Siêu thị 'hàng xách tay'
Cùng với nhiều cửa hàng chuyên bán trái cây ngoại, nay ở Hà Nội đã bắt đầu mọc lên nhiều siêu thị mini chuyên bán hàng ngoại.
Những siêu thị “chuyên hàng Hàn”, rồi “hàng Đức”, “hàng Thái” mọc lên ngày càng nhiều... Điều đáng nói, phần lớn hàng trong các siêu thị này là hàng nhập khẩu “xách tay” với đủ chủng loại.
Một khách hàng mua sắm trong gian bán hàng Hàn Quốc tại cửa hàng EK mart. Ảnh: Nguyễn Khánh (Tuổi Trẻ) |
Cái gì cũng có
Cần rà soát Ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cảnh báo các siêu thị mini chuyên hàng ngoại không gia nhập hiệp hội, vì vậy khó đảm bảo các siêu thị này chấp hành đúng các quy định và lúc nào cũng giữ uy tín với khách hàng. Ông Phú đề nghị cần phải rà soát, chấn chỉnh hệ thống cửa hàng mang danh siêu thị. Điều này vừa để bản thân các siêu thị giữ được uy tín, vừa bảo đảm được quyền lợi người tiêu dùng. |
Tại siêu thị mang tên “”Minimart Thailand” ở 291 Tây Sơn, Hà Nội, anh Hùng (chủ siêu thị) khẳng định tất cả mặt hàng đều được mang về từ Thái Lan và đây là địa chỉ hàng đầu VN chuyên bán hàng Thái.
Tại đây, dù diện tích chỉ rộng chừng 30m2 nhưng anh Hùng đã dùng cả tầng hai để trưng đủ các sản phẩm đến từ Thái. Từ sữa đậu nành, dầu gội, sữa tắm đến quần áo, bánh kẹo, nước mắm, xì dầu... đều được bày bán.
Một gói lạp xưởng giá 120.000 đồng, bịch sữa đậu nành trên 48.000 đồng... nhưng khách vẫn nườm nượp. Các mặt hàng như gạo, xì dầu, nước mắm... đều được chủ cửa hàng giới thiệu có chất lượng vượt trội.
Đặc điểm chung của các siêu thị hàng ngoại là diện tích nhỏ, chỉ 30-60m2. Tại siêu thị chuyên hàng Hàn Quốc ở số 9 Lý Nam Đế, diện tích cũng chỉ khoảng 50m2 nhưng bày bán rất nhiều chủng loại hàng hóa. Siêu thị này có đủ mặt hàng từ nước giải khát, bia, bánh kẹo đặc sản Hàn, đến cả bỉm, nước lô hội, nước gạo...
Hàng hóa ở siêu thị, theo giới thiệu của người bán, đều được nhập từ Hàn Quốc, “những mặt hàng không có tiếng Việt là hàng xách tay, đảm bảo chất lượng”.
Các mặt hàng ở các siêu thị Hàn có giá khá đắt so với hàng Việt.Chẳng hạn xúc xích Hàn Quốc loại nhỏ giá 43.000 đồng/gói 5 thanh, trong khi hàng cùng loại sản xuất ở VN chỉ khoảng 20.000 đồng/gói. Nhiều món hàng có mẫu mã đẹp giá lên đến cả triệu đồng.
Theo chị Hoàng Việt Hà - một chủ siêu thị ngoại, đáng lưu ý là khách hàng của các siêu thị này chủ yếu là người Việt. Khi được hỏi “tại sao không mở thêm cửa hàng ở khu đông người nước ngoài”, chị Hà khẳng định khách Việt chấp nhận giá cao hơn và thường mua hàng ngoại để làm quà biếu chứ bản thân người nước ngoài thường chọn hàng đồng loại sản xuất ở VN có giá rẻ hơn.
Theo chị Hà, mặt hàng thực phẩm như xúc xích, lạp xưởng, hoa quả, sữa tươi... khi nhập về VN đắt khoảng gấp rưỡi giá ở chính quốc do phải thuê người xách tay theo đường hàng không, trong khi hạn sử dụng chỉ được một thời gian ngắn.
Đáng lưu ý, hầu hết siêu thị mini hàng ngoại đều có doanh số cao và khẳng định đang tính toán mở rộng kinh doanh. Như siêu thị Hàn Quốc vừa mở đến cửa hàng thứ ba tại khu phố cổ.
Coi chừng chất lượng
Tại các siêu thị ngoại mini, khi được hỏi nguồn gốc, xử lý thế nào nếu hàng ngoại không đảm bảo chất lượng, dùng bị ngộ độc, các nhân viên đều trả lời với khẳng định “không có chuyện kém chất lượng”, “hàng ngoại mà”...
Rất nhiều mặt hàng trong các siêu thị ngoại không hề có hướng dẫn dùng bằng tiếng Việt. Vì vậy người mua khó lòng biết tên, địa chỉ doanh nghiệp sản xuất có thật không, hàng hóa được bày bán có phải hàng giả, hàng nhái và xuất xứ có đúng như quảng cáo hay không...
Theo một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, các doanh nghiệp có quyền mở siêu thị bán hàng ngoại nhập theo các quy định pháp luật. Tuy nhiên, hàng hóa được nhập về phải đảm bảo có hóa đơn, nêu rõ nguồn gốc xuất xứ, có phần tiếng Việt nêu rõ đặc điểm hàng hóa, thời hạn sử dụng... để đảm bảo khách hàng có lựa chọn đúng.
Theo Cầm Văn Kình
Tuổi Trẻ
TP.HCM: tràn lan hàng xách tay Tại TP.HCM, dù không thành lập siêu thị nhưng khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất cũng xuất hiện hàng loạt cửa hàng tạp hóa bán hàng xách tay. Ngay đầu đường Hồng Hà (Q.Tân Bình), cửa hàng TT bày bán rất nhiều loại rượu ngoại, mỹ phẩm, dầu gội đầu... trong tủ kính. Chủ cửa hàng cho biết các loại hàng hóa có nguồn gốc từ khắp nơi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Úc... tất cả đều nhập về theo đường xách tay nên giá khá “mềm”. Tuy nhiên, giá các loại dầu gội đầu, sữa tắm Rejoice, Romano, Roman Care, Lux... tại đây đều có mức 140.000 - 150.000 đồng/chai, cao hơn 3-4 lần sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều mỹ phẩm tại đây hoàn toàn không có nhãn mác hướng dẫn sử dụng, thậm chí tìm mỏi mắt cũng không thấy hạn sử dụng hay nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết trên nguyên tắc hàng xách tay từ nước ngoài về chỉ được sử dụng với mục đích tiêu dùng cá nhân. Trường hợp bày bán với số lượng lớn, không có tem, nhãn phụ, tem nhập khẩu bị coi là hàng lậu và sẽ bị tịch thu, xử phạt. Theo Dũng Tuấn - Lê Sơn |