> Lộ nhiều thương hiệu vàng gian tuổi?
Siêu lợi nhuận từ gian lận
Chị Thúy Hằng (Từ Liêm, Hà Nội) có 7 cây vàng miếng thương hiệu vàng Rồng Thăng Long thất thần khi có thông tin phát hiện vàng miếng không đủ độ tuổi vàng.
Chị Hằng cho biết: “Tôi đã chọn thương hiệu uy tín để mua và họ bán ra sao thì mua vậy, chứ mình đâu có máy móc và chuyên môn để kiểm tra vàng đó đủ tuổi như giá bán hay không. Cái chính là tin tưởng vào cửa hàng bán. Nay có thông tin vàng miếng còn thiếu tuổi thì cũng chịu, chỉ còn cách mang bán lại cho chính nơi mình mua thôi”.
Cũng trong tâm trạng như chị Hằng, chị Hoàng Tuyết (Nam Trung Yên, Hà Nội) có trên 3 cây vàng nữ trang cho hay: “Số vàng này tôi được anh em họ hàng tặng khi cưới. Vàng trang sức cũng toàn thương hiệu có tiếng. Nếu giữ vàng mà không đủ độ tuổi tôi sẽ bán đi rồi gửi tiết kiệm chứ giữ vàng như vậy không yên tâm”.
Một chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội tiết lộ, nhiều doanh nghiệp sản xuất vàng ăn gian tuổi vàng. Vàng trang sức bị ăn gian tuổi vàng nhiều hơn so với vàng miếng.
“Cái lợi của doanh nghiệp khi ăn gian tuổi vàng là họ bỏ ra một đồng, nếu làm đúng tiêu chuẩn chất lượng thì lãi 3 đồng, nhưng nếu gian lận thì số lãi đó tăng lên thành 7 đồng”.
Cũng theo vị doanh nhân trên, với vàng trang sức thì ngoài việc ăn gian tuổi vàng, doanh nghiệp còn ăn gian cả trọng lượng vàng. Có đến 90% vàng trang sức ăn gian cả tuổi cả lượng. Một chiếc dây chuyền bớt đi một ly người tiêu dùng không biết được.
Vì vậy mới có chuyện vàng mua của cửa hàng nào chỉ bán cho cửa hàng đó, nếu bán sang cửa hàng khác sẽ bị ép giá. Tình trạng này diễn ra lâu nay nhưng cơ quan quản lý chưa kiểm soát được.
“Có thể nói việc kiểm soát chất lượng vàng ở Việt Nam lâu nay hầu như bị bỏ ngỏ. Trong khi đó, phần lớn người dân Việt Nam mua vàng về để tích trữ, khi cần tiền họ mới đem vàng đi bán. Thậm chí cả dân đầu cơ lướt sóng khi vàng hạ họ mua vào thì họ cũng gửi ngân hàng chứ không lưu thông trên thị trường. Nên doanh nghiệp sản xuất vàng không ăn gian tuổi mới là chuyện lạ”, vị doanh nhân nói.
Ông Trần Thanh Hải – Tổng Giám đốc Cty đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, hiện NHNN là cơ quan thống nhất quản lý vàng trong đó có quản lý chất lượng, cấp giấy phép, độc quyền sản xuất, nên NHNN phải là người có trách nhiệm kiểm định tuổi vàng.
“Khi Cty SJC công bố một số thương hiệu vàng khác không đạt chất lượng thì NHNN cũng nên xem xét cụ thể. Để khách quan, NHNN phải đứng ra kiểm định máy kiểm định của Cty SJC trước, đủ tiêu chuẩn mới cho kiểm định vàng của doanh nghiệp khác.
Bởi Cty SJC cũng là doanh nghiệp, mục tiêu cũng là lợi nhuận. Sau khi đã kiểm định chất lượng máy rồi, thì việc kiểm định chất lượng vàng mới khách quan”, ông Hải nói.
Doanh nghiệp “ăn gian” phải bồi thường
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay: Khi người dân đi mua vàng hầu như không biết độ tuổi vàng, mà chỉ thuận mua vừa bán. Nếu vừa qua không có việc Cty SJC kiểm định để chuyển sang vàng SJC thì thông tin vàng nhiều thương hiệu không đủ độ tuổi không ai biết.
“Doanh nghiệp sản xuất vàng đăng ký tiêu chuẩn chất lượng vàng miếng là 4 số 9, nay cơ quan chức năng kiểm tra thấy không đúng như vậy, nếu người mua vẫn giữ hóa đơn, chứng từ thì nơi bán phải chịu trách nhiệm. Người tiêu dùng có thể yêu cầu nơi bán bồi thường thiệt hại cho mình. Nếu người tiêu dùng không đòi được thì Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh... sẽ can thiệp để bảo vệ người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ áp dụng một trong 8 quyền của người tiêu dùng là quyền được bồi thường để bảo vệ người tiêu dùng”, ông Hùng nói.
Ngoài ra, theo ông Hùng, doanh nghiệp công bố sản phẩm đạt chất lượng nhưng khi bán ra không đúng như công bố thì NHNN cần có chế tài xử lý.