Có một Ngô Bảo Châu khác

GS Ngô Bảo Châu với cô giáo dạy văn Đặng Thanh Hoa
GS Ngô Bảo Châu với cô giáo dạy văn Đặng Thanh Hoa
TP - Trao đổi với Tiền Phong, Ngô Bảo Châu tâm sự, có những lúc “bí toán”, anh nảy sinh ý định viết văn. Anh quan niệm việc viết đó như một món quà mình mang đến cho người khác...

 > Ra mắt Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán

GS Ngô Bảo Châu với cô giáo dạy văn Đặng Thanh Hoa
GS Ngô Bảo Châu với cô giáo dạy văn Đặng Thanh Hoa.

Sau khi GS Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields, nhờ truyền thông, dư luận được ngắm chân dung anh dưới nhiều góc độ. Vì vậy nhiều người biết Ngô Bảo Châu có làm thơ (đăng trên blog), trước đó nữa anh đã từng là một cậu học trò yêu văn chương. Tuy nhiên, nhiều người vẫn rất ngạc nhiên khi trên blog Sổ tay Thích Học Toán xuất hiện một số truyện ngắn của anh.

Ngô Bảo Châu chia sẻ: Đối với tôi, sử dụng tiếng Việt để viết toán, viết văn làm thơ luôn là một niềm vui thực sự. Tuy rằng chỉ viết được đoản văn, tập trung vào một chủ đề rất cụ thể, vì viết xong là phải quên đi để làm việc khác, nhưng tôi coi việc viết blog là một công việc nghiêm túc. Chắc ý bạn nói ý định nghiêm túc là viết một cái gì đó có tính dài hơi? Có lẽ quyển sách Ai và Ky cùng viết Nguyễn Phương Văn là một bước đầu tiên đi về hướng đó.

Ý định nghiêm túc nghĩa là anh muốn trở thành... nhà văn, hoặc nhà thơ?

Đa số những người thích đọc sách đều có một chút tham vọng viết sách, trở thành nhà văn. Có thể coi việc viết blog như một cách luyện chữ để chuẩn bị cho thời điểm mà mình bỏ hết các việc khác để viết văn. Thời điểm đó chưa đến và quả thực là tôi cũng không biết nó có bao giờ đến hay không. Tôi quan niệm rằng viết văn là viết trước hết cho bạn bè, vì đọc văn là một sự chia sẻ giữa người đọc và người viết. Những người chưa là bạn, cũng có thể trở thành bạn qua việc đọc sách.

Với anh thấy phong cách của nhà văn, nhà thơ nào là “hình mẫu” gần gũi với anh nhất?

Từ lúc còn bé, tôi đã rất thích thơ của Nguyễn Nhược Pháp. Phía sau những câu thơ dí dỏm, nhẹ bỗng là cả một tâm tư mà người đọc có độ nhạy cảm nhất định sẽ nhận ra. Jacques Prévert, Raymond Queneau cũng có một phong cách tương tự.

Anh viết lúc nào vậy? Lúc anh có cảm hứng bất chợt hay lúc “bí toán”? Anh viết có dễ dàng không, có nhanh không?

Đúng là “cảm hứng” văn học thường đến vào những lúc “bí toán”. Cảm hứng được tư duy nhào nặn thành một sản phẩm nhiều khi trông rõ xa lạ với hình ảnh ban đầu. Quá trình này có lúc mau, lúc lâu, nhưng có lẽ lúc làm ra sản phẩm là phần thú vị nhất.

Ban đầu anh có nhắc tới Ai và Ky, phải chăng đó chính là cuốn “tiểu thuyết toán hiệp” mà chính anh Nguyễn Phương Văn đã giới thiệu trên blog của anh ấy? Cuốn sách này kể về cái gì vậy?

Ai và Ky là hai nhân vật chính của cuốn “tiểu thuyết toán hiệp”. Đây là từ rất đạt của 5xu. Giống như trong truyện kiếm hiệp, sách dựa vào một số dữ kiện lịch sử, ở đây là lịch sử toán học.

Anh sẽ chỉ công bố Ai và Ky trên blog của mình hay có ý định tìm cho nó một “bà đỡ” để in thành sách rồi phát hành?

Ai và Ky sẽ không đăng trên blog, nếu có thì chỉ trích đoạn. Sách sẽ được xuất bản, nhưng cụ thể chi tiết như thế nào thì tôi chưa rõ.

Quý Hiên (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
TPHCM se lạnh, hết mưa trái mùa
TPHCM se lạnh, hết mưa trái mùa
TPO - Theo dự báo từ cơ quan khí tượng, đợt mưa trái mùa tại TPHCM và các tỉnh, thành Nam bộ đã kết thúc, những ngày còn lại trong tuần giữa tháng 12 không mưa hoặc có mưa nhỏ không đáng kể. Do không khí lạnh tăng cường, thời tiết se lạnh về đêm và sáng sớm.