Kiến nghị giảm thuế TNDN theo lạm phát

Kiến nghị giảm thuế TNDN theo lạm phát
TP - Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) Việt Nam cho biết, đã kiến nghị Chính phủ giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp trong bối cảnh lạm phát, lãi suất tăng cao.

> Thu nhập vãng lai: 1 triệu đồng mới phải khấu trừ thuế

Ông Cao Sỹ Kiêm. Ảnh: Hồng Vĩnh
Ông Cao Sỹ Kiêm. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Hiệp hội DNN&V kiến nghị nhiều nội dung, trong đó có việc miễn giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Một số nội dung kiến nghị của Hiệp hội đã được Bộ Tài chính đưa ra Chính phủ xem xét.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, Chính phủ sẽ thảo luận và cân nhắc có đưa ra Quốc hội (QH) hay không. Tuy nhiên, vừa qua một số thành viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của QH chưa muốn xem xét điều chỉnh Luật Thuế TNCN trong kỳ họp tháng tới.

Cụ thể những kiến nghị đối với DNN&V là gì?

Hiện nay, Chính phủ mới giãn một năm thuế TNDN cho DNN&V. Còn nếu muốn miễn hay giảm thì phải đưa ra QH quyết định. Thực tế hiện nay, lãi suất ngân hàng vẫn còn cao. Lạm phát phải hạ xuống thì mới có cơ sở để hạ lãi suất.

Gần đây, lạm phát đang có xu hướng giảm và các ngân hàng đang có động thái điều chỉnh dần lãi suất huy động xuống, khi đó lãi vay cũng sẽ hạ. Tuy nhiên, dù có giảm lãi suất cho vay thì các DNN&V vẫn khó tiếp cận vốn. Bởi mức tăng trưởng tín dụng bị giới hạn.

Số DN sản xuất kinh doanh có lợi nhuận cao hơn mức lãi suất ngân hàng hiện không nhiều. Trong số này, các DN sản xuất, chế biến nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công... rất khó tiếp cận vốn. Có tiếp cận được thì chi phí vốn cũng quá cao. Còn những đơn vị kinh doanh và hoạt động thương mại thì dễ thở hơn.

Vừa qua, mới giãn thuế TNDN thì không giải quyết được triệt để. Những đơn vị thuộc diện được giãn thì sang năm nộp dồn khoản thuế TNDN của cả 2 năm lại càng khó khăn hơn. Do vậy, Hiệp hội đã đề xuất giảm thuế TNDN và giãn hoãn ngay đối với thuế TNCN, xem xét lại mức khởi điểm chịu thuế TNCN trong năm 2011.

Mức giảm thuế TNDN mà Hiệp hội kiến nghị là bao nhiêu?

Có hai hình thức. Một là theo tỷ lệ lạm phát, cộng vào và giảm tương ứng. Thứ hai là theo một mức cụ thể như 20%. Tuy nhiên, theo tôi, giảm thuế trên cơ sở mức lạm phát là hợp lý hơn, căn cứ vào tỷ lệ lạm phát năm 2011. Nếu đề xuất một mức giảm cố định thì không linh hoạt, phải điều chỉnh nhiều lần.

Những doanh nghiệp đang trong diện được giãn thì lần này chúng tôi đề xuất được giảm thuế TNDN. Nếu những đề xuất mới đây của Bộ Tài chính được thực thi thì sẽ giúp tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN. Ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng nhưng khi doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh thì cái được cho nền kinh tế sẽ lớn hơn nhiều.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm?

Nếu chúng ta quyết liệt thực hiện Nghị quyết 11 thì có thể giữ được lạm phát ở mức 15%. Phải cố gắng phấn đấu thì mới đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát như định hướng điều hành mà Chính phủ đưa ra trong phiên họp tháng 5.

Cám ơn ông.

Đầu tháng 4, Chính phủ ban hành quyết định 21 cho phép giãn thời hạn nộp thuế TNDN trong thời gian một năm đối với DNV&N. Ngoài ra, để hỗ trợ DN và khuyến khích đầu tư, Chính phủ có nghị quyết giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất trình QH cho giảm một phần thuế TNDN phải nộp năm 2011 đối với DNN&V (đang thuộc diện được giãn) như: DN sử dụng nhiều lao động hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, dệt may, da giày…

Hà Nhân thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG