Giải bài toán phát triển bền vững

Tham quan dây chuyền dệt may tiên tiến
Tham quan dây chuyền dệt may tiên tiến
TP - Lần đâu tiên, Ủy ban Kinh tế (UBKT), một cơ quan của Quốc hội trước khi mãn nhiệm đã gửi lại 10 kiến nghị liên quan các vấn đề của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Theo ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm UBKT, Quốc hội khoá XII, nếu không ráo riết thực hiện, Kinh tế Việt Nam không thể phát triển bền vững.

> Đầu tư cho trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững

Tham quan dây chuyền dệt may tiên tiến
Tham quan dây chuyền dệt may tiên tiến.
 

Vấn đề Lợi ích nhóm

Thưa ông, trong 10 kiến nghị, UBKT có đặt vấn đề Việt Nam cần phải có một chủ thuyết kinh tế riêng, theo ông chủ thuyết đó là gì?

Đây cũng chỉ là một khái niệm nhưng có lẽ việc tập trung cho ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn hiện nay và những năm tới đây là một chủ thuyết mà Việt Nam cần coi đó như vấn đề có tính chủ đạo. Rõ ràng, mình vẫn nói kinh tế vĩ mô về cơ bản là ổn định nhưng tiềm ẩn rủi ro là rất lớn. Hãy nhìn vào các cân đối vĩ mô là thấy ngay thôi. Nhập siêu luôn cao, tác động đến cán cân thanh toán, thâm hụt ngân sách lớn; nợ công đã tiệm cận đến ngưỡng an toàn v.v....

Hiệu quả đầu tư công thấp trong khi nền kinh tế đất nước ta thì đầu tư là yếu tố chính để thực hiện mục tiêu tăng trưởng mà nó lại kém hiệu quả thì đó là lãng phí và rủi ro kép. Nếu sự tăng trưởng đạt được trên nền vĩ mô không ổn định thì không thể nói là bền vững được.

Chủ thuyết mà chúng tôi đề cập ở đây là phải tập trung vào ổn định vĩ mô, lấy ổn định vĩ mô làm nền tảng, cơ sở để thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng sở dĩ những chính sách vĩ mô không ổn định, hay bị thay đổi là có lý do xuất phát từ sự tác động của các nhóm lợi ích, ông nghĩ sao về chuyện này?

Nói như vậy cũng không đúng, tôi nghĩ bất cứ chính sách nào khi được đưa ra thì cũng phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cuộc sống. Có chính sách điều chỉnh rộng, có chính sách điều chỉnh hẹp. Vấn đề đặt ra là một chính sách khi ban hành nó liên quan đến rất nhiều các chính sách khác, vì vậy trong kiến nghị của chúng tôi, có đặt vấn đề phải tăng cường sự phối hợp trong việc hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách để tránh tình trạng được ở khu vực này nhưng mất ở khu vực khác.

Ví dụ như vừa rồi việc thực hiện Nghị quyết 11 có tác động lớn đến thị trường bất động sản. Mà thị trường này liên quan đến thị trường khác như tài chính, thị trường vật liệu xây dựng, lao động... Nên nếu Chính phủ có xem để điều chỉnh cũng là bình thường, là cần thiết chứ không phải do tác động của các chủ kinh doanh bất động sản.

Trong kiến nghị thứ 6, UBKT nhấn mạnh việc cần có cơ chế phối hợp chính sách tài khóa và chính sách khác, tránh việc các cơ quan ban hành chính sách với các ý đồ riêng. Ý đồ riêng ở đây có phải là việc xây dựng chính sách bị chi phối bởi các nhóm lợi ích?

Không hẳn là như vậy. Trong thời gian vừa qua sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách chưa tốt, có khi được ở chỗ này nhưng lại mất ở chỗ khác. Điển hình nhất là trong lĩnh vực xây dựng, những quy định về đầu tư, đấu thầu, thủ tục hành chính... do sự phối hợp không tốt nên có khi mâu thuẫn. Hay là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ.

Tiền tệ thì thắt chặt nhưng tài khóa lại mở rộng, lại còn kém hiệu quả nữa. Còn về chuyện ở đây có sự can thiệp của nhóm lợi ích nào hay không thì cũng chưa có điều tra hay cơ sở để kết luận việc này.

