Bao giờ xăng dầu trong nước giảm giá?

Giá dầu thế giới giảm, còn giá trong nước vẫn tăng. Ảnh: Hồng Vĩnh
Giá dầu thế giới giảm, còn giá trong nước vẫn tăng. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hôm qua (9-8), giá dầu thô giảm còn hơn 75 USD/thùng, trong vòng một tháng qua, giá dầu thô đã giảm tới gần 25 USD/thùng (từ 100 xuống còn hơn 75USD). Tuy nhiên các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước vẫn kêu bị lỗ ở mức 500 – 600 đồng/lít bán ra. Trong khi đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ giảm giá nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm...

> Chiêu 'ăn cắp' mới của các cây xăng
> Phải minh bạch giá xăng dầu, điện

Giá dầu thế giới giảm, còn giá trong nước vẫn tăng. Ảnh: Hồng Vĩnh
Giá dầu thế giới giảm, còn giá trong nước vẫn tăng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Doanh nghiệp vẫn kêu lỗ

Hãng tin Bloomberg cho biết trong phiên giao dịch ngày 9-8, do tác động của việc Mỹ giảm xếp hạng tín nhiệm và khả năng tồn kho dầu thô tăng khiến giá dầu tại New York giảm rất mạnh trong hai ngày qua. Giá dầu Brent xuống dưới mức 100 USD/thùng.

Giá dầu thô giao tháng 9 giảm 5,6 USD (6,9%) xuống 75,7 USD/thùng. Với hai phiên giảm liên tiếp tổng cộng 12%, giá dầu thô đang ở mức thấp nhất kể từ ngày 8-1-2009. Tại London, giá dầu Brent giao tháng 9 ở mức 98,7 USD/thùng, giảm 5 USD so với hôm qua.

Dù giá dầu thô thế giới giảm mạnh nhưng giá xăng dầu thành phẩm vẫn ở mức cao. Tại thị trường Singapore ngày 8-8, xăng RON A92 có giá 114,98 USD/thùng, dầu diezel 0,25S ở mức 121,17 USD/thùng, dầu hỏa giá 121,62 USD/thùng.

Giá dầu thế giới giảm mạnh khiến người tiêu dùng tiếp tục đặt câu hỏi, giá xăng dầu trong nước liệu có giảm. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) xác nhận giá dầu thô thế giới từ đầu tháng tới nay liên tục giảm mạnh. Tuy nhiên, giá xăng dầu thành phẩm lại không hề giảm, tính bình quân 30 ngày, vẫn ở mức 123 USD/thùng. Ngày 8-8, giá xăng dầu thành phẩm thế giới có giảm nhưng vẫn ở mức 115 USD/thùng.

“Với mức giá này, doanh nghiệp đang lỗ hơn 600 đồng/lít xăng bán ra. Diezel lỗ gần 600 đồng/lít; madút và dầu hỏa cũng bị lỗ gần tương đương. Giá xăng dầu tại Việt Nam hiện vẫn thấp hơn khoảng gần 4.000 đồng/lít so với các nước khác trong khu vực như Lào, Campuchia hay Thái Lan”- ông Dũng cho biết.

Ông Vương Đình Dung, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, cũng cho rằng chưa thể giảm giá xăng dầu trong nước, dù rằng giá dầu thô thế giới những ngày qua có giảm.

Theo ông Dung, cần phân biệt giá các sản phẩm dầu thành phẩm và giá dầu thô. Giá xăng dầu có giảm nhẹ nhưng tính bình quân 30 ngày vẫn ở mức cao, ở quanh mức 122,36 USD/thùng. Với mức giá xăng dầu thành phẩm này, cộng thêm chi phí vận tải 2,3 USD/thùng và các khoản thuế, phí, lợi nhuận định mức theo quy định, mỗi lít xăng A92 doanh nghiệp này bị lỗ ở mức 659 đồng/lít.

Tương tự, với dầu diezel 0,25S doanh nghiệp phải chịu lỗ 345 đồng/lít. “Nếu chúng tôi có lãi và có thể giảm giá thì các cơ quan chức năng đã yêu cầu thực hiện ngay chứ không để như hiện nay”- Đại diện một doanh nghiệp đầu mối nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện tổ điều hành giá xăng dầu trong nước xác nhận các doanh nghiệp xăng dầu đang bị lỗ khoảng 500 đồng/lít xăng bán ra.

Sẽ giảm giá, nếu giá thế giới tiếp tục giảm

Theo ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, câu chuyện doanh nghiệp xăng dầu bị lỗ nhưng vẫn phải chạy đua tăng chiết khấu cho đại lý thời gian qua là chuyện kinh doanh của doanh nghiệp, không liên quan đến việc làm tăng chi phí giá thành xăng dầu.

Cơ quan chức năng đã có quy định về chi phí lợi nhuận định mức của doanh nghiệp là 600 đồng/lít, lợi nhuận là 300 đồng/lít xăng dầu. Với quy định này, doanh nghiệp nào chiết khấu cho đại lý 800 – 900 đồng/lít hoặc hơn 1.000 đồng/lít thì sẽ bị lỗ. Họ sẽ phải tự dùng tiền của doanh nghiệp để bù cho số tiền vượt này.

“Hiện sức tiêu thụ của thị trường thấp trong khi lãi suất ngân hàng đang rất cao. Để tránh bị lỗ nặng do lãi suất ngân hàng cao, doanh nghiệp phải chấp nhận tăng chiết khấu cho đại lý để giảm bớt hàng tồn kho. So với lãi ngân hàng, lỗ do mức chiết khấu cao vẫn thấp hơn”- ông An cho biết.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Bộ Tài chính cho biết đang theo dõi sát diễn biến thị trường và sẽ tính toán áp dụng phương án có lợi nhất cho người tiêu dùng nếu giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục hạ nhiệt trong những ngày tới. Hiện mức giảm của xăng dầu thành phẩm chưa đạt ngưỡng kỳ vọng, mới chỉ giúp doanh nghiệp ở ngưỡng xấp xỉ hòa vốn.

Theo vị quan chức này, Bộ Tài chính đang cân nhắc khả năng sẽ điều chỉnh giảm giá bán lẻ trong nước nếu giá thế giới tiếp tục giảm. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ có một cuộc họp công khai liên quan đến mặt hàng xăng dầu để giải đáp câu hỏi liên quan đến chuyện lỗ lãi và cách điều hành giá.

Không có việc xăng dầu “chảy ngược”

Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương vừa lên tiếng khẳng định thông tin giá xăng dầu trong nước, đặc biệt là giá dầu diezel đang cao hơn giá xăng dầu của các nước trong khu vực từ 2.000 đến 2.500 đồng/lít nên dẫn đến việc có hiện tượng xăng dầu “chảy ngược” vào Việt Nam là thông tin không đúng.

Theo Bộ Công Thương, giá diezel 0,05S ngày 8-8 tại Thái Lan là 24.955 đồng/lít; Hồng Kông là 31.943 đồng/lít; Indonesia là 21.711 đồng/lít; Singapore là 27.976 đồng/lít. Với mức giá diezel 0,05S ở Việt Nam là 21.100 đồng/lít hiện nay, chúng ta đang bán thấp hơn Thái Lan 100 đồng/lít, thấp hơn Indonesia 611 đồng/lít và thấp hơn Singapore 6.876 đồng/lít.

Giá bán xăng A92 tại các nước hiện cũng cao hơn mức giá 21.300 đồng/lít tại Việt Nam hiện nay. Giá xăng A92 tại Lào là 27,087 đồng/lít; Campuchia là 25.290 đồng/lít còn Trung Quốc ở mức 25.122 đồng/lít.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG