Trẻ nhiễm HIV: Đường đến trường bị chặn

Trẻ nhiễm HIV: Đường đến trường bị chặn
TP - Câu chuyện diễn ra ngay tại Hà Nội. Một số phụ huynh chặn đường không cho những đứa trẻ tội nghiệp này vào lớp học của con mình và buộc các em phải trở về học ở trung tâm cách ly.

> Hiệu trưởng cũng kỳ thị trẻ có HIV

Chỉ được đến trường để chào cờ

Năm nay, Phạm Đình Đức 13 tuổi, là anh cả của một gia đình có 14 con của Trung tâm Lao động Xã hội số 2 (Trung tâm số 2) ở Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội. Năm học vừa qua, Đức là học sinh lớp 5 trường Tiểu học Yên Bài B. Tiếng là học sinh của trường nhưng hàng tuần, Đức cùng 33 bạn nhỏ khác của Trung tâm số 2 chỉ được đến trường buổi sáng thứ Hai hằng tuần để dự lễ chào cờ. Hết lễ chào cờ, mấy đứa trẻ lại lủi thủi trở về Trung tâm để ngồi học trong những lớp ghép (trong một lớp học có học sinh của 2 – 3 khối lớp cùng học với nhau).

Từ năm 2001, Trung tâm số 2 trở thành nơi nuôi dưỡng các cháu bé nhiễm HIV. Năm học 2006 – 2007, 5 em nhỏ đầu tiên của trung tâm bắt đầu được học lớp Một, trong đó có Đức. Thoạt tiên, lớp học được mở ngay trong Trung tâm, giáo viên do trường Tiểu học Việt – Mông (nay là Yên Bài B) cử đến dạy. Từ năm học 2008 – 2009, sau rất nhiều bước chuẩn bị của các cơ quan hữu quan, Đức cùng các bạn được ra học lớp 3 cùng các bạn ngoài cộng đồng ở trường Tiểu học Yên Bài B. Sau tuần học đầu tiên, nhiều phụ huynh có con em học ở trường này đã chặn đường không cho các em ở Trung tâm số 2 vào trường. Khi không thể chặn đường các em, các phụ huynh vào tận lớp lôi con mình về. Đức và các bạn đành quay về lớp ghép ở Trung tâm số 2. Một năm sau, Đức cùng với học sinh của Trung tâm số 2 mới được “bén mảng” tới trường để dự lễ chào cờ hàng tuần.

Năm học này, lứa học sinh đầu tiên của trung tâm số 2 lên lớp 6 trường THCS Yên Bài B. Con đường đến trường của 40 học sinh nhiễm HIV của trung tâm số 2 vẫn bị chặn lại bởi những phụ huynh cực đoan. Không thuyết phục nổi phụ huynh, ngày 18- 7, UBND huyện Ba Vì đành phải ra thông báo: Năm học 2011 – 2012, học sinh của Trung tâm số 2 vẫn học tại Trung tâm; việc tổ chức cho các cháu học hoà nhập sẽ thực hiện khi nào “có điều kiện”.

Cuộc đấu tranh của lý và tình

Bác sĩ, luật sư Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Pháp luật và Chính sách về Y tế, HIV/ AIDS, chia sẻ: “Mới đây chúng tôi tiếp tục vận động phụ huynh ở Gia Lâm, Hà Nội vì trường hợp của hai cháu nhiễm HIV. Các cháu được đi học rồi, dù một lớp chỉ có hai cháu với nhau. Chúng tôi chưa dám đòi hỏi nhiều, chỉ dám mong các cháu được dự chào cờ với các bạn nhưng các phụ huynh không chịu. Nhưng chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”.

Trong số những học sinh được Trung tâm Pháp luật và Chính sách về Y tế, HIV/ AIDS trợ giúp để đấu tranh đòi quyền đi học có cháu Nguyễn Thị Thu Phương (sinh năm 2001). Bố mẹ mất vì bệnh AIDS, bản thân nhiễm virus HIV, Phương được ông nội đón về nuôi ở quê nhà (xã Mai Động, huyện Kim Động, Hưng Yên). Từ khi Phương 5 tuổi, ông nội em bắt đầu hành trình xin học cho cháu mình. Nhờ miệt mài gõ cửa các cơ quan chức năng, Phương được nhập học lần này đến lần khác nhưng rồi lần nào em cũng chỉ theo học được dăm ngày. Cách thức đấu tranh để “tẩy chay” học sinh nhiễm HIV của phụ huynh nơi nào cũng giống nhau: ép con em mình nghỉ học. Một mình Phương ngồi trong lớp với giáo viên. Thầy không nản nhưng trò chịu không nổi thái độ ghẻ lạnh của cộng đồng.

Nhờ sự trợ giúp của Trung tâm Pháp luật và Chính sách về Y tế, HIV/AIDS, Phương chính thức được vào lớp Một trường Tiểu học Mai Động từ năm học 2010 - 2011, trong một lớp đông có bạn bè. Thậm chí có phụ huynh còn tin cậy giao cho Phương chở con mình đi học bằng xe đạp. Chia sẻ về kinh nghiệm dẫn đến thành công trong trường hợp của Phương, bà Trâm nói: “Thuyết phục các phụ huynh từ bỏ thái độ kỳ thị với trẻ nhiễm HIV là một nghệ thuật, không thể lấy trường hợp này áp dụng cho trường hợp kia. Đó là một cuộc đấu tranh cho cái lý, cái tình nhưng thường chúng tôi hạn chế dùng đến lý mà chủ yếu dùng tình cảm, khơi gợi nhân tâm để thuyết phục”.

Em biết các bác phụ huynh sợ con mình bị lây virus HIV. Nhưng suy nghĩ đó không đúng lắm vì bệnh của bọn em không phải dễ lây trong môi trường học tập bình thường. Bọn em đã được dạy cách phòng tránh cho người khác thì càng khó lây. Các bác sĩ điều trị cho biết, trên thế giới chưa có bạn nào làm lây HIV cho bạn khác vì học cùng trường với nhau”

Phạm Đình Đức, 13 tuổi, Trung tâm Lao động Xã hội số 2.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG