> Triết lý nào cho giáo dục Việt Nam?
> Cắt chương trình để giảm tải
Theo dự thảo Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học mà Bộ GD&ĐT mới đây đưa lên mạng lấy ý kiến toàn ngành, việc giảm tải năm học 2011 – 2012 sẽ tập trung vào 5 nhóm nội dung chính. Giảm tải những kiến thức được viết trong chương trình - SGK để dạy học ở nhiều môn khác nhau.
Giảm tải nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên. Giảm tải bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Nhóm thứ tư là rà soát, điều chỉnh kiến thức mang đặc điểm địa phương.
Ví dụ, đối với môn công nghệ thì ở các thành phố có thể dạy về kỹ thuật trồng cây cảnh hay kỹ thuật thủy canh thay vì phải dạy kiến thức về trồng cây gây rừng. Nhóm thứ năm là những bài học trước đây sắp xếp chưa hợp lý nay sẽ được sắp xếp lại.
Theo Bộ GD&ĐT, vấn đề quá tải có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do chương trình hiện hành được viết tương đương trình độ các nước tiên tiến thế giới. Nhưng ở các nước đó, học sinh đều được học 2 buổi/ ngày, số học sinh/lớp ít, trong khi điều kiện dạy học ở ta nhìn chung không đáp ứng được các tiêu chí đó. Ngoài ra, trong giáo viên có tâm lý phổ biến là xem mọi vấn đề được viết trong SGK cần phải được dạy và học hết.
Bộ GD&ĐT giải thích chủ trương giảm tải này, Bộ GD&ĐT khẳng định, đối với các bài, các phần được hướng dẫn “không dạy” hoặc “đọc thêm” thì không ra bài tập, không kiểm tra, không thi. Tài liệu hướng dẫn giảm tải thể hiện cụ thể việc điều chỉnh với từng môn. Do đó, giáo viên chỉ cần nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng hướng dẫn (khi được ban hành chính thức) trong quá trình tổ chức dạy học.
Ngoài ra, giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn học sinh đánh dấu những bài, phần không yêu cầu phải học, phải làm. Vì vậy, giáo viên và học sinh hoàn toàn không phải mua SGK khác để dạy học trong năm học này. Bộ GD&ĐT cũng khẳng định việc giảm tải không phá vỡ tính chỉnh thể của chương trình - SGK.
Các nội dung dạy học không bị “cắt” một cách cơ học mà “cắt” trên cơ sở tính toán loại bỏ những phần không hợp lý, đảm bảo giữ được mạch của chương trình, tính logic của kiến thức và tính thống nhất của các bộ môn.
Sau khi thu thập ý kiến góp ý của giáo viên ở 63 tỉnh thành, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện hướng dẫn để các địa phương kịp thời thực hiện trong năm học này.