Lương & Đình công

Lương & Đình công
TP - Chỉ trong sáu tháng đầu năm, tại các KCN Hà Nội đã xảy ra 34 cuộc đình công. Còn tại Bắc Ninh có 14 cuộc đình công. Hiện chưa có con số thống kê tổng số vụ đình công trên cả nước, nhưng được cảnh báo là đang gia tăng mạnh, so với những năm trước.

> Đình công nhiều vì lương tối thiểu quá bèo

Câu chuyện đình công thực sự trở nên đáng lo ngại, khi tháng trước tại KCN Chương Mỹ (Hà Nội) bảo vệ Cty dùng xe tải lao thẳng vào những công nhân đang đình công, khiến 1 người chết và nhiều người bị thương.

Tại cuộc hội thảo cuối tuần trước liên quan đến vấn đề lương tối thiểu cho người lao động tại doanh nghiệp, các đại biểu đều chung nhận định, nguyên nhân chủ yếu của các cuộc đình công là do lương quá thấp, không đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động.

Trong khi giá cả leo thang, một tô phở sáng hay một gói xôi đạm bạc đã tăng gần gấp đôi so với trước, thì mức thu nhập hằng tháng của công nhân vẫn chỉ trên dưới 2 triệu đồng. Không chỉ với doanh nghiệp trong nước, ngay cả các doanh nghiệp nước ngoài, cũng chỉ trả lương theo quy định (bằng mức lương tối thiểu). Điển hình như tại Cty Yamaha Nội Bài, sử dụng hơn 4.000 lao động nhưng chỉ áp dụng mức lương tối thiểu, không hề có trợ cấp thâm niên.

Giữa lúc đang xảy ra hàng loạt các cuộc đình công đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi cải thiện bữa ăn, đòi trợ cấp thâm niên... khắp Nam chí Bắc thì Bộ LĐ-TB&XH đề xuất với Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng. Mức lương tối thiểu đang được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, là 1,9 triệu đồng/tháng vùng 1 (cao hơn mức hiện nay 350.000 - 550.000 đồng/tháng).

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Tư - Ban chính sách pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH rất lạc hậu so với mức chi trả của doanh nghiệp hiện nay. Với mức lương tối thiểu mà Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, lao động chưa tiếp cận được mức sống tối thiểu chứ chưa nói đến chuyện sẽ khấm khá hơn. Dù vậy, khá nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng sẽ không gánh nổi mức tăng lương tối thiểu nêu trên.

Một doanh nghiệp ra đời, chuyện sống còn là có nuôi nổi lao động hay không. Nếu không, khó có thể tạo ra lợi nhuận và đóng thuế cho Nhà nước. Còn nếu doanh nghiệp làm ăn có lãi, nhưng họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận, kể cả lợi nhuận ấy có được từ “tận thu” sức lao động của những công nhân nghèo, thì cũng không đáng để tồn tại.

Bởi thế, đã tới lúc cơ quan quản lý cần dứt khoát chuyện mức tiền lương tối thiểu của công nhân, làm sao để họ sống được với đồng lương. Chừng nào chưa giải quyết được quan hệ đó, thì khi ấy còn
đình công!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.