Cước vận tải rục rịch tăng theo xăng dầu

Cước vận tải rục rịch tăng theo xăng dầu
TP - Doanh nghiệp (DN) vận tải ở TPHCM đang cơ cấu lại chi phí và tính đến phương án tăng giá cước sau khi giá xăng tăng thêm 2.100 đồng/lít, và dầu diesel tăng 1.000 đồng/lít vào chiều 7-3. Ngư dân nhiều nơi đối mặt cảnh để tàu nằm bờ.

> Lo ngại vòng xoáy tăng giá mới

Đại lý xăng dầu Hà Nam trên sông Hàn phục vụ tàu thuyền miền Trung
Đại lý xăng dầu Hà Nam trên sông Hàn phục vụ tàu thuyền miền Trung.

Cước taxi sẽ tăng 10%

Trong đợt tăng giá xăng, dầu lần này, giới kinh doanh taxi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo một số tài xế hãng taxi Mai Linh, sau khi xăng tăng giá khủng, nhiều lái xe taxi không dám chạy lòng vòng tìm khách như trước, vì sợ không đủ tiền đổ xăng.

“Tiết kiệm như vậy mà mỗi ngày tôi phải bù lỗ tiền xăng hơn 50.000 đồng”–lái xe tên Hùng nói.

Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi, ngay trong buổi chiều 7-3, hàng loạt đơn vị thành viên đã đề nghị lãnh đạo hiệp hội triệu tập cuộc họp khẩn cấp để đăng ký tăng giá cước.

Theo quy định, muốn tăng cước, các hãng taxi phải có phương án trình Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính, cơ quan thuế thẩm định. Nếu được phép tăng giá, các hãng taxi phải đưa xe đến các trung tâm kiểm định để điều chỉnh đồng hồ tính cước. Toàn bộ quy trình mất khá nhiều thời gian. Trong khi đó, nhiều hãng taxi cho biết, trong thời gian qua gặp khó khăn về tài chính.

Lương tăng, lãi suất ngân hàng cao ngất, thuế, chi phí bến bãi, phí cầu đường ngày càng nhiều khiến các doanh nghiệp taxi đuối sức khi xây dựng kế hoạch trả lãi vay, đầu tư phương tiện, chi phí quản lý điều hành...

Ông Hỷ cho biết, ngay từ cuối năm 2011, nhiều hãng taxi đã lên phương án xin tăng cước. Với việc tăng giá xăng lần này, áp lực tăng giá cước taxi càng nặng nề hơn, nếu không tăng, các DN sẽ đối mặt với thua lỗ bởi chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng hơn 30% trong cơ cấu giá thành vận chuyển. Chưa kể, giá phụ tùng, vỏ xe… cũng tăng theo giá xăng.

Tuy nhiên, mức tăng cụ thể bao nhiêu thì phải chờ các hãng ngồi lại họp xem xét một cách hợp lý nhất. Theo lãnh đạo một số hãng taxi, cước taxi sắp tới có thể tăng 10% so với hiện nay. Trong thời gian chờ giá cước mới, các đơn vị chấp nhận thua lỗ để hỗ trợ một phần chi phí nhiên liệu cho tài xế.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội vận tải TPHCM - Thái Văn Chung, do xăng, dầu tăng giá quá “hớp” nên các DN vận tải hàng hóa đang tính toán lại cơ cấu giá thành vận tải và sẽ sớm đưa ra biểu giá mới để cân đối chi phí.

Ông Chung cho biết, giá nhiên liệu tăng ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào của các DN và để bù đắp không có cách nào khác ngoài việc phải tăng giá cước. Tuy nhiên, mức tăng phải hợp lý, thời điểm áp dụng tùy thuộc vào từng DN. Trước mắt, để giảm lỗ, các DN đang đàm phán, thương lượng với chủ hàng.

Phó giám đốc bến xe Miền Đông Thượng Thanh Hải cho biết, việc tăng giá xăng dầu chắc chắn sẽ làm giá cước xe khách tăng theo.

Trao đổi với Tiền Phong, một số hãng xe khách có thương hiệu cho biết,
đang tính toán phương án tăng giá vé. Đơn cử như Công ty Cổ phần vận tải Du lịch Phương Trang dự kiến tăng giá vé 5-12% trên 15 tuyến xe khách.

Tại Hà Nội, chiều 8-3, nhiều hãng taxi cho biết, sẽ tăng giá cước trong vài ngày tới. Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Mai Linh - Trương Quang Mẫn cho biết, sẽ điều chỉnh tăng giá cước lên 5 - 6,5%, tức tăng thêm khoảng 600 đến 800 đồng/km. Mai Linh hiện có 10 nghìn taxi.

Nhiều hãng taxi khác tại Hà Nội khi được hỏi đều bày tỏ thái độ nghe ngóng chờ các hãng chiếm thị phần lớn tăng giá để tăng theo. Đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết dự kiến mức tăng thêm sẽ từ 1.700 đến 2.000 đồng/km.

Một chủ nậu đang trả trước tiền dầu giùm cho tàu cá ngư dân
Một chủ nậu đang trả trước tiền dầu giùm cho tàu cá ngư dân.

Ngư dân gán tàu trả dầu

Vừa về cách đây chừng 10 ngày, chuyến biển của anh Nguyễn Cu (chủ tàu ĐNa 90442 - Sơn Trà - Đà Nẵng) được 7 tấn cá ngừ, thu về gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, phí tổn cho chuyến đi đã ngốn hết 80 triệu đồng, trừ chi phí bạn thuyền, anh thu khoảng 40 triệu. Đó là một trong những chuyến làm ăn được, nhưng ngày càng hiếm hoi.

Theo giá dầu hiện tại, tàu 600 CV của anh phải dùng hết 3,5 tấn dầu mua thêm 5 bình gas, rồi gạo, dầu…, tổng chi phí cũng hết hơn 100 triệu đồng. Vì thế, bắt buộc mỗi chuyến ngư dân trên tàu này phải kiếm được trên 7 tấn cá, nếu không đạt thì chỉ hòa vốn hoặc lỗ.

Mấy ngày nay, 12 thuyền viên cùng chủ tàu Đỗ Sang (tàu QNg 94178 – Phổ Quang, Đức Phổ - Quảng Ngãi) buồn thiu bởi chuyến ra khơi lỗ nặng. Chỉ mang về hơn 4 tấn cá sau chuyến đi 1 tháng, tàu anh Sang không thể lấy lại số vốn 90 triệu đã bỏ ra. Bạn thuyền đành gác lại chuyện tiền nong, tiếp tục nợ chủ nậu tiền dầu để ra khơi.

“Giá dầu lại tăng, chuyến tới phí tổn tàu tui không còn 90 triệu nữa mà phải trên 120 triệu mới đủ. Cầu trời làm ăn được, nếu không về chuyến này còn nước gán tàu trả nợ dầu” – anh Sang rầu rĩ.

Chủ nậu, đại lý xăng dầu bắt đầu siết

Khi giá dầu, gas, nhu yếu phẩm phi mã, ngư dân liên tiếp thua lỗ, chủ nậu và đại lý xăng dầu bắt đầu siết đằng chuôi bởi không muốn mạo hiểm.

Tại đại lý xăng dầu Hà Nam trên bến thuyền Bạch Đằng Đông (trên sông Hàn), từ sáng đến trưa, không còn cảnh tấp nập bơm dầu như trước. Dù vẫn để giá dầu 20.350đồng/lít nhưng thực chất đã bán với giá 21.400 đồng/lít từ chiều hôm qua.

Anh Nguyễn Cưỡng (nhân viên bán dầu) cho hay, chưa có tàu nào bơm dầu kể từ khi tăng cho tới nay. “Mỗi đợt cao điểm tàu thuyền ra khơi chúng tôi bán 40–50 khối dầu, nhưng cứ sau mỗi đợt tăng giá thì lượng tàu đến bơm lại sụt giảm, ngư dân khó lòng xoay tiền để tăng phí tổn. Đã hơn 15 ngày nay, chúng tôi chưa nhập dầu mới vì không có tàu đến bơm”.

Theo anh Cưỡng, hàng chục tàu Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Bình Định thường bơm dầu trước từ đại lý của anh sau đó trả tiền sau. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm này, chủ hàng đã bắt đầu siết, không nhận thêm tàu mới thiếu nợ, khoanh vùng tàu quen, ai có khả năng trả nợ mới bơm.

Trung bình mỗi tàu xa bờ bơm 10 ngàn lít dầu, riêng tàu có công suất lớn phải bơm 15–20 ngàn lít, gần như 100% số ngư dân đều nợ đại lý. Sổ nợ của anh Cưỡng dày cộm, tàu thiếu nợ nhiều nhất gần 150 triệu đồng, còn chủ tàu nợ 50–100 triệu thì rất nhiều.

Anh Trần Văn Minh (chủ tàu ĐNa 90349, Liên Chiểu, Đà Nẵng), băn khoăn: "Làm ăn ngày càng khó, phát triển xa bờ đâu không thấy, cứ thấy giá dầu mỗi ngày một tăng. Cuộc sống ngư dân giờ hoàn toàn phụ thuộc vào nậu".

Chị H. (một chủ nậu) đến trả tiền dầu giùm cho tàu QNg 98758 của ông Nguyễn Văn Đệ (Đức Phổ - Quảng Ngãi), cho biết: "Họ nợ đại lý dầu 2 chuyến rồi, cả hai chuyến đều hòa vốn, tui chẳng được đồng nào, giờ lại nai lưng trả nợ tiền dầu giùm cho mấy ổng".

Ước tính ở âu thuyền Thọ Quang và trên sông Hàn có khoảng 15 đại lý xăng dầu lưu động, ngư dân gọi đâu có đó, đổ dầu trước trả tiền sau (giá cao hơn bình thường). Thông thường, tiền dầu đã có chủ nậu lo, bởi hải sản khi cập bến đều được nậu định giá sẵn.

Anh Nguyễn Cu - chủ tàu ĐNa 90442 (An Hải Bắc - Sơn Trà - Đà Nẵng) đang đại tu con tàu, nâng công suất từ 420 CV lên 600 CV tỏ ra lo lắng khi đón nhận tin giá dầu lại vừa tăng: "Lại lên nữa, không biết bao giờ xuống. Cứ đà này, chúng tôi phải bán tàu lên bờ nghỉ chơi".

Theo anh Cu, sợ nhất là giá các nhu yếu phẩm khác cũng tăng theo, khiến tổn phí mỗi chuyến ra khơi tăng hàng chục triệu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG