Lại đồng loạt đề nghị tăng giá xăng dầu

Lại đồng loạt đề nghị tăng giá xăng dầu
TP - Lấy lý do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh khiến doanh nghiệp bị lỗ nhiều nhất lên tới 1.978 đồng/lít xăng và 600 - 1.000 đồng/lít dầu tùy loại, nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã đồng loạt gửi văn bản đăng ký tăng giá bán lẻ xăng dầu ở mức 1.200 - 1.400 đồng/lít.

> Bộ Tài chính ‘nhắc khéo' DN kinh doanh xăng dầu

Theo tính toán của các doanh nghiệp đầu mối, giá xăng dầu thế giới đã tăng khá mạnh trong thời gian gần đây.

Cụ thể, tại thị trường Singapore, thị trường xăng dầu dùng làm tham chiếu để điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước, giá xăng A92 nhập khẩu ngày 10-8 tăng lên mức 127,6 USD/thùng kéo giá xăng A92 nhập khẩu tăng thêm tương đương 9,9% (11,49 USD/thùng) so với thời điểm tăng giá xăng dầu trong nước ngày 1-8.

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, Petrolimex đang theo dõi tình hình, và có thể sẽ gửi báo cáo liên Bộ Tài chính - Công Thương về việc điều chỉnh giá bán lẻ.

Theo tính toán của Petrolimex, nếu chiếu theo giá xăng dầu giao dịch trên thị trường Singapore ngày 8-8, giá xăng A92 ở mức 124,68 USD/thùng; dầu diezen 0,05S đã tăng tới 128,7 USD/thùng.

Dầu hỏa đã tăng 127,4 USD/thùng và dầu FO 180 cst tăng tới 670,9 USD/tấn. Dự báo xu hướng giá thành phẩm xăng dầu vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Còn theo đại diện Cty TNHH Một thành viên Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex), doanh nghiệp đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị được tăng giá bán thêm 1.400 đồng/lít đối với xăng (tương đương mức tăng 6,4%) và 800 đồng/lít đối với dầu.

Nhiều cây xăng găm hàng

Ngày 12-8, Đội Quản lý thị trường số 2 - Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai phát hiện 4 trạm xăng ở TP Biên Hòa đóng cửa, không bán xăng cho khách hàng với lý do hết hàng. Cùng ngày, hàng hoạt cây xăng ở huyện Thống Nhất cũng đồng loạt đóng cửa.

Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, nguyên nhân dẫn đến một số cửa hàng ngưng bán là do thiếu nguồn xăng cung ứng. Cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm những trường hợp đầu cơ chờ tăng giá.

Đại diện một doanh nghiệp đầu mối khác cho biết, đã đề xuất hai phương án tăng giá xăng, một là tăng 1.000 đồng/lít, hai là 1.400 đồng/lít.

Theo các doanh nghiệp, lý do tăng giá lần này bên cạnh tác động của giá thế giới tăng, việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dừng vận hành từ ngày 8-8 cũng góp phần dẫn tới thiếu hụt nguồn cung cho các doanh nghiệp trong nước.

“Tính trung bình 30 ngày thì giá xăng dầu cơ sở đang cao hơn giá bán lẻ khoảng 1.100 đồng/lít xăng. Còn nếu tính giá bình quân theo 10 ngày, tham số chỉ được Bộ Tài chính coi là tham khảo thì doanh nghiệp lỗ 1.800-1.900 đồng/lít xăng” - Đại diện một doanh nghiệp đầu mối cho biết.

Trước việc các doanh nghiệp đồng loạt đề nghị tăng giá bán lẻ xăng, dầu, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, Bộ Tài chính đã có văn bản nhắc các doanh nghiệp phải thống nhất cách tính giá cơ sở.

Theo đó, các thông tin dữ liệu để tính giá cơ sở phải thống nhất như sử dụng giá xăng dầu thế giới theo công bố của Bản tin Platt’s.

“Sở dĩ có sự nhắc nhở trên là bởi trong 2 lần tăng giá xăng dầu vừa qua, các doanh nghiệp gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính xuất phát từ nhiều cách tính khác nhau. Có doanh nghiệp tính giá cơ sở 10 ngày, có doanh nghiệp lại tính bình quân 20 ngày nên mức chênh lệch về giá cơ sở và giá bán lẻ giữa các doanh nghiệp kiến nghị lên khác nhau. Khi kiến nghị điều hành, doanh nghiệp phải dựa trên cơ sở mức giá tính bình quân 30 ngày”- Ông Thỏa cho biết.

Phải chia sẻ với dân

Giá xăng dầu liên tục thay đổi từ đầu năm đến nay. Ảnh: Xuân Phú
Giá xăng dầu liên tục thay đổi từ đầu năm đến nay.                Ảnh: Xuân Phú.

Trao đổi PV Tiền Phong, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện Phó Viện Nghiên cứu thị trường, giá cả (Bộ Tài chính) khẳng định, việc điều hành giá xăng dầu của Bộ Tài chính đang rất lủng củng, bản thân Cục Quản lý Giá điều hành “tiền hậu bất nhất”, lúc điều hành giá xăng dầu theo giá cơ sở tính theo 10 ngày, lúc lại tính theo 30 ngày.

Ông Long cho rằng, cơ chế xuất phát điểm tính giá của Nghị định 84 hiện nay chưa đúng nên dẫn đến bất cập.

Theo quy định của Luật Giá được Quốc hội thông qua, những sản phẩm độc quyền thì phải do nhà nước định giá.

Một số sản phẩm độc quyền như điện, hàng không, nước sạch đều do Nhà nước định giá nên không xảy ra những vấn đề “lủng củng” như xăng dầu.

“Xăng dầu chưa có thị trường cạnh tranh, 3 doanh nghiệp lớn nhất chiếm tới hơn 90% thị phần thì sao lại để doanh nghiệp định giá được. Do nắm độc quyền nên doanh nghiệp luôn có xu hướng đòi hỏi tăng giá mà ít có sự chia sẻ” - Ông Long nói.

Trao đổi với PV, một chuyên gia kinh tế khác cho rằng, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp độc quyền phải có sự chia sẻ với xã hội.

Theo chuyên gia này, doanh nghiệp kêu lỗ 1.400 đồng nhưng đấy là họ “tính gian” cả phần lợi nhuận định mức 300 đồng/lít vào phần lỗ. “Đây là điều vô lý. Nếu trừ phần lợi nhuận luôn được cố định 300 đồng/lít thì doanh nghiệp chỉ lỗ khoảng 1.000 đồng/lít.

Còn nếu được bù lỗ theo đúng đề nghị thì với mấy chục triệu lít xăng dầu tiêu thụ mỗi ngày, doanh nghiệp sẽ đút túi bao nhiêu nhờ được tính thêm cả phần lợi nhuận định mức trong phần lỗ của mình”- Ông phân tích.

Về đề xuất tăng giá của các doanh nghiệp, ông Long cho rằng, dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng qua liên tục giảm nhưng đây không phải tín hiệu mừng.

CPI giảm trong tình hình này, thì phải lo nhiều hơn nên việc tăng giá xăng dầu sẽ kéo theo nhiều điều bất ổn với nền kinh tế.

“Nhà nước nên giảm thuế nhập khẩu, giảm áp lực tăng giá và buộc doanh nghiệp tách phần lợi nhuận định mức ra tính riêng. Cùng với đó, không nên buộc doanh nghiệp trích quỹ bình ổn 300 đồng/lít nữa. Nếu giảm 2% thuế nhập khẩu và doanh nghiệp không phải trích quỹ bình ổn nữa thì mức tăng giá của doanh nghiệp sẽ không đáng kể”-Ông Long đề xuất.

Các lần tăng, giảm giá xăng từ đầu năm

Từ đầu năm 2012, giá xăng tăng 4 lần và giảm 5 lần. Tổng cộng, xăng tăng giá 4.300 đồng và chỉ giảm 3.200 đồng.

Ngày 7-3, tăng 2.100 đồng lên 22.900 đồng/lít

Ngày 20-4, tăng 900 đồng lên 23.800 đồng/lít

Ngày 9-5, giảm 500 đồng xuống 23.300 đồng/lít

Ngày 23-5, giảm 600 đồng xuống 22.700 đồng/lít

Ngày 7-6, giảm 800 đồng xuống 21.900 đồng/ lít

Ngày 21-6, giảm 700 đồng xuống 21.200 đồng/lít

Ngày 2-7, giảm 600 đồng xuống 20.600 đồng/lít

Ngày 20-7, tăng 400 đồng lên 21.000 đồng/ lít

Ngày 1-8, tăng 900 đồng lên 21.900/lít

(Giá áp dụng cho xăng A92)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.