Giá vàng vọt lên ngoài dự báo

Giá vàng vọt lên ngoài dự báo
Ngày 3-8, thị trường vàng trong nước trải qua cơn “địa chấn” khi chỉ trong vòng một ngày, giá vàng tăng đến hơn 1,17 triệu đồng/lượng, đạt mức kỷ lục: 41,3 triệu đồng/lượng, sau đó giảm còn 41,2 triệu đồng/lượng vào cuối ngày.

Giá vàng vọt lên ngoài dự báo

> Vàng vượt mốc 41 triệu đồng/lượng
> Bán tháo vàng vì tin đồn thất thiệt

Ngày 3-8, thị trường vàng trong nước trải qua cơn “địa chấn” khi chỉ trong vòng một ngày, giá vàng tăng đến hơn 1,17 triệu đồng/lượng, đạt mức kỷ lục: 41,3 triệu đồng/lượng, sau đó giảm còn 41,2 triệu đồng/lượng vào cuối ngày.

Nhân viên một tiệm vàng ở TP.HCM phải thay đổi giá liên tục trong ngày 3-8. Ảnh: Thanh Đạm
Nhân viên một tiệm vàng ở TP.HCM phải thay đổi giá liên tục trong ngày 3-8. Ảnh: Thanh Đạm.

Đêm 2-8, từ mức dưới 1.630 USD/ounce, giá vàng thế giới đã vọt lên 1.660 USD/ounce, dù Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thông qua dự luật về gia hạn nợ công. Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng thế giới vẫn chưa dừng lại.

Đầu giờ chiều, giá vàng thế giới vọt lên 1.672 USD/ounce, kéo giá vàng trong nước tăng thêm gần 400.000 đồng/lượng so với buổi trưa, đạt 41,3 triệu đồng/lượng. Như vậy chỉ trong vòng một ngày mỗi lượng vàng tăng thêm đến 1,17 triệu đồng/lượng.

Hết vàng để bán...

Hà Nội: giao dịch vàng bình thường

Mặc dù giá vàng liên tục lập kỷ lục mới, tuy nhiên ghi nhận tại các điểm giao dịch vàng quanh khu vực Hà Nội như phố Trần Nhân Tông, Hà Trung... lượng khách đến mua vào - bán ra ngang nhau.

Theo ông Trần Nhật Nam - phụ trách kinh doanh của Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu, nếu so với thời điểm khi giá vàng đạt mức kỷ lục trên 39 triệu đồng/lượng hơn tuần trước thì lượng khách đến giao dịch không nhiều.

Theo ông Nam, việc giá tăng cao nhưng giao dịch không mạnh như mấy tuần trước do đây là chuỗi tăng giá nối tiếp nên các nhà đầu tư chủ yếu thăm dò.

Cửa hàng nhiều lúc phải liên tục giãn giá mua - bán để phòng ngừa rủi ro khi giá vàng bất ngờ quay đầu xuống.

Tổng giám đốc một công ty đầu tư và kinh doanh vàng cho rằng đà tăng của giá vàng vượt ra ngoài dự đoán của giới kinh doanh. Từ đầu tuần đến nay, nhiều dân trong nghề đã phân tích tình hình và dự đoán giá lên nhưng không ngờ giá vàng tăng mạnh như vậy.

Trong khi đó, với người dân chỉ có nhu cầu tích góp đơn thuần thì mức tăng của giá vàng trong buổi sáng 3-8 khiến nhiều người ngẩn ngơ.

Chị Phương, gom tiền mua 1 chỉ vàng tại cửa hàng Công ty PNJ trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết, nửa tháng trước chị mua vàng giá mới 3,8 triệu đồng/chỉ, vừa “quay đi quay lại” đã phải mua đắt hơn gần 300.000 đồng.

Cũng như chị Phương, tần ngần trước bảng giá của một tiệm vàng trên đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận hồi lâu, ông Vũ cho biết mua vàng để trả nợ. Một tháng trước ông vay 1 lượng vàng của người thân giá chỉ 38 triệu đồng, nay trả nợ bị lỗ hơn 3 triệu đồng.

Các công ty vàng cho biết thực tế nhu cầu mua vàng vào thời điểm giá cao như hiện nay không nhiều, đa số có nhu cầu trả nợ hoặc tích góp. Còn thực tế thị trường vàng chỉ sôi động về giá. Bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng giám đốc Công ty PNJ, cho biết tính đến 14g30 ngày 3-8 số vàng bán ra trên toàn hệ thống mới chỉ đạt 150 lượng, bằng 1/10 so với thời điểm bình thường. Người bán cũng rất ít vì đa số đã chốt lời vào thời điểm giá vàng trong nước đạt mức 38 triệu đồng/lượng.

Ông Nguyễn Công Tường, phó phòng kinh doanh vàng Công ty SJC, cho biết giao dịch thực tế chỉ khoảng 1.000 lượng, thấp hơn cả những thời điểm bình thường. Trong khi đó giá vàng cứ chạy liên tục, chỉ tính từ 13g30 đến 14g30 Công ty SJC đã điều chỉnh giá bán vàng đến chín lần, còn nếu tính từ đầu ngày đến thời điểm 14g30 giá vàng đã thay đổi 19 lần.

Nữ trang cưới... teo tóp

Tuy nhiên, ảnh hưởng nhiều nhất từ giá vàng tăng chóng mặt thời gian gần đây chính là những người cần mua nữ trang cưới. Dự tính đầu năm sau mới làm đám cưới, tuy nhiên anh Hoàng và chị Vi (Q.Gò Vấp, TPHCM) đã phải mua vàng để dành.

Chị Vi cho biết, anh chị để dành khoảng 30 triệu đồng để mua nữ trang cưới. Tuy nhiên, do giá vàng tăng quá nhanh nên anh chị phải lấy số tiền dành dụm đi mua vàng miếng, đến gần đám cưới sẽ đổi số vàng này ra nữ trang.

Trường hợp anh Hoàng - chị Vi không phải là cá biệt, chị Loan (Q.3) cho biết từ khi lên kế hoạch cưới, tháng nào anh chị cũng trích tiền lương ra mua vàng để dành. Cuối năm trước, giá vàng mới hơn 30 triệu đồng/lượng nên mỗi tháng anh chị mua được khoảng 1 chỉ rưỡi, nay giá cả sinh hoạt tăng cao mà giá vàng cũng “phi mã” nên gần đây mỗi tháng anh chị chỉ còn dư được 5 phân.

Chưa hết, mới đây anh chị còn buồn hơn khi nhận được thông báo sắp tới của hồi môn sẽ bị sụt giảm đáng kể.

“Cưới xong vợ chồng tôi sẽ ăn riêng nên ba mẹ hứa cho 3 lượng vàng làm của. Nhưng tuần trước gia đình thông báo do giá vàng tăng quá nên số tiền tiết kiệm lâu nay chỉ đủ mua có... 2 lượng” - chị Loan buồn rầu nói.

Chị Dung - chủ một tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1 - cho biết do giá vàng tăng cao nên nữ trang cưới cũng teo tóp. Vài năm trước khi giá vàng ở mức 20 triệu đồng/lượng, bộ nữ trang cưới 24K gồm kiềng, vòng, bông tai khoảng 1 lượng nhưng nay chỉ còn khoảng 5 chỉ.

Chỉ vào cặp vòng kiềng trưng bày trong tủ, chị cho biết hàm lượng vàng thực chất của chiếc kiềng cổ “hoành tráng” này chỉ có 2 chỉ, vòng tay 1 chỉ, thêm đôi bông tai khoảng 1 chỉ, tổng giá trị món đồ này sau khi cộng cả tiền công khoảng 18 triệu đồng. Thêm cặp nhẫn cưới khoảng 5 triệu đồng, tính ra trọn bộ nữ trang cưới chỉ khoảng 23 triệu đồng. Tuy nhiên, chị Dung cho biết sức mua nữ trang rất yếu dù đã cận kề mùa cưới.

Không chỉ các tiệm vàng tư nhân mà ngay cả các công ty vàng lớn cũng phải “co kéo” nhằm tăng sức mua. Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, do giá vàng tăng nên doanh số những mặt hàng không gắn đá (chủ yếu nữ trang cưới) sụt giảm rõ rệt do hàm lượng vàng trong những sản phẩm này chiếm đến 75%, trong khi ở những sản phẩm khác hàm lượng vàng chỉ khoảng 35% nên giá cả rất mềm.

Tác động từ các nền kinh tế lớn

Giá vàng thế giới tăng mạnh sau các dữ liệu kinh tế công bố từ Mỹ, EU và Trung Quốc cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang tụt dốc. Giới đầu tư dự đoán với tình trạng như trên có khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ phải đưa ra chương trình kích thích kinh tế lần thứ ba.

Trong thời gian thực hiện gói kích thích kinh tế thứ hai vừa qua, giá vàng thế giới đã tăng hơn 20%. Quỹ đầu tư tín thác bằng vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust ngày 2-8 tiếp tục mua vào 18,18 tấn vàng, đưa lượng vàng nắm giữ của quỹ này lên mức 1.281,75 tấn - cao nhất kể từ đầu năm.

Một diễn biến mới là dù đêm 2-8 vàng đã kích hoạt một đợt tăng giá mới nhưng thị trường châu Á sáng 3-8 vẫn không bán thu lãi mà tăng cường mua vào. Thêm vào đó, ngân hàng trung ương nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... tiếp tục mua vàng nhằm đa dạng dự trữ ngoại hối cho thấy tầm quan trọng của vàng đang tăng lên.

Theo Ánh Hồng
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Dự án giao thông TPHCM chậm tiến độ vì 'vướng' trụ điện: Đại diện ngành điện nói gì?
Dự án giao thông TPHCM chậm tiến độ vì 'vướng' trụ điện: Đại diện ngành điện nói gì?
TPO - Trước việc một số dự án cầu, đường tại TPHCM chậm tiến độ vì vướng trụ điện, đại diện Tổng công ty Điện lực TPHCM nhận một phần trách nhiệm và cam kết đơn vị sẽ phối hợp cùng địa phương và ngành giao thông trong thời gian tới để tình trạng này không còn diễn ra.