Ngân hàng Nhà nước: Ưu tiên xử lý nợ xấu, tái cơ cấu

Ngân hàng Nhà nước: Ưu tiên xử lý nợ xấu, tái cơ cấu
TP - Hôm qua 25-10, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về một số vấn đề nóng dư luận quan tâm như vàng - có hay không lợi ích nhóm; xử lý nợ xấu sẽ thế nào. Bên cạnh, đề cập đến thanh khoản, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.

> 'Cần lập Ủy ban giải quyết nợ xấu để cứu nền kinh tế'

Hạn chế vàng hóa, đôla hóa là mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Hồng Vĩnh
Hạn chế vàng hóa, đôla hóa là mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ngân hàng cần mua 20 tấn vàng

Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nói: “Mục tiêu lớn nhất của NHNN khi thiết lập lại thị trường vàng là làm sao để vàng không gây ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, không ảnh hưởng tới tỷ giá ngoại tệ, và dù trực tiếp hay gián tiếp vàng đều phải phục vụ cho kinh tế đất nước.

Hiện NHNN đã có đề án quản lý thị trường vàng với 3 bước: Lập lại khuôn khổ cho thị trường vàng (Nghị định 24/CP thay thế NĐ 174/CP); Chặn đứng, chấm dứt việc cho vay và huy động vàng của các tổ chức kinh tế; Chuyển đổi quan hệ cho vay bằng vàng sang quan hệ mua bán. “Về cơ bản mọi việc đang đi đúng hướng”- ông Hưng khẳng định.

Tại sao NHNN “thích” mác SJC? “Ở đây không có chuyện lợi ích nhóm, chỉ đơn giản thương hiệu này có uy tín và chất lượng. Với khối lượng 200-300 thậm chí 400 tấn lưu thông, 90% đã là SJC, chọn bất cứ thương hiệu nào khác cũng không đúng quy luật thị trường. Giá vàng trong nước chênh so với giá thế giới là 3 triệu/lượng, người bán vàng chủ yếu là dân còn mua là các ngân hàng. Nên giá vênh cao chỉ có ngân hàng là lỗ nặng. Đây là cuộc chơi sòng phẳng, họ đã ăn đủ những năm trước, hạch toán vào lãi thì nay đến lúc phải trả giá”- một lãnh đạo khác NHNN thẳng thắn.

Vị này cũng bật mí: “Để ra được Nghị định 24 về quản lý vàng, chúng tôi phải “chiến” cả trong nội bộ và giới kinh doanh vàng. Họ lobby đủ cách làm sao không ra được Nghị định 24. Từ tháng 10 năm ngoái đến nay, chúng tôi kiên quyết không cho nhập thêm bất cứ tấn vàng nào. Chính điều này đã hạn chế chảy máu ngoại tệ, giữ ổn định tỷ giá”.

Trước sức ép về thời hạn đóng trạng thái tài khoản về cho vay và huy động của các NHTM vào 25-11 này, NHNN cho biết 6 tháng qua hệ thống ngân hàng đã mua vào tới 60,5 tấn, hiện còn 20 tấn chưa bù đắp được trong đó có 3 NHTM khó khăn nhất khoảng 8 tấn.

"Do rơi vào quý 4 thanh khoản cần nhiều tiền, NHNN sẽ cho lùi thời gian đóng lại để cho qua giai đoạn này nhưng thời gian chỉ tính bằng tháng chứ không bằng năm. NHNN đã báo cáo và Chính phủ đã đồng ý" - ông Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Liên quan đến vàng nhái SJC, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Quản lý ngoại hối nói: “Thông điệp với bà con là nếu mua phải vàng nhái SJC cứ bình tĩnh giữ lại. Nếu đổ xô đi bán sẽ bị ép giá, chờ đến khi thị trường nguội bớt hãy đổi”.

