'Bí quyết' trúng tuyển NV2
> Gần 75.000 chỉ tiêu nguyện vọng hai, ba
Nếu chưa đậu ĐH, thí sinh (TS) vẫn còn những cơ hội khác ở nguyện vọng (NV) 2, 3. Tuy nhiên, trong cuộc đua này, thí sinh cần có những thủ thuật nhất định mới có thể thành công.
Xem kết quả thi tại trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Ảnh: Hoàng Vũ. |
Nguyên tắc xét tuyển NV2, 3 là lấy điểm từ cao xuống đến đủ chỉ tiêu. Do vậy, thí sinh (TS) cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để nắm bắt cơ hội vào ngành học, trường học như mong muốn.
Cao hơn điểm xét tuyển từ 2 điểm trở lên, nhiều cơ hội
''Khi nộp hồ sơ vào một số trường ở tốp trên, để chắc ăn TS không nên chọn ngành có điểm xét tuyển bằng với mức điểm của mình'' - Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Ngân hàng TP.HCM ''TS có 20 ngày để nộp hồ sơ ĐKXT NV2. Đây là khoảng thời gian khá dài, không nên vội vàng nếu chưa chắc chắn. Vì dù nộp sớm hơn hay đúng với khoảng thời gian cho phép thì cơ hội vẫn như nhau'' - Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) |
Ông Nguyễn Quốc Cường - chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, nhận định: “Thực tế qua các năm, nhiều TS bị đánh rớt khi xét tuyển NV2, NV3 không phải vì điểm thi thấp mà do chưa chọn trường, ngành phù hợp. Bởi lẽ, cùng mức điểm đó nhưng nếu nộp vào các ngành, các trường này sẽ đậu nhưng vào ngành khác, trường khác lại rớt. Vấn đề TS cần cân nhắc trước hết là chọn trường, ngành học vừa với sức mình”.
Cũng theo ông Cường, với nhóm TS có mức điểm thi bằng hoặc nhỉnh hơn điểm sàn ĐH thì chỉ nên nộp hồ sơ vào các trường ĐH có mức điểm nhận hồ sơ cũng bằng mức điểm sàn của Bộ, vào bậc CĐ trong các trường ĐH hoặc trường CĐ cùng khối thi, trong vùng tuyển và còn chỉ tiêu.
Đối tượng TS này cũng cần quan tâm tới một số ngành khó tuyển ở nhóm trường ĐH công lập, với mức xét tuyển cũng chỉ bằng hoặc cao hơn điểm sàn từ 0,5 đến 1 điểm.
Thực tế nhiều năm gần đây, dù đã tuyển hết cả 3 NV nhưng một số ngành của các trường này vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu như mong muốn. Do vậy, nếu thực sự không có nhiều lựa chọn vì mức điểm thi hạn chế, thì đây cũng là một cơ hội để TS có thể đến với giảng đường ĐH.
Trong khi đó, tiến sĩ Phan Ngọc Minh - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, có ý kiến: “Thống kê từ số liệu tại trường qua một số năm cho thấy, TS khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 vào trường nếu có mức điểm cao hơn điểm xét tuyển của trường từ 1 đến 1,5 điểm thì cơ hội trúng tuyển gần như chắc chắn. Do vậy, khi nộp hồ sơ vào một số trường ở tốp trên, để chắc ăn TS không nên chọn ngành có điểm xét tuyển bằng với mức điểm của mình”.
Chọn theo sở thích
Mốc thời gian cần ghi nhớ - Từ ngày 25-8 đến 17 giờ ngày 15-9: TS sẽ nộp hồ sơ ĐKXT NV2 - Trước ngày 20-9: Các trường công bố điểm trúng tuyển NV2 - Từ ngày 20-9 đến 17 giờ ngày 10-10: TS sẽ nộp hồ sơ ĐKXT NV3 - Trước ngày 15-10: Các trường công bố điểm trúng tuyển NV3. |
Thạc sĩ Lâm Tường Thoại - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng chia sẻ: “Theo tôi, việc lựa chọn ngành học, trường học ở NV2 và NV3 có tính chất khốc liệt hơn rất nhiều so với khi lựa chọn ở NV1. Bởi lẽ, khi lựa chọn đầu tiên đã không thực hiện được thì những lựa chọn thứ yếu sẽ rất khó khăn”.
Tuy nhiên, thạc sĩ Thoại cũng lưu ý: “TS không nên “cố đấm ăn xôi” để bằng mọi cách phải vào được ĐH. Thay vào đó vẫn nên lựa chọn ngành, trường học theo sở thích ở bậc học thấp hơn rồi tìm cơ hội liên thông sau hoặc chọn ngành học gần với ngành đã lựa chọn. Cuối cùng, nếu không được mới nên tính đến phương án chuyển qua một ngành khác. Sở dĩ như vậy bởi lẽ, nghề nghiệp là yếu tố rất quan trọng, nó gắn với mình suốt cả cuộc đời”.
Không nên vội vàng
Điểm mới năm nay trong xét tuyển NV2, 3 theo quy định của Bộ GD-ĐT là các trường phải cập nhật mỗi ngày thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) NV2, 3 của TS vào máy tính bằng phần mềm tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 và công khai trên website của trường.
Tiến sĩ Phan Ngọc Minh cho rằng: “Đây là một lợi thế rất lớn cho TS, TS cần cập nhật thông tin mỗi ngày về số lượng hồ sơ các trường để có sự lựa chọn đúng nhất. Thực ra, nếu theo dõi kỹ về thông tin này, tính toán dựa trên tổng chỉ tiêu cần tuyển và số hồ sơ nộp vào theo thang điểm, TS hoàn toàn có thể biết mình đậu hay không nếu nộp vào đó”.
Cũng trong năm nay theo quy định của Bộ, TS được rút hồ sơ ĐKXT đã nộp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu thời hạn nộp hồ sơ của mỗi đợt ĐKXT được quy định. Tuy nhiên, thạc sĩ Lâm Tường Thoại cũng lưu ý: “Quy định mới này là cơ hội tốt cho TS nếu lỡ lựa chọn sai NV có thể thay đổi. Nhưng TS không nên chủ quan hoặc dựa dẫm vào đó, mà nên cân nhắc kỹ lưỡng ngay từ ban đầu và trung thành với lựa chọn đó để tránh rối rắm cũng như ảnh hưởng không tốt tới tâm lý. Bởi lẽ TS thường có tâm lý rút từ nơi có nhiều hồ sơ dồn về nơi có ít hồ sơ nhưng đến phút chót có khi kết quả lại ngược lại”.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang - Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng đưa ra lời khuyên: “TS có 20 ngày để nộp hồ sơ ĐKXT NV2. Đây là khoảng thời gian khá dài, không nên vội vàng nếu chưa chắc chắn. Vì dù nộp sớm hơn hay đúng với khoảng thời gian cho phép thì cơ hội vẫn như nhau. Do vậy, thay vì nộp hồ sơ ngay từ những ngày đầu, TS có thể dành thêm thời gian để suy nghĩ, cân nhắc để có lựa chọn chính xác nhất”.
Theo Hà Ánh
Thanh Niên