Bao giờ sự sống biến mất?

Bao giờ sự sống biến mất?
TPO - Đó là câu hỏi nhiều bạn trẻ đặt ra khi giao lưu với Giáo sư Thiên văn học người Mỹ gốc Việt Trịnh Xuân Thuận tại Hội thảo Vật lý Thiên văn ngày 7-12, ở Trung tâm văn hoá Pháp L’Espace (Hà Nội).

Phát hiện 18 hành tinh mới tương đương Mộc tinh
> Phát hiện chất lỏng trên Sao Mộc

Giáo sư Trịnh Xuân Thân
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận.

Theo Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, đây cũng là điều mà người dân tất cả các quốc gia khác đều rất quan tâm và từng hỏi ông.

Bằng kiến thức sâu rộng và đa dạng trên nhiều lĩnh vực của nhà thiên văn học, nhà thơ, triết gia, một Phật tử và nhà khoa học yêu môi trường và hoà bình, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã đưa ra câu trả lời khiến cả hội trường như lặng đi trong suy ngẫm và xúc động: “Khoa học có thể dự đoán được, nhưng khoa học là không đủ, con người chúng ta phải biết sống minh triết, sống có tâm linh thì mới giữ gìn được chính vũ trụ của chúng ta…”.

Cũng trong Hội thảo với chủ đề xuyên suốt là “Con người ở đâu trong vũ trụ”, nhiều bạn trẻ Việt Nam thể hiện sự hiểu biết và đam mê của mình với Thiên văn học qua những câu hỏi khá bất ngờ và “hóc búa” dành cho Giáo sư.

Phần lớn sự quan tâm của các bạn hướng về quá khứ, tương lai của vũ trụ, về hành tinh sự sống thứ hai sau Trái Đất, về sự sống và chân lý của nhân loại…

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận cho biết, ông rất vui mừng trước sự quan tâm và yêu thích của các bạn trẻ Việt Nam với thiên văn học, bởi vì “mục đích của tôi khi trở về Việt Nam lần này là muốn chia sẻ đam mê của tôi về thiên văn, về bầu trời với những bạn trẻ Việt Nam. Tôi biết ở Việt Nam còn hạn chế điều kiện để tiếp cận với khoa học thiên văn, nhưng tôi vẫn muốn khuyến khích các bạn đam mê và nghiên cứu, bởi vì quan trọng là ta đã đi tìm kiếm, chứ không phải ta sẽ tìm được cái gì” – Giáo sư Thuận chia sẻ.

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận tại buổi thuyết trình tại L'Espace
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận tại buổi thuyết trình tại L'Espace. Ảnh: Phạm Thành Long

Bên cạnh việc chia sẻ và giao lưu về kiến thức thiên văn học, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận còn giới thiệu và ký tặng độc giả cuốn sách mới ra của ông: “Từ điển yêu thích Bầu trời và các vì sao”. Đây là ấn phẩm tiếp theo trong loạt sách phổ biến tri thức về thiên văn - vũ trụ - lượng tử của giáo sư Trịnh Xuân Thuận, sau Giai điệu bí ẩn (năm 2001), Hỗn độn và hài hoà (2003), Vũ trụ trong lòng bàn tay (2007), Những con đường của ánh sáng (2009),…

Với dung lượng đồ sộ, gần 800 trang, từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao là cuốn sách dành cho những người muốn khám phá nhưng không nhất thiết phải có hành trang khoa học của một chuyên gia.

Điểm đặc biệt thứ hai là cuốn sách được viết bằng ngôn ngữ rõ ràng, đơn giản và giàu hình ảnh ẩn dụ tuân thủ theo ba tiêu chí: chính xác, dễ hiểu và hấp dẫn.

Việc viết sách phổ biến tri thức ở trình độ cao về những vấn đề khoa học phức tạp như thiên văn – vũ trụ - lượng tử, mà đảm bảo được cả ba tiêu chí ấy là điều vô cùng khó khăn, nhưng khi làm được điều này, những cuốn sách của Giáo sư Trịnh Xuân Thuận có sức hút rất đặc biệt.

Năm 2009, ông từng nhận giải thưởng Kalinga của UNESSCO về các đóng góp trong việc đại chúng hoá khoa học.

Hôm nay, ngày 8-12, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận tiếp tục có một buổi gặp mặt và nói chuyện với sinh viên Đại học FPT.

Trong dịp về Việt Nam lần này, lịch trình làm việc của giáo sư sẽ kéo dài từ 5 - 12 đến hết ngày 25-12 tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn và TPHCM.

Trịnh Xuân Thuận (sinh năm 1948) là nhà khoa học người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực vật lý thiên văn, là nhà văn viết nhiều sách có giá trị cao về vũ trụ học và về những suy nghĩ của ông trong tương quan giữa khoa học và Phật giáo.

Ông còn là nhà thơ, một triết gia, một Phật tử và một nhà hoạt động cho môi trường và hòa bình. Ông đã nhận nhiều giải thưởng trong lĩnh vực thiên văn và trong lĩnh vực văn hoá xã hội: Giải Moron 2007 của Hàn lâm viện Pháp; Giải Kalinga 2009 của UNESCO về các đóng góp trong việc đại chúng hóa khoa học.

Các bản dịch Tiếng Việt của ông: Giai điệu bí ẩn. Và con người đã tạo ra vũ trụ, Phạm Văn Thiều dịch, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 2001, 383 tr

Hỗn độn và hài hòa, Phạm Văn Thiều và Nguyễn Thanh Dương dịch, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 2003

Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Từ Big Bang đến Giác Ngộ), dịch từ cuốn L'Infìni dans la paume de la main - du Big Bang à l'éveil, Phạm Văn Thiều - Ngô Vũ biên dịch, Nxb Trẻ & Tạp chí Tia Sáng, 470 tr

Lượng tử và hoa sen, dịch từ cuốn The Quantum and the Lotus

Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận. Cuộc trò chuyện của Trịnh Xuân Thuận với nhà báo Jacques Vauthier. Sách do Phạm Văn Thiều dịch, Nxb Trẻ & Tạp chí Tia sáng, 2001, 170 tr.

Theo Viết
MỚI - NÓNG