Nợ xấu: Cần bĩnh tĩnh

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ công bố: Tính đến 19- 10, huy động của dân cư tăng 23,31% trong đó: tiền gửi bằng VNĐ của dân cư tăng 28,76%; ngoại tệ của dân cư giảm 5,53%. Tín dụng hệ thống tăng 2,77%. Huy động ngoại tệ giảm 1,55%. Điều này chứng tỏ một phần lớn vàng và ngoại tệ trong dân đã được chuyển đổi sang tiền đồng.

“Nhờ “cục” tiền này NHNN có điều kiện dùng ngay tiền trong nền kinh tế để xử lý thanh khoản. Mặt khác lại kiềm chế được lạm phát. Trước đây “bơm” tiền ra bao nhiêu thì chảy vào đôla, vàng ngần đó. Từ đầu năm tới nay NHNN đã mua ròng 10 tỷ USD, hiện dự trữ tương đương 11 tuần nhập khẩu”- đại diện NHNN khẳng định.

Liên quan đến nợ xấu, Chánh thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa lưu ý về cơ bản phương pháp đánh giá nợ xấu (hiện 8-10%) của NHNN là chuẩn xác.

Để khách quan NHNN mời cả Kiểm toán kiểm tra một số NHTM cùng cho kết quả tương đồng. Nợ xấu ở Việt Nam không quá xấu vì thường gắn với tài sản đảm bảo.

Theo ông Nghĩa, hiện các tổ chức tín dụng đã trích lập trên dưới 70.000 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, chưa kể các khoản nợ có tài sản đảm bảo chiếm trên 84% và tài sản này bằng 135% khoản nợ xấu đó.

Tuy nhiên, phần lớn tài sản thế chấp là bất động sản, mà thị trường bất động sản đóng băng. Nếu khai thông được thị trường bất động sản thì cục nợ này không đến nỗi xấu. NHNN đang phối hợp với Bộ Xây dựng để tháo gỡ nút thắt nay.

Câu chuyện về tái cơ cấu ngân hàng được NHNN “xới” lên. Trong số 9 NHTM cần tái cơ cấu, ngoài 3 ngân hàng sáp nhập rồi (Sài Gòn, Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa), còn có thêm 2 ngân hàng là Tiênphongbank và Habubank đã xử lý xong.

Các ngân hàng còn lại: GPBank, Đại Tín, Nam Việt và Phương Tây Bank đều đã trình phương án, nhưng NHNN cho biết chưa đạt yêu cầu và khả thi.

“Nếu từ nay đến cuối năm nay, các ngân hàng còn lại “ loay hoay” không tự tìm được thì NHNN sẽ có phương án và là bắt buộc” - đại diện NHNN khẳng định.

Tháng 11, trình Đề án Cty mua bán nợ xấu

Tư nay tới 15- 11, NHNN sẽ báo cáo trước Chính phủ về việc thành lập công ty mua bán nợ xấu. Sau đó, Chính phủ trình Đề án này để Bộ Chính trị nghe và cho ý kiến thống nhất.

“Đừng tuyệt đối hóa công ty mua bán nợ, vì nó chỉ là một công cụ giải quyết nợ xấu. Công ty này nên nằm ở NHNN, ngoài Ngân hàng T.Ư sẽ mời đầy đủ các thành phần. Dự kiến xử lý được 60-100.000 tỷ đồng nợ xấu”- NHNN cho biết.

Trả lời Tiền phong, một lãnh đạo NHNN quan điểm không cần thiết phải thành lập Ủy ban về tái cơ cấu và giải quyết nợ xấu. Có thể lập ra một Hội đồng nằm trong Chính phủ kiêm nhiệm để xử lý trong thời gian ngắn gọi là Ban chỉ đạo xử lý công nợ, bao gồm đại diện rất nhiều bộ ngành.

NNHN cho biết đang tính đến khả năng đề xuất cơ quan có thẩm quyền hướng đánh thuế vào vàng. Lý do, vàng hiện nay là một mặt hàng, được giao dịch như các hàng hóa khác nên áp thuế giá trị gia tăng là một hướng đặt ra. Thêm nữa, vàng là loại hàng hóa đặc biệt, nên cũng có thể xem xét cả loại thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.