Lo ngại xăng tăng liên tục

Lo ngại xăng tăng liên tục
TP - Chiều 28-8, các doanh nghiệp xăng dầu đồng loạt tăng giá thêm 650 đồng/lít xăng; tăng 300 và 450 đồng/lít dầu diesel và dầu hoả. Như vậy, từ 20 - 7 đến nay, giá xăng tăng bốn lần, tổng cộng 3.050 đồng/lít.

> Từ 18h tối nay, xăng tăng thêm 650 đồng/lít

Lại đồng loạt tăng giá 650 đồng/lít xăng

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho biết từ 18 giờ 30 ngày 28-8 tập đoàn điều chỉnh giá bán lẻ xăng A92 tăng thêm 650 đồng, lên mức 23.650 đồng/lít.

Giá dầu diezel điều chỉnh tăng thêm 300 đồng lên mức 21.850 đồng/lít còn dầu hỏa tăng 450 đồng lên mức 21.900 đồng/lít. Giá bán madut giữ nguyên ở mức 18.650 đồng/kg.

Trước đó, lúc 18 giờ Tổng Cty Xăng dầu Quân đội và Cty Saigon Petro đã điều chỉnh giá bán xăng, với mức tăng các loại tương tự như Petrolimex.

Như vậy, sau khi được Bộ Tài chính bật đèn xanh cho phép tăng giá bán lẻ, các doanh nghiệp đầu mối đã có mức tăng giá bán lẻ chung với mặt hàng xăng lên thêm 650 đồng/lít đưa giá xăng lên mức 23.650 đồng/lít.

Theo các doanh nghiệp đầu mối, với mức tăng giá trên, cộng với việc doanh nghiệp được sử dụng quỹ bình ổn tới 500 đồng/lít (tăng 200 đồng/lít so với hiện hành), nếu tính chu kỳ 30 ngày thì doanh nghiệp không bị lỗ, nhưng nếu tính theo giá ngày thì doanh nghiệp vẫn bị lỗ do giá thế giới ngày hôm qua và hôm nay vẫn tiếp tục tăng.

Vì sao tăng?

Tại cuộc họp báo vào 16 giờ chiều qua, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết: Quyết định cho các doanh nghiệp tăng giá không quá 700 đồng/lít xăng được đưa ra sau khi có 10 doanh nghiệp xăng đầu có báo cáo đề xuất điều chỉnh giá.

 Xăng dầu tăng giá đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tháng 8 tăng 0,63% so với tháng trước. So với cuối năm 2011, CPI đã tăng lên mức 2,86% và là mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Xăng dầu là nhiên liệu đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất. Giá xăng dầu tăng liên tiếp như vậy sẽ đẩy CPI tăng mạnh trong các tháng cuối năm, dẫn tới nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại

“Giá xăng dầu thế giới bình quân trong 30 ngày gần đây tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, giá xăng tăng 13,24%, dầu diesel 0,05S tăng 8,66%, dầu hỏa tăng 9,59%... Do giá thế giới biến động tăng cao, nên giá cơ sở tính theo Nghị định 84 có chênh lệch lớn so với giá hiện hành. Cụ thể, giá cơ sở với mặt hàng xăng 24.482đồng/lít, cao hơn giá hiện hành 1.482 đồng/lít, mặt hàng dầu diesel chênh là 900 đồng/lít, dầu hỏa chênh 1.088 đồng/lít, dầu madut chênh 704 đồng/lít”, ông Thỏa nói.

Theo ông Thỏa, quan điểm điều hành giá xăng của biên bộ vẫn là bình ổn giá, nhất quán thực hiện chia sẻ lợi ích, trách nhiệm giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Do vậy, liên bộ chỉ cho phép doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá trong biên bộ 5%. Phần lỗ còn lại, doanh nghiệp được sử dụng Quỹ bình ổn giá theo các mức: 500 đồng/lít (xăng) và 300 đồng/lít, kg (các loại dầu).

Đồng thời, không tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, kg trong công thức tính giá cơ sở và giữ nguyên thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu.

