> Tháng 8, chất vấn về nợ xấu ngân hàng
“Cục máu đông” nợ xấu đang ủ trong cơ thể nhiều ngân hàng Ảnh: Hồng Vĩnh (Ảnh chỉ mang tính minh họa). |
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, để giải quyết nợ xấu, việc đầu tiên là Ngân hàng Nhà nước (NHNH) phải thực hiện vai trò ngân hàng Trung ương của mình bằng cách tạo ra nguồn tín dụng cấp cho các NHTM với lãi suất thấp 3-5%.
Từ đó NHTM cho DN vay với lãi suất 7-8% để thanh lý tất cả những nợ cũ, rồi tiếp tục cho DN vay mới với lãi suất tương tự để hoạt động. Có như thế thì tài sản thế chấp mới được giải tỏa, lúc đó mới có thể cho vay thêm.
Việc hạ lãi suất cũ xuống 15%, Nhà nước không có cơ sở nào để bắt NHTM phải thay đổi các điều khoản của một hợp đồng kinh tế nên không thể bắt buộc được. Tiếp đến, các NHTM phải khai báo thật chính xác nợ xấu để trích lập dự phòng tương đương, khi đó vấn đề sẽ được giải quyết.
Ông Trương Văn Phước –TGĐ Eximbank đồng tình với quan điểm trích lập dự phòng rủi ro để giải quyết nợ xấu trong tình huống khoản vay không có tài sản đảm bảo, hoặc có nhưng giá trị thấp, và đây là biện pháp thứ nhất.
Thứ hai, theo ông Phước, để giải quyết nợ xấu, các tổ chức tín dụng (TCTD) phải giải quyết các tài sản đảm bảo, có thể cấn nợ, siết nợ, phát mại tài sản; có thể khởi kiện ra tòa.
Ngoài ra, theo ông Phước, có thể xử lý theo cách thức của NHNN là cho vay những khoản vay mới, giúp DN cơ cấu lại nợ nần và như vậy có khả năng khiến nợ xấu giảm xuống.
Đại bộ phận nợ xấu trên thị trường tín dụng VN đều có tài sản đảm bảo, đó là bất động sản. Tuy nhiên, ông Phước cho rằng, chừng nào thị trường bất động sản chuyển động thì lúc đó quá trình xử lý nợ xấu mới chuyển động.
Hình thành thị trường mua bán nợ?
TS. Lê Thẩm Dương (Đại học Ngân hàng TPHCM) cho rằng có 3 cách để giải quyết nợ xấu. Cách thứ nhất, ngân sách phải chịu mất một khoản tiền, cổ đông NHTM có nợ xấu phải chịu và DN cũng phải chịu. Cách thứ hai, mạnh bạo hơn, Nhà nước mua nợ xấu đó như là cổ phần.
Nếu không có bàn tay Nhà nước thì không giải quyết được, vì hai bên (NH và DN) bế tắc rồi. Cách thứ ba, NH và DN phải tự giải quyết trên cơ sở bán tài sản thế chấp, dự phòng.
Theo TS.Dương, điều quan trọng lúc này là cần phải có hành vi, động thái thật cụ thể nào đó. Song “mọi lý luận thì hay, nhưng hành động thì chưa thấy”- ông nói.
TS.Lê Thẩm Dương cũng cho rằng biện pháp của Chính phủ về việc hình thành công ty mua bán nợ là hoàn toàn chính xác. Vấn đề không phải là 100 nghìn tỷ hay bao nhiêu mà là cần phải có thị trường mua bán nợ, khi thị trường mua bán nợ chưa hoạt động tốt thì phải có sự trợ giúp từ phía Nhà nước.
“Có ý kiến phản đối này, phản đối kia (về việc nhà nước thành lập công ty mua bán nợ-NV) ai cũng biết là nó có cái dở, nhưng phải hiểu là trong hoàn cảnh cháy nhà, nếu không làm thì đám cháy sẽ ngày càng to hơn hiện tại. Nhiệm vụ bây giờ phải cứu nhà cháy”- ông Dương nói.
Ông Bùi Kiến Thành cũng cho rằng cần hình thành thị trường mua bán nợ. “Do các NHTM chủ yếu là vốn ngắn hạn nên không thể cho vay dài hạn được, nên phải có quỹ đầu tư tư nhân nào đó có đủ vốn trung, dài hạn mua nợ của DN đang bị treo, họ có thể cho DN vay tiếp để thực hiện các dự án dở dang” – ông Thành nói.
Ông cũng cho rằng, không phải Nhà nước bỏ vốn thành lập công ty mua bán nợ mà NHNN đứng ra làm bà đỡ giúp hình thành công ty mua bán nợ tư nhân, và NHNN có trách nhiệm giúp thẩm định giá trị, chất lượng món nợ xấu đó, nếu không có NHNN tham gia thì không thể làm được.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán TPHCM (HSC) tỏ ra lo ngại: “Cho đến thời điểm này chúng tôi có rất ít manh mối về việc làm thế nào để giải quyết nợ xấu. Một vài chuyên gia hoài nghi về khả năng thành lập công ty mua bán nợ quốc gia do vẫn chưa hiểu được cơ chế vận hành của nó.
Về cơ bản công ty này sẽ mua lại vô số các khoản nợ xấu ngân hàng (bao gồm cả tài sản thế chấp) nhưng phương pháp định giá cùng quy trình cụ thể vẫn là một điều khá đau đầu.
Sau cùng nếu công ty này chỉ đơn giản mua các khoản nợ xấu với giá thị trường, họ sẽ đi theo con đường mà các công ty tư nhân hay các tổ chức mua bán nợ nước ngoài cũng có thể làm.
Tuy nhiên nếu họ mua với mức giá cao hơn giá thị trường (dù khó xảy ra), họ lại làm dấy lên mối nghi ngại về việc phí phạm nguồn lực cộng đồng”.
Chậm ngày nào, nguy hiểm ngày đó
TS. Lê Thẩm Dương cảnh báo: “Mặc dù không thể giải quyết trong một sớm một chiều nhưng phải bắt tay vào làm ngay vì chậm xử lý ngày nào thì nguy hiểm cho hệ thống NH ngày đó”. Về thời gian giải quyết nợ xấu, ông cũng nói, đây là vấn đề không chỉ của NHNN mà là vấn đề mang tính quốc gia và phải có đầu mối để giải quyết. Song, phải biết Chính phủ chọn cách nào khi đó mới biết ai là đầu mối.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Kinh nghiệm quốc tế, một số nơi như Hàn Quốc, khi có nợ xấu, Chính phủ can thiệp vào bằng cách mua lại nợ đấy bằng giá thị trường, nhanh chóng bơm tiền cho NH đủ thanh khoản. Nhưng hoạt động NH của họ có quy củ chứ không phải như ở mình. Khi NH gặp khó khăn thì nhiều khi chính phủ, như Mỹ chẳng hạn, phải quốc hữu hóa NH đấy, đóng cửa luôn NH nào không hoạt động được nữa, còn lại nhà nước quản lý nợ xấu đó bởi một quỹ đặc biệt để bố trí cơ cấu lại NH đang khó khăn. |