'Người trong cuộc' nói về chất lượng đào tạo dân lập

'Người trong cuộc' nói về chất lượng đào tạo dân lập
TPO - Nhiều sinh viên trường dân lập thừa nhận, cơ sở vật chất của trường còn yếu kém, giáo trình thiếu thốn, phòng học thiếu ánh sáng, bàn ghế xộc xệch, hư hỏng... ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

> "Nhảy dù" vào giảng đường dân lập

Phòng học ghép bằng gỗ ép tại cơ sở 20 Tôn Thất Tùng của trường Đại học dân lập Đông Đô. Ảnh: Trường Phong
Phòng học ghép bằng gỗ ép tại cơ sở 20 Tôn Thất Tùng của trường Đại học dân lập Đông Đô. Ảnh: Trường Phong.

Nhiều sinh viên tự túc giáo trình

Hầu hết sinh viên Đại học dân lập Đông Đô, khi được hỏi, đều cho rằng, chất lượng dạy và học tại trường lớp đều tốt, giảng viên nhiệt tình, sinh viên chăm chỉ học tập, không nói chuyện, làm việc riêng trong lớp, chỉ có cơ sở vật chất của trường còn yếu.

Khẳng định môi trường học tập, giảng dạy trong trường đều tốt, nhưng N.T.T vẫn ngồi ngoài hành lang dù tiết học đã trôi qua được hơn một nửa thời gian. Hỏi tại sao không vào lớp, T thản nhiên đáp: “Bây giờ lớp đông vào không có chỗ ngồi. Lại phải lên bàn đầu, ngại lắm”.

Nói chuyện thêm, T cho biết, cơ sở vật chất nơi mình học trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) còn tương đối yếu kém, nhiều phòng học thiếu ánh sáng, bàn ghế xộc xệch, hư hỏng...

Vách ngăn giữa hai lớp tại cơ sở trên đường Tôn Thất Tùng của đại học dân lập Đông Đô. Ảnh: Trường Phong.
Vách ngăn giữa hai lớp tại cơ sở trên đường Tôn Thất Tùng của đại học dân lập Đông Đô. Ảnh: Trường Phong..

T cho biết, cơ sở này không có thư viện. Hầu hết các sinh viên đều phải tự túc giáo trình. Có môn thầy giáo mang sách đến cho lớp photocopy, hoặc hướng dẫn sinh viên tự đi mua hoặc mượn từ bên ngoài.

Trao đổi thêm về vấn đề này, sinh viên N.D.Tr cho rằng, điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới việc học tập của sinh viên. Nhà Tr ở Chương Mỹ (Hà Nội), đi học hằng ngày bằng xe buýt, nhiều khi, muốn mượn sách về nhà tham khảo mà không có. “Nếu muốn mượn giáo trình hoặc sách tham khảo, chỉ còn cách lên cơ sở chính của trường, nhưng vì xa quá, lại không có điều kiện nên đành chịu.” - Tr cho biết.

Cũng theo Tr, cơ sở của trường mình trên đường Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội nên có một thư viện cho sinh viên tìm tài liệu, thông tin, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất cho khá hơn để phục vụ công tác dạy và học.

Nhiều chỗ trên vách ngăn đã bị mối mọt, mục nát. Ảnh: Trường Phong
Nhiều chỗ trên vách ngăn đã bị mối mọt, mục nát. Ảnh: Trường Phong.

Một nữ sinh viên học tại cơ sở 20 Tôn Thất Tùng, Hà Nội (đề nghị giấu tên) nói, cả cơ sở có một phòng thư viện tương đối nhỏ nằm giữa khu giảng đường, trong đó có… bốn máy tính phục vụ công tác tìm kiếm tài liệu, thông tin học tập cho sinh viên.

Bạn này cũng cho biết, thực ra, các giảng đường trong trường không được sạch sẽ lắm, nhà cửa cũ nát, hư hỏng, cửa kính chắp vá...

Tuy thừa nhận cơ sở vật chất của trường yếu kém, nhưng hầu hết các bạn sinh viên Đại học dân lập Đông Đô đều cho rằng, bằng lòng với những gì trường có. “Trường mình chỉ có thế thì dùng thế, làm sao so bì với các trường công lập hoặc trường mới xây được. Cái chính là mình học thế nào thôi” – Trung, một sinh viên trường Đại học Dân lập Đông Đô chia sẻ.

Các sinh viên trường này cũng cho rằng, nếu có được cơ sở vật chất mới, chắc chắn, sẽ rất tốt cho công tác dạy và học của giảng viên và sinh viên.

Một bức ảnh chụp trong một giờ học tại trường Đại học Đại Nam. Ảnh: Trường Phong
Bức ảnh chụp sinh viên trong một giờ học tại trường Đại học Đại Nam. Ảnh: Trường Phong.

Sinh viên Đại học Đại Nam N.H.N. cho biết, môi trường học tập trong lớp rất tốt, tuy nhiên, có một số thành viên không học tập chăm chỉ, hay nói chuyện, làm việc riêng trong giờ gây ảnh hưởng đến người khác.

Về giáo trình, N cho biết, một số môn học vẫn chưa có giáo trình, phải đi mượn hoặc mua ở ngoài.

Lãnh đạo trường nói

Theo ông Nguyễn Thanh Tĩnh – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phụ trách Phòng Đào tạo & Quản lý sinh viên trường Đại học dân lập Đông Đô, cho đến nay, Đại học dân lập Đông Đô vẫn chưa có được cơ sở vật chất khang trang cho sinh viên. Hiện tại, trường vẫn phải thuê địa điểm để phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo.

Ông Nguyễn Thanh Tĩnh. Ảnh: Trường Phong
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh. Ảnh: Trường Phong.

“Dù đi thuê nhưng các địa điểm này đều đảm bảo môi trường sư phạm. Các địa điểm được thuê đều là nhà cao tầng, phòng học, bàn ghế, đèn chiếu sáng, quạt, phòng thí nghiệm, hội trường, thư viện… đều đầy đủ. Các cơ sở cũng có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, không có tiếng ồn... Đặc biêt, đội ngũ giảng viên cơ hữu đều là những người có năng lực” - Ông Tĩnh khẳng định.

Về việc sinh viên học tại cơ sở 20 A Tôn Thất Tùng (Hà Nội) phải học trong những lớp học có vách ngăn làm bằng gỗ ép, ông Tĩnh cho biết, đó là những phòng lớn, nay được ngăn lại bằng gỗ để bố trí các lớp học cho hợp lý.

Về việc bàn ghế, cơ sở vật chất cũ, hỏng, ông Tĩnh cho rằng, trường đã trang bị bàn ghế sinh viên đạt chuẩn, qua thời gian sử dụng, những vật dụng này xuống cấp, và nếu phát hiện sẽ thay thế, bổ sung.

Thầy Tĩnh cũng cho biết, trường có thư viện khoảng 1.200 đầu sách gồm 20.000 cuốn, về cơ bản đảm bảo giáo trình cho sinh viên học các môn khoa học cơ bản. Còn những môn không có giáo trình, sinh viên phải mua hoặc tham khảo ở nguồn ngoài nhà trường.

“Tại các điểm thuê, trường cũng bố trí thư viện phục vụ công tác học tập và giảng dạy của sinh viên và giảng viên, tuy nhiên, những phòng này tương đối nhỏ” – Ông Tĩnh nói.

Về công tác giảng dạy, thầy Tĩnh cho biết, ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu (11 giáo sư, phó giáo sư, 11 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 33 Thạc sĩ và 22 cử nhân), trường còn có đội ngũ giảng viên theo dạng Hợp đồng dài hạn và ngắn hạn. Đội ngũ giảng viên có tâm huyết, nhiệt tình trong giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho sinh viên. Không có chuyện dạy trường dân lập kém nhiệt tình so với các trường công lập.

“Chúng tôi là người mời giảng , nếu sinh viên phản ánh thầy cô nào không nhiệt tình thì chúng tôi sẽ cắt hợp đồng và thay thế giảng viên khác”.

Về vấn đề sinh viên bỏ tiết, nghỉ học, nằm ngủ… trong lớp, thầy Tĩnh cho biết, việc này sẽ được giáo viên chủ nhiệm (trường có đội ngũ giáo viên chủ nhiệm chuyên trách - PV), giảng viên bộ môn trực tiếp quản lý và xử lý theo quy chế.

“Sinh viên trong trường phải tuân thủ quy chế đào tạo, nội quy của nhà trường, nếu không đủ 80% thời gian học tập trên giảng đường, sẽ không được thi”.

Ngoài ra, nhà trường cũng nghiêm túc thực hiện Quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo như: xét lên lớp, ngừng học (lưu ban), buộc thôi học…".

Thầy Phan Trọng Phức
Thầy Phan Trọng Phức. Ảnh: Trường Phong

Trong khi đó, ông Phan Trọng Phức, Hiệu trưởng trường Đại học dân lập Đại Nam cho rằng, trường Đại học dân lập Đại Nam mới được xây dựng, thiết bị giảng dạy trong các lớp học đầy đủ, gồm máy chiếu, âm thanh, ánh sáng hiện đại, đây là một lợi thế rất lớn để thu hút sinh viên. Hơn nữa, đội ngũ giảng viên của trường giàu kinh nghiệm, hết lòng chăm lo cho các sinh viên. Ông Phức cũng khẳng định, rất ít xảy ra trường hợp sinh viên làm việc riêng, nghỉ, bỏ giờ…

Trước câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về tình trạng nhiều sinh viên đi học không có giáo trình, làm việc riêng, sử dụng điện thoại trong lớp…, ông Phức cho rằng, đó chỉ là một vài em cá biệt: Trường có đội ngũ quản lý sinh viên hết sức chặt chẽ. Hơn nữa, trường cũng tổ chức phong trào Sinh viên tự quản an ninh học đường nên ý thức sinh viên được nâng lên rõ rệt. Những trường hợp bị phát hiện sẽ bị xử lý, kỷ luật.

Theo Viết
MỚI - NÓNG