Doanh nghiệp thấp thỏm chuẩn bị Tết
> Hàng bình ổn Tết: Nơi ế ẩm, chỗ hút khách
> Hàng tết: Chợ cóc tăng, siêu thị giữ giá
Dù đã sẵn sàng nguyên liệu, hàng hóa cho mùa mua sắm lớn nhất trong năm (Tết Quý Tỵ 2013) các doanh nghiệp, nhà bán lẻ đều thận trọng dự báo sức mua sẽ không sung mãn và thấp hơn cùng kỳ do kinh tế khó khăn.
Các chuyên gia dự báo kinh tế khó khăn sẽ tác động mạnh đến tiêu dùng cuối năm, không loại trừ nhóm hàng nhu yếu phẩm phục vụ Tết. Ảnh: Hà Thanh. |
Phó tổng giám đốc Công ty Bibica, Phan Văn Thiện cho biết, tính đến tháng 11, doanh nghiệp đã huy động đủ nguyên vật liệu và 100% công suất của các dây chuyền sản xuất bánh kẹo Tết. Dự kiến, đầu tháng 12, hàng Tết của đơn vị này sẽ có mặt trên toàn quốc, tập trung vào hai dòng bánh kẹo cao cấp và truyền thống. Trong đó, dòng sản phẩm cao cấp sẽ có giá cạnh tranh, thấp hơn 20% so với các thương hiệu nước ngoài và có chất lượng tương đương. Dự kiến, sản lượng của Bibica Tết 2013 là 1.200 tấn bánh kẹo và socola các loại, tăng 15% so với năm ngoái.
Dù đẩy mạnh sản xuất, ông Thiện tỏ ra dè dặt khi đánh giá sức tiêu thụ của mùa mua sắm cuối năm. Theo các chuyên gia kinh tế, Tết 2013, mức độ tiêu dùng sẽ không tăng nhiều so với năm 2012. Do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng sẽ kén chọn hơn trong việc lựa chọn hàng hóa.
Thông thường, sức mua năm sau tăng hơn so với năm trước là 20%, nhưng Tết năm nay khả năng chỉ tăng khoảng 5-10% sản lượng. Giữa vòng vây của hàng ngoại, ông Thiện cho rằng các doanh nghiệp Việt vẫn có thể thuyết phục được người tiêu dùng nếu sản phẩm trong nước đảm bảo được chất lượng, mẫu mã và giá cả hợp lý.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty Vissan, ông Văn Đức Mười cho biết, dựa trên sức mua và tình hình kinh tế xã hội năm 2012, Vissan chuẩn bị nguồn hàng Tết Quý Tỵ tăng 10-15% so với năm trước. Tổng trị giá dự trữ của Vissan chuẩn bị cho mùa mua sắm lớn nhất trong năm đạt 1.010 tỷ đồng. Đến nay doanh nghiệp đã chuẩn bị được 80% sản lượng, 20% còn lại thuộc nhóm hàng tươi sống.
Sức mua Tết Nhâm Thìn đã có dấu hiệu giảm nên không ít doanh nghiệp lo ngại sức mua Tết Quý Tỵ không sung mãn. Ảnh: Vũ Lê. |
Ông Mười cho hay, vấn đề của Tết 2013 là phải tính được vòng quay của nguyên liệu, đủ hàng dự trữ nhằm hạn chế tăng giá cục bộ và tránh ách tắc nhưng sức mua vẫn là ẩn số. Người Việt có truyền thống ngày Tết phải đủ đầy thực phẩm. Thế nhưng với thu nhập bình quân còn thấp và tình hình kinh tế khó khăn không cho phép dự báo lạc quan mà phải hết sức thận trọng. "Tết Quý Tỵ sức mua sẽ không sung mãn, các nhà sản xuất phải cố gắng tổ chức tốt việc phân phối và kỳ vọng bằng Tết năm 2012 là mừng rồi", ông Mười nói.
Với 2 nhà bán lẻ lớn tại TP HCM là Saigon Co.op và Big C, lượng hàng Tết dự trữ cũng tăng nhẹ. Giám đốc Saigon Co.op, Lê Quang Thục Quỳnh cho biết, sức mua và lượt khách Tết Quý Tỵ có thể tăng 3-4 lần so với ngày thường. Vì vậy lượng hàng thiết yếu mùa Tết cũng được tăng lên gấp 4 lần so với các tháng trong năm. Tổng lượng hàng hóa dự kiến cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết được dự trữ các dịp trên là 38.000 tấn, tăng khoảng 25% so với Tết Nhâm Thìn. Dự kiến trong những ngày cận Tết Quý Tỵ Saigon Co.op sẽ cùng với một số nhà cung cấp tham gia giảm giá thêm một số mặt hàng khác với giá khuyến mãi 10-50%.
Theo chỉ đạo và hỗ trợ của UBND TP HCM, Saigon Co.op được ứng vốn để dự trữ 9 nhóm hàng thiết yếu phục vụ Tết bao gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, trứng, thủy hải sản. Đến giữa tháng 11, tổng lượng dự trữ gồm: 11.000 tấn gạo, 3.800 tấn đường, 4.400 tấn dầu ăn, 5.100 tấn thịt gia súc, 2.370 tấn thịt gia cầm, 2.250 tấn thực phẩm chế biến, 9 triệu quả trứng, 490 tấn thủy hải sản và 8.500 tấn rau củ quả.
Riêng hệ thống siêu thị Big C đã hoạch định số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Quý Tỵ 2013 tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Cuối tháng 11 Big C sẽ hoàn tất đàm phán với các nhà cung cấp về nguồn hàng phục vụ Tết. Hàng hóa được tập trung trong mùa cao điểm gồm: bánh kẹo đóng hộp, bánh mứt truyền thống, thịt nguội, rau củ quả chủ đạo mùa Tết, thức ăn sẵn và hàng hóa phi thực phẩm.
Từ giữa tháng 11 đến cận Tết (cuối tháng 1 đầu tháng 2/2013), Big C sẽ khuyến mãi, giảm giá (5-50%) hơn 3.000 mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm. Riêng nhóm hàng giỏ quà Tết, nhà bán lẻ này cho hay sẽ tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Giám đốc quan hệ công chúng và đối ngoại siêu thị Big C, Dương Thị Quỳnh Trang nhận định: "Có thể Tết năm 2013 người dân sẽ không mua sắm nhiều bằng những dịp Tết cách đây 2-3 năm. Kinh tế không thuận lợi đang tác động lên toàn thị trường và Tết năm ngoái đã xuất hiện dấu hiệu khó khăn".
Theo bà Trang, trên thực tế nhu cầu mua sắm vẫn rất lớn nhưng tình hình kinh tế đang kéo sức mua chững lại. Tuy nhiên, sẽ không có chuyện người dân chẳng hề sắm sửa gì cho gia đình và người thân vào dịp Tết. Người tiêu dùng sẽ cân nhắc kỹ hơn và tìm đến những đơn vị bán lẻ có gói kích cầu phù hợp, giá cả tốt nhất.
Nhiệm vụ của nhà bán lẻ là phải đảm bảo lượng hàng dự trữ dồi dào để tránh tình trạng tăng giá. Bình ổn giá kèm theo khuyến mãi sẽ giúp cho việc bán hàng thuận lợi hơn. "Sức mua phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tình hình kinh tế, túi tiền của người dân và khả năng kích cầu của nhà bán lẻ. Vì vậy, thay vì kỳ vọng, Big C sẽ nỗ lực chuẩn bị tốt để vực dậy sức mua", bà Trang nói.
Theo Vũ Lê
VnExpress