Những đối tượng được tuyển sang Hàn Quốc làm việc

Đăng ký dự tuyển chờ cơ hội mới. Ảnh: P.C
Đăng ký dự tuyển chờ cơ hội mới. Ảnh: P.C
TP - Việc Hàn Quốc mở lại kỳ kiểm tra tiếng Hàn năm 2011 sẽ là cơ hội để hàng ngàn người lao động (NLĐ) Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc với thu nhập cao.

> Ngày 17-12 tổ chức thi tiếng Hàn
> Không có chuyện Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động VN

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết như vậy.

Đăng ký dự tuyển chờ cơ hội mới. Ảnh: P.C
Đăng ký dự tuyển chờ cơ hội mới. Ảnh: P.C.

Hơn 5 vạn người dự thi

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, kỳ thi tiếng Hàn ngày 17 và 18-12 tới sẽ chọn 15.000 ứng viên, được chia theo 4 ngành nghề, gồm: sản xuất chế tạo (11.700 người); xây dựng (1.000 người); nông nghiệp (1.000 người); ngư nghiệp (1.300 người). Điểm sẽ được lấy từ trên xuống theo từng ngành cho đến khi đủ số lượng, trong số những người đạt từ 80/200 điểm trở lên.

NLĐ phải lựa chọn một ngành cụ thể mà mình mong muốn sẽ làm việc tại Hàn Quốc. Sau khi đăng ký, NLĐ sẽ không được thay đổi sang ngành khác. Điều kiện để NLĐ đăng ký dự thi là người có tuổi từ 18-39, chưa có tiền án, chưa từng bị trục xuất hoặc buộc phải xuất cảnh khỏi Hàn Quốc, không bị cấm xuất cảnh Việt Nam hoặc cấm nhập cảnh Hàn Quốc.

Ông Quỳnh cho biết, theo báo cáo từ các địa phương, đến thời điểm này có 53.000 người đã học tiếng Hàn đăng ký dự thi. Trong đó, số lượng NLĐ đăng ký dự thi đông nhất đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Theo ông Quỳnh, do số lượng lao động được tiếp nhận trong ngành ngư nghiệp và nông nghiệp ít và đặc thù của hai ngành này là NLĐ phải biết đi biển hoặc biết làm nông nghiệp nên để hạn chế tình trạng NLĐ bỏ hợp đồng chuyển sang làm việc bất hợp pháp trong các ngành công nghiệp như trong thời gian qua, NLĐ đăng ký kiểm tra ngành ngư nghiệp phải có độ tuổi từ 25 trở lên, đang làm nghề đánh bắt hải sản và cư trú dài hạn tại các xã, phường ven biển.

Riêng NLĐ đăng ký ngành nông nghiệp phải là nông dân, cư trú dài hạn tại 63 huyện nghèo. “Bên cạnh đó, để giảm tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố kiểm soát chặt hồ sơ dự thi của NLĐ đến từ 23 xã, phường có từ 5 người trở lên đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc”, ông Quỳnh nói.

Thí sinh đăng ký dự thi kiểm tra tiếng Hàn tại Hà Nội. Ảnh: Phong Cầm
Thí sinh đăng ký dự thi kiểm tra tiếng Hàn tại Hà Nội. Ảnh: Phong Cầm.
 

Cảnh giác với lừa đảo

Theo ông Quỳnh, để chuẩn bị cho kỳ thi lần này, sẽ phối hợp với Giám đốc Cơ quan Phát triển Nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) tại Việt Nam đi khảo sát các điểm thi. 5 điểm thi đã sẵn sàng và đủ phòng thi cho tất cả 53.000 thí sinh. Về vấn đề nhiều lao động phản ánh có tình trạng một số tổ chức, cá nhân đứng ra thu tiền của lao động mới được dự thi và đảm bảo kết quả để sang Hàn Quốc làm việc ông Quỳnh khẳng định đó là trò lừa đảo của cò mồi.

Tổng số lao động Việt Nam đã xuất cảnh sang Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép mới (EPS) là 63.271 người. Lao động chủ yếu làm việc trong ngành sản xuất chế tạo (gần 90%), ngoài ra còn có các ngành nông nghiệp, đánh cá, xây dựng, dịch vụ.

NLĐ có nhu cầu đều được đăng ký kiểm tra tiếng Hàn và chỉ phải nộp lệ phí 24 USD, ngoài ra không phải nộp thêm khoản tiền nào khác. “Quy trình tổ chức kỳ thi rất chặt chẽ.

Phía Hàn Quốc trực tiếp đưa đề thi sang và thu hồi để mang về Hàn Quốc chấm trên mạng nên không một cá nhân hay tổ chức nào có thể đứng ra đảm bảo cho NLĐ. Vì thế, NLĐ không nên nộp tiền cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào để tránh bị lừa bởi quy trình thi rất chặt chẽ”, ông Quỳnh khẳng định.

Liên quan vấn đề NLĐ phải nộp hàng trăm triệu đồng mới được đăng ký dự thi tiếng Hàn và được đảm bảo kết quả, theo ông Jung Jin Young, Giám đốc HRD tại Việt Nam khẳng định đó là trò lừa đảo. Ông Jung Jin Young giải thích, sau khi NLĐ đăng ký là được thi. Thi đỗ, sẽ được gửi danh sách lên mạng cho chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn. Việc lựa chọn là ngẫu nhiên và không ai có thể can thiệp được.

“Với chức vụ của tôi ở Hàn Quốc là Cục trưởng mà cũng không thể can thiệp vào quy trình thì làm sao có ai ở Việt Nam lại có khả năng đảm bảo cho NLĐ được”, ông Jung Jin Young nói.

Về thủ tục dự thi, ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết, địa điểm kiểm tra cụ thể của từng thí sinh sẽ được Trung tâm thông báo cụ thể trên trang thông tin điện tử của Trung tâm (ttldnnvietnam.gov.vn) và trên các báo, đài (trong đó có Tiền Phong). Thời gian đăng ký 4 ngày (từ 11-11 đến 14-11) tại các sở LĐ-TB&XH và cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG