Đề xuất tôn vinh chính thức nhà giáo Chu Văn An

Đề xuất tôn vinh chính thức nhà giáo Chu Văn An
TP - Theo Tiến sĩ Sử học Nguyễn Mạnh Hùng, Nhà nước cần chính thức công nhận nhà giáo Chu Văn An (1292 - 1370) là người thầy muôn đời của nền giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đã có công văn từ chối đề xuất này, còn Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu.

Tháng 6-2011 TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, TP Hồ Chí Minh, trình lên các cấp có thẩm quyền văn bản đề xuất nói trên. Đồng thời TS Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị thực hiện 6 việc cần làm, gồm: Thành lập giải thưởng giáo dục Chu Văn An dành cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp trồng người và các nhà nghiên cứu có công trình khoa học tác động tích cực đến sự phát triển giáo dục nước nhà;

Đặt tượng thầy Chu Văn An tại sân các cơ quan Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, các trường sư phạm, các Viện Nghiên cứu Giáo dục, các trường học mang tên Chu Văn An trên toàn quốc; Hình thành nghi thức sinh viên các trường sư phạm dâng hương và tuyên thệ trước tượng thầy Chu Văn An khi mới vào trường và lúc tốt nghiệp; Đặt tượng hoặc hình ảnh kèm tiểu sử thầy Chu Văn An tại phòng truyền thống các trường học không mang tên danh nhân;

Tổ chức dâng hương tưởng niệm vào ngày kị thầy Chu Văn An, vào ngày Nhà giáo Việt Nam tại các cơ sở đặt tượng hoặc hình ảnh thầy; Tổ chức trọng thể kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của thầy Chu Văn An vào các năm chẵn.

Tượng vạn thế sư biểu Chu Văn An trong Văn Miếu
Tượng vạn thế sư biểu Chu Văn An trong Văn Miếu.

Lý giải cho những đề xuất của mình, TS Nguyễn Mạnh Hùng viết: “Trong sự nghiệp chấn hưng giáo dục nước nhà nói chung và nâng cao chất lượng đội ngũ thầy cô giáo nói riêng, chúng ta nên có một hình tượng sư phạm tiêu biểu nhất cho nhân cách cao thượng, khí tiết thanh cao, học vấn uyên thâm của nhà giáo, có giá trị trường tồn cùng đất nước để vừa làm điểm tựa tinh thần, vừa là niềm tự hào cho các thế hệ thầy cô giáo từ đời này sang đời khác. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã có một nhân vật như thế, đó là thầy Chu Văn An”.

Khi chia sẻ ý tưởng này với anh em bạn hữu, TS Nguyễn Mạnh Hùng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Ông Nguyễn Thiện, tác giả chương trình Dân ta biết sử ta nhận xét: “Trên thực tế, thầy Chu Văn An là “vạn thế sư biểu” trong lòng dân tộc ta từ bao đời nay. Tuy nhiên, về mặt quản lý, tôi nghĩ rằng cần triển khai các giải pháp như ông Hùng đề xuất để Chu Văn An thực sự trở thành hình ảnh biểu tượng thiêng liêng của nền giáo dục Việt Nam”.

Văn bản đề xuất của TS Nguyễn Mạnh Hùng được gửi tới nhiều địa chỉ, trong đó có các Bộ Nội vụ, GD&ĐT, Văn hóa - Thể thao & Du lịch... Cho đến nay, chỉ duy nhất bộ Nội vụ có văn bản trả lời, nhưng là để... từ chối. Lý do là “Luật Thi đua, Khen thưởng chỉ quy định hai hình thức phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú”!?

Trong công văn trả lời của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội Vụ còn có đoạn diễn giải: “Nhà giáo Chu Văn An đã được các thế hệ người dân Việt Nam tôn vinh là người thầy mẫu mực, nếu có một hình thức cụ thể nào đó để ghi nhận công lao của những người đi vào lịch sử dân tộc sẽ không bao quát được tính tôn vinh nhà giáo Chu Văn An”.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi nhận được văn bản đề xuất của TS Nguyễn Mạnh Hùng, Cục đã có văn bản xin phương án xử lý của lãnh đạo Bộ thông qua Văn phòng Bộ GD&ĐT nhưng chưa được trả lời. “Vấn đề này ngành GD&ĐT chỉ có thể ủng hộ bằng cách đề xuất, tham mưu với bộ, ngành hữu quan chứ không quyết định được”, ông Minh cho biết.

Đề xuất hay

“Quan điểm của cá nhân tôi cho rằng đây là một đề xuất hay, có cơ sở về mặt lịch sử. Nhà giáo Chu Văn An được chính thức tôn vinh như một biểu tượng tinh thần của ngành giáo dục cũng là xứng đáng, vì ông là thầy của mọi thế thệ người thầy. Nhưng theo tôi việc này phải thực hiện theo một quy trình nhất định, có thể cần có ý kiến của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.

Trên thực tế thì nhà giáo Chu Văn An đã là biểu tượng tinh thần trong lòng giáo giới Việt Nam nói chung. Ở Côn Sơn, Hải Dương cũng đã có đền thờ nhà giáo Chu Văn An. Trong Quốc Tử Giám - Văn Miếu cũng có ban thờ riêng dành cho nhà giáo Chu Văn An.

Tính biểu tượng tinh thần của nhà giáo Chu Văn An rất lớn nên ngay cả Bộ GD&ĐT cũng không đủ tầm để đưa ra những quyết định bởi nếu không cẩn thận sẽ trở thành không đúng mực. Các ông ở Bộ GD&ĐT cũng chỉ là học trò của các học trò ông Chu Văn An. Để giải quyết đề xuất này, có thể phải cần đến quyết định của lãnh đạo cấp Nhà nước”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thị trường bất động sản tái khởi động cuộc chơi
Thị trường bất động sản tái khởi động cuộc chơi
TPO - Nhiều chủ đầu tư đã kéo dài việc quan sát thị trường cả năm qua, nên những tháng cuối năm là thời điểm chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm. Về phía khách hàng, sự quan tâm đến bất động sản sẽ tăng mạnh vào năm tới khi niềm tin của thị trường cũng như tâm lý nhà đầu tư cải thiện hơn.