Hàng tết đã sẵn sàng

Hàng tết đã sẵn sàng
Theo kế hoạch, lượng hàng dự trữ tăng 20-30% so với năm ngoái, hàng sản xuất trong nước tiếp tục được ưu tiên khi chiếm 90-95% các mặt hàng kinh doanh mùa tết.

Hàng tết đã sẵn sàng

Theo kế hoạch, lượng hàng dự trữ tăng 20-30% so với năm ngoái, hàng sản xuất trong nước tiếp tục được ưu tiên khi chiếm 90-95% các mặt hàng kinh doanh mùa tết.

Theo giới kinh doanh, Tết dương lịch năm nay gần với Tết Nguyên đán nên sức mua sẽ tăng mạnh khi thị trường bước vào tháng 12.

Nhiều siêu thị hiện đã chuẩn bị xong nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán
Nhiều siêu thị hiện đã chuẩn bị xong nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán.
Ảnh: Gia Tiến (Tuổi Trẻ)

Nguồn hàng tăng

Thực phẩm là mặt hàng thiết yếu, dùng hằng ngày nên mức tiêu dùng mặt hàng này sẽ khó bị tác động bởi khó khăn kinh tế. Tại nhiều doanh nghiệp, so với mùa tết năm ngoái, lượng hàng chuẩn bị cho mùa kinh doanh năm nay tăng 10-15%, có những mặt hàng tăng đến 30% sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Ngọc An, phó giám đốc Công ty Vissan, cho biết sản lượng dự trữ của Vissan đều tăng 10-15% như hàng thịt gia cầm tươi sống hơn 2.800 tấn, tăng 10%, chưa kể số thịt heo cấp đông sẵn sàng bung hàng khi thị trường có biến động; nhóm thực phẩm chế biến tăng 15% với 4.350 tấn các loại xúc xích, thịt hộp, chả lụa...

Thịt heo vốn là mặt hàng thường tăng giá vào những ngày cao điểm tết và thị trường chỉ có thể “hạ nhiệt” khi nguồn cung dồi dào. Theo ông An, Vissan đã chủ động liên kết cùng các trại chăn nuôi ở Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và một số trại ở TP.HCM nên lượng hàng đưa ra thị trường có thể tăng hơn dự kiến. Ngay đầu tháng 12-2011, Vissan tung ra các mặt hàng đồ hộp, xúc xích, chả lụa, bắt đầu đợt bán hàng phục vụ Tết Nhâm Thìn.

Theo kế hoạch, chỉ tính riêng nguồn hàng hóa tết của các doanh nghiệp bình ổn mặt hàng lương thực, thực phẩm lượng dự trữ phục vụ tháng tết chiếm 30-40% nhu cầu thị trường. Qua báo cáo của các doanh nghiệp gửi đến Sở Công thương TP.HCM, tiến độ thực hiện cho đến thời điểm này tăng gấp nhiều lần số lượng TP giao thực hiện.

Đại diện Công ty TNHH Ba Huân cho biết mặt hàng lo ngại nhất là trứng vịt do lũ ở các tỉnh miền Tây, nhưng hiện cũng ổn định và lượng trứng gia cầm đưa ra thị trường có thể lên 2 triệu quả/ngày vào dịp cao điểm. Ngoài ra, Công ty Ba Huân cũng đã triển khai nhiều phương án đưa hàng đến người tiêu dùng như kết hợp với Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên... để tăng số điểm bán.

Ở kênh phân phối bán lẻ, ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết hệ thống siêu thị Co.op Mart đã tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp bốn lần so với tháng kinh doanh bình thường. Dự kiến sức mua và lượt khách trong thời gian này sẽ tăng 3-4 lần so với những ngày thường, tổng lượng hàng được dự trữ 24.000 tấn với tổng số vốn là 2.800 tỉ đồng.

“Với sự chuẩn bị khá kỹ hiện nay, sẽ không có hiện tượng thiếu hàng. Mặt khác siêu thị chuẩn bị sẵn nhiều chương trình khuyến mãi, giá tốt cho người tiêu dùng bình dân” - ông Nhân cho biết.

