Cảnh báo nợ công tăng nhanh

Cảnh báo nợ công tăng nhanh
TP - Dù Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá nợ nước ngoài của Việt Nam, hiện lên tới 32,5 tỉ USD (chiếm 42,2% GDP) vẫn ở mức an toàn nhưng cần phải hết sức thận trọng. Điều này do nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề gây mất cân đối như lạm phát cao, bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân tài khoản quốc tế…Vì vậy không thể chỉ căn cứ vào tỉ lệ nợ công tính trên GDP mà đánh giá là an toàn.

 > Nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm 42,2% GDP

Hiện tốc độ tăng nợ công của Việt Nam đang tăng rất nhanh. Từ năm 2005 đến nay đã tăng lên gấp hai lần. Điều này thể hiện tiết kiệm nội địa của Việt Nam giảm sút rất nhanh chóng, từ 36% năm 2006 xuống còn 26,1% vào năm 2009 và đến nay đang giảm thêm nữa.

Để tiếp tục tăng trưởng, Chính phủ vẫn phải đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, mặt khác phải vay mượn bên ngoài. Việc vay mượn kéo theo rủi ro về tỉ giá, nếu tỉ giá biến động đồng nghĩa phải trả thêm tiền. Tính trong giai đoạn 2006-2010, theo Bộ Tài chính, chủ nợ song phương lớn nhất của Chính phủ Việt Nam vẫn là Nhật Bản với số nợ lên tới 9,5 tỉ USD.

Giá trị đồng yên của Nhật Bản, hiện chiếm 40% tổng số nợ của Việt Nam, cũng đang tăng lên rất nhanh. Tỉ giá đồng yên/USD đã tăng từ 93 yên/1 USD năm 2009 lên mức 78 yên/USD hiện nay. Như vậy, chúng ta có thể tính ra được sẽ phải mất thêm một khoản tiền khá lớn nữa để bù cho phần chênh lệch tỉ giá này.

Bên cạnh đó, đồng tiền Việt Nam cũng bị mất giá so với các ngoại tệ khác nên phải huy động thêm nhiều tiền trong nước để trả nợ. Câu chuyện nữa của Việt Nam là vay nợ về để đầu tư. Nếu đầu tư kém hiệu quả thì sẽ không biết lấy gì để trả. Đến nay có thể thấy việc đầu tư của Việt Nam kém hiệu quả do tỉ lệ tích lũy tài sản ngày càng kém đi.

Việt Nam cần có Luật về nợ công như ở các nước khác trên thế giới. Việc kiểm soát nợ công phải rất chặt chẽ. Các khoản vay của Chính phủ từ WB lãi suất rất thấp nhưng các khoản trái phiếu Chính phủ như khoản trái phiếu 700 triệu USD mà Chính phủ đã phát hành trước đây có mức lãi suất hơn 7%/năm. Tính thêm phí thì lãi suất của trái phiếu này là hơn 9%. Đây là vấn đề không đơn giản. Phải hết sức dè dặt với việc vay nợ bằng trái phiếu được bảo lãnh. Hiện số nợ của các doanh nghiệp nhà nước cũng chưa rõ. Nếu cộng cả vào thì nợ phải lên tới 50% GDP. Còn tính tổng cả số nợ của Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước thì còn cao hơn nữa.

Bài học nợ công của Mỹ và châu Âu đang nhãn tiền nên phải hết sức thận trọng với vấn đề nợ công. Trong tình hình hiện nay nếu cứ tăng tốc độ vay nợ thì rất nguy. Theo Bộ Tài chính, chỉ trong ba năm từ 2008-2010, Việt Nam vay nợ trên 11 tỉ USD. Vì vậy, quan trọng nhất là phải quản lý hiệu quả tiền vay, khắc phục tình trạng đầu tư kém hiệu quả từ việc kiểm soát dự án, phân bổ nguồn vốn và kiểm soát trong quá trình thực hiện.

Phải hiểu việc vay nợ này là con cháu chúng ta sẽ phải trả chứ không phải chỉ là vay nợ của nhiệm kỳ. Chúng ta cứ tính tỷ lệ trả nợ trên tổng số thu được từ xuất khẩu nhưng thực thu ngoại tệ ròng từ xuất khẩu của Việt Nam rất thấp. Như dệt may dù xuất khẩu được hơn 10 tỷ USD nhưng thu nhập thực chỉ được khoảng 20% thôi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG