tiền do chưa đáp ứng được đầy đủ thủ tục của ngân hàng nên tiếp tục nợ BHXH.

BHXH Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngân hàng có giải pháp phù hợp để các doanh nghiệp còn lại thuộc hai doanh nghiệp trên được vay tiền đóng BHXH.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.