Hàng nội chiếm ưu thế

Chốt xong số lượng hàng hóa tết vào ngày 30-11, đại diện siêu thị Big C cho biết 90% bánh kẹo tết là hàng nội. Ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc Công ty Bibica, cho rằng lượng hàng ngoại chủ yếu nhập từ các nước lân cận, có trình độ sản xuất tương đương doanh nghiệp VN nhưng giá cao hơn nên không đáng lo ngại. Tết năm nay cả Bibica lẫn Kinh Đô đều tăng sản lượng bánh kẹo 15% so với năm ngoái sau khi khảo sát thị trường.

Trong ngành hàng gia dụng và trang trí nhà, ưu thế cũng nghiêng về các nhà sản xuất nội, mẫu mã đẹp và giá tốt. Riêng ở ngành hàng thực phẩm, bên cạnh các loại thực phẩm truyền thống tết như bánh chưng, bánh tét..., năm nay Big C bổ sung một số đặc sản mới như bánh đậu xanh Bạc Liêu, bánh in Sóc Trăng...

Theo tính toán sức mua, dự tính doanh thu tăng 25-30% so với năm 2010. Tại hệ thống Co.op Mart, hàng của các cơ sở, doanh nghiệp trong nước cũng được ưu tiên khi chiếm tỉ lệ 95% nguồn hàng dự trữ tết.

Mùa tết năm nay được đánh giá sẽ khó khăn hơn do tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, giá cả tiếp tục là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Theo bà Nguyễn Phương Thảo - giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa (Q.Tân Bình), trước áp lực tăng giá cuối năm của thị trường, siêu thị làm việc sớm với các nhà cung cấp để có khung giá hợp lý, một số hàng khác có thể sẽ biến động nhẹ nhưng không đáng kể.

Bà Ngọc Thúy, chủ lò mứt Thành Long (Q.3), cho biết giá các loại mứt đã chốt với siêu thị nên sẽ không thay đổi cho đến tết. Thông thường nhà bán lẻ hưởng lợi 20-30% chiết khấu với mặt hàng mứt, bánh kẹo nhưng hiện nay nhiều siêu thị đang giảm dần mức này. “Với chính sách giá tốt, có thể mứt trong siêu thị sẽ bằng hoặc rẻ hơn thị trường khi cận tết” - bà Thúy nói.

Theo Sở Công thương TP.HCM, các mặt hàng thuộc nhóm bình ổn sẽ không tăng giá và được bán đến chiều 29 tết, mở cửa bán lại vào sáng mồng 2 tết.

Tăng lượng hàng bình ổn

Theo tính toán của Sở Công thương TP.HCM, trong các tháng tết dự kiến nhu cầu tiêu dùng toàn TP tăng 20-22%, vì vậy lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp cũng sẽ tăng tương ứng. Hiện nay lượng hàng hóa tiêu thụ tại TP được xác định từ ba nguồn cung chính: các doanh nghiệp bình ổn với khả năng cung ứng chiếm 20-25% thị phần, ba chợ đầu mối chiếm 40-50% và từ các doanh nghiệp khác.

Riêng trong tháng tết hàng bình ổn sẽ được tăng lên, phấn đấu chiếm 30-40% nhu cầu thị trường. Cụ thể: gạo 17.260 tấn, đường 7.300 tấn, dầu ăn 4.430 tấn, thịt gia súc 14.830 tấn, thịt gia cầm 10.600 tấn, trứng 86 triệu quả, thực phẩm chế biến 4.910 tấn, rau củ quả 9.268 tấn, thủy hải sản 840 tấn...

Theo Như Bình
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Hà Nội ô nhiễm không khí đến bao giờ?
Hà Nội ô nhiễm không khí đến bao giờ?
TPO - Khoảng thứ Bảy (28/12), ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc sẽ được cải thiện do không khí lạnh tràn về. Tuy nhiên, ngay sau đó, khoảng 30/12, Hà Nội và miền Bắc ô nhiễm không khí sẽ trở lại.