Hệ lụy xăng tăng giá với người nghèo

Hệ lụy xăng tăng giá với người nghèo
TP - Chưa đầy 2 tháng xăng tăng giá 2 lần, đã có hiện tượng giá nhà trọ, hàng tiêu dùng leo thang. Hứng chịu cảnh này, người nghèo lo ngay ngáy với nơi ăn, chốn ở.

>Xăng lên giá, vé xe khách sẽ tăng 7 - 10%
>Chật vật với giá tăng

Mấy hôm nay, nhiều khu trọ tại phường Phúc Tân, phường Phúc Xá dành cho người lao động chân tay nằm ven sông Hồng (Ba Đình, Hà Nội) đã tăng giá từ 150 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/phòng 13m2. “Chủ trọ nói, sắp tới sẽ tăng thêm giá điện, giá nước. Gay quá, chắt bóp chi tiêu lắm cũng khó tránh khỏi lần tăng giá này. Không hiểu rồi sống ra sao nữa đây?”- chị Lưu Thị Mai, một người bán hàng rong quanh khu vực chợ đầu mối Long Biên, than thở.

Nguyễn Ngọc Sơn, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Thủy lợi (trọ tại xã Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chưa đầy 2 tháng, giá xăng tăng 2 lần làm chủ trọ tháng trước đã tăng tiền trọ, tháng này lại gợi ý tăng tiền điện. “Tháng này, nếu không cật lực làm thêm, tôi phải xin bố mẹ thêm tiền. Kiểu gì nay mai các mặt hàng khác cũng đua nhau tăng giá”- Sơn nói.

Xăng vừa tăng, giá xe ôm cũng đã kịp thời nhích lên. Một sinh viên Trường Đại học Bách khoa cho biết, vẫn là đoạn đường hơn 2km, hôm trước đi chỉ có 15 nghìn đồng, hôm nay đã được bác xe ôm tăng lên 20 nghìn đồng.

Khảo sát nhanh của PV tại khu chợ đầu mối Long Biên, nhiều lao động ngoại tỉnh làm cửu vạn không khỏi lo lắng. Chị Xuyến, 25 tuổi (quê Nam Định) cho biết, đi làm cửu vạn từ 12h đêm, hôm nào may mắn nhiều hàng về thì thu nhập được 200-300 nghìn đồng.

“Làm ở chợ lâu, tôi thấy lần nào giá xăng tăng, ngay hôm sau từ nắm xôi đến mớ rau cũng nhích lên một chút, chỉ khổ người dân lao động vất vả mà vẫn không đủ ăn”- chị Xuyến tâm sự. Chị Hồng (quê Thanh Hóa), làm nghề đồng nát gần chợ Đầu mối Long Biên nói: “Nhìn cảnh nhiều mặt hàng tại chợ tăng, phát sợ. Làm nghề đồng nát, đi bộ 3-40 cây số/ngày mới đủ sống. Nay, giá cả tăng, có khi phải đi nhiều hơn”.

Tại một số chợ “cóc” dành cho người thu nhập thấp tại Hà Nội, sau 2 lần xăng tăng giá, rau muống từ 5.000 đồng lên 6.000 đồng/bó; bí xanh từ 11.000 đồng lên 13.000 đồng/kg; củ cải tăng từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng/kg. Các loại hải sản cũng tăng giá: Tôm thẻ chân trắng tăng từ 200 nghìn đồng lên 210 nghìn đồng/kg, tôm sú từ 400 nghìn đồng đến 420 nghìn/kg…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.