Nhưng ở ta, khi nào còn giao cho các bộ, ngành của Chính phủ soạn dự thảo các văn bản pháp luật thì điều đó khó mà khắc phục được?

Khi các cơ quan hành pháp được giao soạn thảo các dự án luật thì không tránh khỏi chuyện bảo vệ lợi ích của ngành đó, thông qua các quy định của luật.

Thực tế một số dự án Luật thời gian qua chúng tôi thẩm tra đã thấy có tình trạng đó. Như Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bảo hiểm hay Luật về Kiểm toán độc lập. Nếu các cơ quan thẩm tra không kỹ lưỡng thì các cơ quan quản lý nhà nước rất dễ đặt lợi ích của ngành mình vào và như vậy khi đưa vào cuộc sống thì ảnh hưởng đến những lợi ích chung khác.

Trong trường hợp ấy thì khi đưa ra Quốc hội liệu có lọc được không, thưa ông?

Để làm được điều đó thì cơ quan thẩm tra quan trọng lắm, hiện nay các dự án Luật đưa ra Quốc hội đều phải qua cơ quan thẩm tra. Nếu cơ quan thẩm tra chỉ làm việc trên cơ sở nội dung cơ quan soạn thảo đưa ra thì chưa đủ mà phải xem xét nhiều mặt, tính toán việc hợp lý hay không và cả những vấn đề mà dự thảo luật không đề cập đến nhưng thực tiễn cuộc sống lại đòi hỏi phải có những chế định cụ thể...

Tôi lấy ví dụ về chuyện làm Luật Khoáng sản sửa đổi, thì câu chuyện tranh luận cho đến tận phút chót là ai sẽ là người làm quy hoạch chung về quản lý khoáng sản quốc gia. Quan điểm của chúng tôi là người làm quy hoạch quản lý tài nguyên khoáng sản quốc gia phải là Bộ TN&MT, còn các bộ khác chỉ làm quy hoạch của ngành dựa trên quy hoạch tổng thể đó.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo lại giao quy hoạch khoáng sản vật liệu xây dựng cho Bộ XD, một số loại khoáng sản giao Bộ Công Thương. Như vậy, chẳng ai chịu trách nhiệm chính và nắm tổng thể tài nguyên khoáng sản đất nước. Cuối cùng đưa ra QH quyết định, giao Bộ TN&MT chịu trách nhiệm làm việc đó.

Hay như khi làm Luật Quy hoạch đô thị, cơ quan soạn thảo (Bộ XD) đề xuất đối với những đô thị loại đặc biệt thì Bộ XD là người làm Quy hoạch nhưng chúng tôi cho rằng không ai hiểu thành phố ấy bằng chính quyền thành phố đó xét cả về mặt quản lý cũng như về yêu cầu xây dựng và phát triển.

Sau đó, Quốc hội quyết theo hướng Quy hoạch đô thị đặc biệt để cho chính quyền đô thị đó lập, Bộ XD chỉ là cơ quan thẩm định lại, tham mưu trình Thủ tướng phê duyệt. Cho nên khi nói đến vấn đề lợi ích cục bộ trong việc xây dựng chính sách pháp luật là có chứ không phải không.

Ông Hà Văn Hiền
Ông Hà Văn Hiền.
 

Dừng lập mới các tập đoàn kinh tế nhà nước

Trong các kiến nghị của mình, UBKT có đề cập đến việc phải tạm dừng việc thành lập các Tập đoàn Kinh tế nhà nước, vì sao vậy?

Trước đây, Chính phủ thí điểm thành lập 8 tập đoàn Kinh tế, vì thí điểm nên có rất nhiều vấn đề chưa hoàn thiện. Nên trong quá trình giám sát chúng tôi thấy còn rất nhiều mâu thuẫn về mô hình, về quản trị trong tập đoàn, vì thế cần phải tổng kết, bổ sung, sửa đổi những cái chưa hợp lý rồi mới tính chuyện thành lập mới các tập đoàn khác.

Các tập đoàn của chúng ta hiện tại cũng có rất nhiều vấn đề, như về mối quan hệ giữa công ty mẹ - các công ty con, giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tập đoàn này, rồi việc quản trị tại các tập đoàn, quản trị tại các công ty con v.v...

Ngoài ra, việc rạch ròi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc quản lý các tập đoàn nhà nước là chưa rõ ràng. Cho nên dẫn đến tình trạng khi xảy ra sai phạm gì thì việc quy trách nhiệm là không dễ. Và khi chúng ta chưa tổng kết rút ra được những bài học thì việc tiếp tục thành lập các tập đoàn mới là không nên.

Hiện Thủ tướng trực tiếp quyết định khá nhiều vấn đề của các tập đoàn, nên có tâm lý các bộ quản lý ngành thường buông. Theo ông, nên xử lý vấn đề này ra sao?

Hiện đang có xu hướng cho rằng cần phải có một cơ quan ngang bộ quản lý vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty. Bên cạnh đó, phải có những quy định (dưới dạng luật) về đầu tư vốn của Nhà nước vào kinh doanh thì mới giải quyết được tận gốc những tồn tại trên. Tôi nghĩ, trong chương trình xây dựng Luật của Quốc hội cũng đã có việc xây dựng Luật Đầu tư Công. Trong luật này nên chăng, có một chương về đầu tư vốn của Nhà nước vào việc kinh doanh.

Ông kỳ vọng gì vào các cơ quan chức năng về việc thực hiện các kiến nghị của UBKT?

Tôi nghĩ những kiến nghị đó là những đề xuất rất phù hợp với thực tiễn hiện nay, thực hiện các vấn đề đó chính là câu trả lời cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, nên tôi tin nó sẽ được thực hiện. Vấn đề là các cơ quan nhà nước cần triển khai quyết liệt, đồng bộ, khẩn trương, nếu không, chúng ta khó mà thực hiện được mục tiêu ĐH Đảng XI đặt ra.

Tôi rất tin trong khóa mới này, Quốc hội mới, Chính phủ mới sẽ triển khai các kiến nghị này một cách khẩn trương hơn.

Cảm ơn ông.

Bất hợp lý đầu tư công

Theo ông Hiền, đáng lo ngại hiện nay là việc bố trí cơ cấu đầu tư không hợp lý. Nó biểu hiện ở việc tương quan phân bổ nguồn lực giữa ngành này với ngành kia và trong nội bộ từng ngành một chưa hợp lý, dẫn đến hiệu quả kém.

Ví dụ ngành giao thông vận tải, lĩnh vực đường sắt thời gian qua không đầu tư đúng mức, chỉ đầu tư nhiều vào đầu máy và toa xe, nhưng đường ray kém thì làm sao chạy nhanh được, thế là đầu tư không hiệu quả. Đến lúc thấy bất hợp lý lại muốn tiến luôn sang đường sắt cao tốc, nhưng nó lại chỉ vận tải được hành khách chứ không vận tải được hàng hóa, rất bất hợp lý.

Hay như cảng biển, nhiều chỗ cũng xác định là cảng biển, cảng nước sâu nhưng rồi đầu tư thiếu tập trung, không dứt điểm nên kém hiệu quả.

Các ngành khác cũng có hiện tượng như vậy, cơ cấu đầu tư của chúng ta chưa hợp lý. Dẫn đến chuyện việc cần làm sớm thì không làm sớm, việc cần làm nhanh thì không làm nhanh. Bao nhiêu năm chúng ta nói đầu tư dàn trải, nay vẫn chưa khắc phục được.

Để giải quyết vấn đề này có nhiều việc phải làm trong đó có việc sửa lại Luật Ngân sách để loại bỏ việc xin – cho trong đầu tư công. Đồng thời, từ địa phương đến các ngành phải đổi mới công tác quy hoạch, phải làm được quy hoạch có chất lượng.

Khi có quy hoạch rồi phải quản lý rất nghiêm việc thực hiện quy hoạch, cấm điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, nhiệm kỳ này thì làm thế này, nhiệm kỳ khác người khác lên lại làm khác. Mà Quy hoạch không chuẩn, không ổn định thì dẫn đến đầu tư kém hiệu quả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.