Lý giải vì sao chưa giảm thuế nhập khẩu, ông Thỏa cho biết, Bộ Tài chính đang phải thực hiện nhiều biện pháp cân đối để hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, giảm thuế... nên chưa thể giảm thuế.

“Tuy vậy, bộ đã báo cáo lên Thủ tướng, nếu tình hình tiếp tục diễn biến xấu thì sẽ áp dụng các biện pháp tổng hợp, trong đó có công cụ thuế để bình ổn thị trường”, ông Thỏa nói.

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, “Bộ Tài chính đã kiểm soát chi phí, giá xăng dầu như thế nào trong 1 năm qua?”, ông Thỏa cho biết, quan điểm của Bộ trưởng Vương Đình Huệ thời gian qua là điều hành xăng dầu vì lợi ích của dân.

Nguyên tắc nhất quán là đảm bảo có đủ xăng dầu cho nhu cầu của người dân, mạng lưới xăng dầu phải đến được người tiêu dùng, giá cả ở mức có thể chấp nhận được.

Trong đó, Bộ đã quy định barem thuế nhập khẩu xăng dầu, chi phí kinh doanh (600 đồng/lít), lợi nhuận định mức (300 đồng/lít).

Do đó, theo ông Thỏa, việc kiểm soát giá xăng dầu chỉ còn ở hai yếu tố là giá đầu vào thế giới và tỷ giá. Giá xăng dầu được tính theo bảng giá Platts của thị trường Singapore và tỷ giá niêm yết của ngân hàng.

Kiểm tra hóa đơn, xử lý găm hàng

Trước thời điểm các doanh nghiệp tăng giá xăng dầu, nhiều cây xăng tại Hà Nội, Thừa Thiên-Huế và nhiều tỉnh, thành vẫn găm hàng, ngừng bán. Khoảng 14 giờ ngày 28 – 8, tại cây xăng số 88 Ngô Gia Tự (Long Biên) bán hàng theo kiểu nhỏ giọt.

Cây xăng này có tói 8 cột bơm xăng, song chỉ có 1 cột hoạt động, 7 cột còn lại được chủ cây xăng tại đây ghi là bị hỏng. Đối với khách hàng đi xe máy chỉ được mua xăng tối đa từ 25.000-30.000 đồng, người sử dụng ô tô được mua tối đa là 200.000 đồng.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Yến chủ cây xăng số 88 Ngô Gia Tự giải thích, việc hết xăng, dầu là do tổng đại lý (Cty CP thương mại xăng dầu Thành Công) không cung cấp, bình thường mỗi ngày Cty CP thương mại xăng dầu Thành Công cung cấp 1 xe bồn, nhưng từ thứ 6 tuần trước tới giờ, họ mới chỉ cung cấp cho chúng tôi 1 xe nên không còn xăng bán.

Tại Thừa Thiên-Huế, trong hai ngày 27 và 28-8, nhiều cây xăng trên địa bàn tỉnh đột ngột ngưng bán hàng. Tại cửa hàng xăng dầu An Lỗ nằm trên tuyến Quốc lộ 1A qua xã Phong Hiền (huyện Phong Điền), từ sáng 28-8, đã treo biển tạm nghỉ.

Trước đó, tại các cây xăng ở số 520 Lê Duẩn và 25 Tản Đà (Huế) cũng treo biển ngưng phục vụ. Trên tuyến Quốc lộ 49 từ Huế đi Phú Vang, nhiều cửa hàng xăng dầu như Trung Nam, Phú Tân, Thuận An… cũng treo biển nghỉ bán, với nhiều lý do khác nhau như máy hỏng, cúp điện, hụt nguồn hàng.

Đại diện Cty cổ phần An Phú Thừa Thiên- Huế giải thích, sở dĩ các cửa hàng của doanh nghiệp phải treo biển nghỉ bán là do đơn vị cung ứng chuyển hàng nhỏ giọt, đại lý xăng dầu của công ty luôn trong tình trạng hụt nguồn.

Tuy nhiên, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, khẳng định không có chuyện bị thiếu nguồn cung.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG