Điều hành kinh doanh xăng dầu: Rối chuyện tách bạch lỗ, lãi

Điều hành kinh doanh xăng dầu: Rối chuyện tách bạch lỗ, lãi
TP - Trước việc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kêu lỗ nặng, Bộ Công Thương lo xảy ra nguy cơ “vỡ” hệ thống đại lý, Bộ Tài chính vẫn bày tỏ quan điểm, điều hành giá xăng dầu không vì lợi ích của 11 DN nhập khẩu đầu mối mà vì lợi ích của đất nước và hơn 80 triệu người tiêu dùng. DN nào đòi bỏ cuộc chơi kinh doanh xăng dầu, Nhà nước sẵn sàng chấp nhận, nếu cần, sẽ cho lập DN khác.

> Bộ Tài chính bác đề nghị tăng giá xăng dầu
> Tù mù giá xăng dầu

Lỗ, lãi nói mãi

Câu chuyện xăng dầu lỗ lãi một lần nữa lại nóng qua Hội thảo điều hành giá xăng dầu ở Việt Nam, ngày 20-9, do Bộ Tài chính tổ chức. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú bày tỏ sự bức xúc khi cho rằng, dư luận luôn nghĩ kinh doanh xăng dầu là hời lắm và cơ chế giá vẫn còn nhiều bí mật trong khi thực tế rất công khai(?). “Dù đã “thả giá” theo Nghị định 84 (có lên có xuống trong 30 ngày tăng giảm- PV) nhưng trên thực tế, điều hành giá vẫn còn xảy ra tình trạng đáng tăng thì không cho tăng, lúc đáng giảm không kịp giảm. Chúng ta đang vừa làm vừa run”- Ông
Tú nói.

Tổng giám đốc Petrolimex Bùi Ngọc Bảo “kêu”: Suốt năm qua, hầu như giá bán lẻ của doanh nghiệp luôn thấp hơn giá cơ sở và lệch pha với giá xăng dầu thế giới. Kêu là vậy nhưng có hai điểm Bộ trưởng Huệ đề nghị bóc tách: Từ đầu năm tới nay, Petrolimex lỗ- lãi với 2 mặt hàng xăng và dầu thế nào? Tại sao kêu lỗ dài mà trong cáo bạch IPO (bán cổ phần lần đầu) Petrolimex lại công bố lãi tới 2.500 tỷ đồng.

Ông Bảo giải thích, chúng tôi tính gộp, không bóc tách. Xăng dầu tính đến hết tháng 8 lỗ 1.800 tỷ đồng, tháng 9 dự kiến lỗ là 200 tỷ đồng. Còn lãi một phần đến từ giá xăng do có những thời điểm giá trong nước cao hơn.

Trước những minh chứng không mấy thuyết phục của đại diện Petrolimex, với kinh nghiệm 10 năm trong lĩnh vực kiểm toán, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh: “Tôi muốn hỏi thực chất lỗ để còn có sơ sở cho DN sử dụng Quỹ bình ổn hay không. Quan điểm của Bộ Tài chính, cái gì thuộc về lỗ khách quan thì Nhà nước chia sẻ, còn không – không chia sẻ”.

Tổng giám đốc Cty Xăng dầu Quân đội Vương Đình Dung cho rằng, mấu chốt của vấn đề vẫn nằm ở chỗ điều hành của Nhà nước đang ôm quá nhiều mục tiêu, đòi vừa bình ổn giá lại vừa xác định theo cơ chế thị trường. Ông Dung đề nghị, Nhà nước nên trao hẳn quyền định giá cho DN theo cơ chế giá trần, giá sàn. Hầu hết ý kiến đều nhất trí Quỹ bình ổn phải tập trung về Nhà nước, không để tại DN như hiện nay.

Điều hành giá xăng dầu: Không thả

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đề xuất 4 quan điểm trong điều hành giá xăng dầu thời gian tới: Lấy an ninh năng lượng là mục tiêu chính; coi xăng dầu là hàng hoá theo giá thị trường; từng bước để DN tự quyết định giá; không quá áp dụng biện pháp hành chính với mặt hàng này.

Theo giới học giả, trong bối cảnh không có cạnh tranh hiện nay, xăng dầu trong nước không thể có giá thị trường
Theo giới học giả, trong bối cảnh không có cạnh tranh hiện nay, xăng dầu trong nước không thể có giá thị trường. Ảnh: Hồng Vĩnh

Tuy nhiên, giới học giả với gần 20 bài tham luận gửi tới hội thảo lại không dễ dàng chấp nhận những lời kêu lỗ của DN. Hầu hết ý kiến phát biểu đều tập trung vào ý: xăng dầu là mặt hàng độc quyền nên trong điều hành rất cần sự tham gia quản lý của Nhà nước. TS Nguyễn Minh Phong, PGS TS Ngô Trí Long đều đồng tình không thể có giá thị trường trong bối cảnh không có cạnh tranh như hiện nay.

Ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương kiêm Tổ phó tổ điều hành xăng dầu cũng cho rằng cách điều hành giá của Bộ Tài chính có vấn đề. “Thời điểm có thể giảm giá, Bộ TC không làm, trong khi vào tháng 8, lúc DN đang lỗ , lại “đột ngột” điều chỉnh giảm. Cứ thế này thì vỡ hệ thống hết”- Ông An nói.

“Việc giảm giá hoàn toàn có căn cứ, chúng tôi không làm bừa, cá nhân tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm”- Bộ trưởng Vương Đình Huệ phản ứng.

Cũng theo ông Huệ, chúng ta đã neo giá điện, giá viện phí một thời gian dài, hệ quả là đã đến lúc chúng ta phải trả lại giá cho thị trường, để doanh nghiệp có thể hoạt động, có cơ hội thu hút đầu tư. “Bộ Tài chính rất muốn quay về điều hành theo Nghị định 84 nhưng từ nay đến cuối năm, trong điều kiện hiện nay không nên tăng giá mà sẽ sử dụng Quỹ bình ổn. Bộ sẽ không để DN nào phải lo thiệt ”– Bộ trưởng
Huệ nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG