Không thể bắt dân gánh lỗ cho EVN

Không thể bắt dân gánh lỗ cho EVN
TP - Cơ cấu giá điện thì tù mù, trong khi Tập đoàn Điện lực (EVN) đầu tư ngoài ngành nhiều ngàn tỷ chưa biết lỗ lãi ra sao... Nên không thể tăng giá, bắt khách hàng gánh lỗ cho EVN.

Từ tháng 11, EVN xin tăng 13% giá điện

Giá điện bình quân 1.600 đồng/kWh vẫn rẻ?

Về việc tăng giá điện, trao đổi với PV Tiền Phong, một ủy viên Hội đồng thành viên EVN cho rằng có lúc mình phải thắt lưng buộc bụng để lo cho tương lai. Nếu không, nhãn tiền là vài năm nữa thiếu điện. “Điện luôn luôn bị mang tiếng, điện chưa tăng trong khi giá cả đã tăng rồi. Giá điện bình quân nếu tăng đến 1.600 đồng/kWh vẫn là rẻ”- ông nói.

Trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong mới đây, ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho rằng, trong ngành điện, bảo cứ hạch toán treo khoản lỗ mấy nghìn tỷ của năm trước thì nhìn thấy giá có vẻ ổn. Tuy nhiên, nhìn vào bản chất kinh tế nó đã chứa lạm phát trong đó. Nếu nghĩ giá điện rẻ sẽ giúp giảm lạm phát cũng không đúng.

Vì để giá điện thấp mà lãng phí chính là giúp đẩy lạm phát lên. Lạm phát này có độ trễ, đến thời kỳ nào đó sẽ bùng lên. Thực tế giá điện rẻ như hiện nay chỉ là giá ảo. Giá thật đã “chui” vào chi phí sản xuất như than, dầu, mỡ, phụ tùng, vật liệu phục vụ sản xuat.

Không thể bắt khách hàng gánh lỗ

Trao đổi PV Tiền Phong, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, cho biết đang có bằng chứng cho thấy đáng lẽ giá điện phải hạ nhưng lại xin tăng. Nếu EVN nói tăng vì phải chạy phát điện bằng dầu nhiều thì dầu đang xuống giá, còn thủy điện thì nước về các sông năm nay rất tốt, tại sao phải tăng giá?

Nhiều năm qua EVN Telecom thua lỗ
Nhiều năm qua EVN Telecom thua lỗ.

Theo ông Phong, còn nếu phải tăng giá vì những khoản lỗ, chi phí của năm 2010 chưa được tính vào giá thành điện thì tù mù quá, vì cơ cấu giá thành điện không ai biết. Ngay cả như việc EVN đầu tư ra ngoài ngành mấy nghìn tỉ đồng và giờ lỗ bao nhiêu từ việc đầu tư này cũng chưa được minh bạch.

“Còn nói giá điện thấp khiến người dùng lãng phí và giúp đẩy lạm phát lên như thế là nói bừa. Giá điện tăng khiến chi phí sản xuất tăng, làm lạm phát tăng lên. EVN muốn tăng thì phải có giải trình kèm với số liệu kiểm toán”- ông Phong nói.

TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng đề xuất tăng giá điện vào tháng 11 là không hợp lý, do EVN không công bố được giá thành, chưa làm rõ đầu tư ra ngoài ngành lỗ lãi bao nhiêu. EVN cũng chưa làm rõ tỉ lệ thất thoát, lãng phí của ngành điện. Như vậy có nghĩa, có khả năng người tiêu dùng phải gánh chịu những khoản thua lỗ do EVN đầu tư ra ngoài ngành.

“Chừng nào chưa công khai, làm rõ cơ cấu giá điện thì chưa nên cho tăng giá. Chi phí đầu vào của EVN có tăng nhưng tăng bao nhiêu thì phải làm rõ. Việc tăng giá điện phải có lộ trình”- TS Doanh nói.

Theo ông Phong, nếu đặt trong bối cảnh lạm phát thì việc tăng giá này là chống lại mục tiêu chống lạm phát của Chính phủ. Cái nữa là nếu tăng giá để lấy tiền trả nợ và đầu tư là vi phạm nguyên tắc thị trường.

Anh không thể độc quyền, ép người ta mua giá cao để lấy vốn đầu tư cho chính mình. Trong trường hợp này, anh phải xã hội hóa hoặc phát hành trái phiếu để lấy vốn từ các nhà đầu tư khác. Ở đây có gì đó không trung thực về mặt giá cả.

EVN đầu tư ngoài ngành 2.100 tỷ đồng

Theo báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương công bố giữa tháng 9, EVN đã đầu tư ra ngoài ngành bằng 2,8% vốn điều lệ, tương đương 2.100 tỷ đồng.

Trong các lĩnh vực đầu tư “đình đám” của EVN có đầu tư vào Ngân hàng An Bình, Công ty chứng khoán Hà Thành và EVN Telecom. Hiện EVN Telecom đang làm ăn thua lỗ và là con nợ cước kết nối và nợ phí tần số với số tiền lớn.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Hà Thành do EVN góp vốn cũng làm ăn thua lỗ với nghi án chủ tịch HĐQT “ẵm” hàng trăm tỉ đồng của các cổ đông bỏ trốn. Các thương vụ góp vốn vào một số công ty bất động sản của EVN cũng không mấy sáng sủa.

Theo chức năng Thủ tướng cho phép từ tháng 6 năm nay, EVN chỉ được đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực khách sạn, du lịch, kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG