Tựu trường với nỗi lo chi phí
Hôm nay 15-8, học sinh khắp các tỉnh thành chính thức tựu trường. Trong bối cảnh lạm phát, những khoản chi cho đầu năm học gây không ít khó khăn cho phụ huynh.
Năm học mới, mọi chi phí cho học tập - từ đồng phục đến sách giáo khoa - đều tăng. Ảnh: Bạch Dương. |
Trong số các nhóm hàng hóa có chỉ số giá tiêu dùng tăng nhanh và đột biến thì giáo dục thuộc một trong những nhóm tăng cao nhất, cụ thể, CPI của giáo dục tăng tới 24,14%.
Học phí nhảy múa
TP.HCM không tăng học phí, tăng tiền ăn Tại Hội nghị tổng kết năm học 2010 - 2011 và triển khai nhiệm vụ năm học 2011 - 2012, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định học phí không thay đổi. Tiểu học: Học 1 buổi/ngày không phải đóng học phí; 2 buổi/ngày: 30.000 đồng/tháng. THCS: 1 buổi/ngày: 10.000 - 15.000 đồng/tháng; 2 buổi/ngày: 40.000 đồng/tháng. THPT: 1 buổi/ngày: 25.000 - 30.000 đồng/tháng; 2 buổi/ngày: 50.000 đồng/tháng. Nhà trường và phụ huynh thỏa thuận mức thu tiền ăn. Phòng GD một số quận huyện đang trình UBND mức thu tiền ăn như sau: Q.4: 20.000 - 25.000 đồng/ngày; Q.5: mầm non: 20.000 - 25.000 đồng/ngày, các bậc học khác 16.000 - 17.000 đồng/ngày; Q.6: mầm non: 20.000 - 25.000 đồng/ngày, các bậc học khác 18.000 - 20.000 đồng/ngày; Q.Gò Vấp: 22.000 - 25.000 đồng/ngày. |
Nguyên nhân chính là do các trường ngoài công lập năm nay đồng loạt tăng học phí và phụ phí, bên cạnh đó, hơn 40 tỉnh thành trên cả nước đồng loạt áp dụng mức học phí mới trong năm học này.
Tại Hà Nội, dù nhiều phụ huynh khi gửi con vào học trường ngoài công lập đã xác định tâm lý sẽ phải chấp nhận mức học phí cao và tăng từng năm theo mức độ trượt giá. Nhưng năm nay, nhiều phụ huynh thực sự “choáng” vì học phí của các trường quá cao. Đã vậy, không ít trường còn thu học phí một lần cho nhiều tháng khiến số tiền phải đóng đầu năm học trở thành một khoản tiền khá lớn.
Theo tính toán của một phụ huynh có con vào lớp 1, trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) thì số tiền phải nộp khi cho con nhập học là hơn 17,4 triệu đồng/HS (học phí: 3 triệu/tháng x 3 tháng; bán trú: 1,2 triệu/tháng x 3 tháng; ô tô đưa đón: 700 ngàn đồng/tháng x 3 tháng; cơ sở vật chất: 1 triệu đồng; bảo hiểm y tế: 210 ngàn đồng/năm; bảo hiểm học sinh: 50 ngàn đồng; tổ chức hoạt động: 500 ngàn đồng/đồng phục).
Tương tự, phụ huynh trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn (Hà Nội) cũng nhận được thông báo về học phí năm học mới của trường là 2,2 triệu đồng/tháng, bán trú 1 triệu đồng/tháng, tiền ô tô đưa đón từ 1,1 triệu - 1,6 triệu đồng/tháng (tùy vào điểm đón tại bến hay tại nhà). Ngoài ra, phụ huynh còn phải đóng quỹ đầu tư và phát triển nhà trường 2 triệu đồng/năm, tham quan dã ngoại 300 ngàn đồng/năm, quỹ khuyến học 200 ngàn đồng/năm, quỹ hoạt động Sao - Đội 100 ngàn đồng/năm, chưa kể các khoản thu khác như đồng phục, gửi muộn, học năng khiếu...
Trường Tiểu học Brendon (Hà Nội) thậm chí còn quy định thu học phí theo từng học kỳ, phụ huynh phải thanh toán trong 10 ngày trước mỗi học kỳ. Như vậy, tính sơ sơ đầu năm học phụ huynh của trường này phải nộp gần 30 triệu đồng cho tất cả khoản thu, trong đó riêng học phí đã là 18 triệu đồng/học kỳ, tiền ăn: 5 triệu đồng/học kỳ; tiền xây dựng trường: 2 triệu đồng/năm học; phí đăng ký nhập học là 1 triệu đồng, tiền đồng phục: 750 ngàn đồng, xe đưa đón từ 650 ngàn đến 1,5 triệu đồng...; các chi phí khác: bảo hiểm, sách giáo khoa và phí tham quan dã ngoại.
Chị Tr.N, một phụ huynh có con học lớp 2 trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), cho rằng: “Không phải ai cho con vào học trường ngoài công lập cũng thuộc diện giàu có nên hình thức thu gộp khiến không ít người thấy không thoải mái. Lẽ ra, học phí, tiền ăn, tiền xe là nhà trường phải thu từng tháng, nếu có thu gộp thì cũng trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh chứ không thể đưa ra thành quy định bắt buộc”. Trong khi đó, tại dự thảo Hướng dẫn tăng cường quản lý thu chi trong các trường năm học 2011 - 2012, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu tất cả các khoản thu nhà trường phải thông báo công khai bằng văn bản tới từng cha mẹ HS. Đặc biệt, các trường không được thu gộp nhiều khoản vào đầu năm học.
Thay đổi đồng phục liên tục
Với quá nhiều chi phí cho con vào đầu năm học, nhiều phụ huynh tỏ ra bất bình với những quy định không đáng có của các trường khiến ngân sách không ít gia đình thêm eo hẹp.
Một phụ huynh tại TP.HCM tâm tư: “Năm nay, con tôi học lớp 11 trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM). Năm học này, hiệu trưởng thay đổi đồng phục HS. Điều này quá phí phạm và gây tốn kém cho phụ huynh.
Năm ngoái, HS nữ mặc áo sơ mi trắng, quần xanh đen, giày dép có quai sau. Qua một năm học, tính trung bình mỗi HS còn khoảng 3-4 cái khá tốt nhưng phải bỏ vì nhà trường bắt các em nữ mặc váy. Thêm nữa, nhà trường bán đồng phục với giá quá mắc. Đã vậy, trường còn bắt toàn bộ HS phải mang giày bata. Dự kiến 3 váy và 2 đôi giày phải mất từ 600 tới 700 ngàn đồng”.
Một HS lớp 12 trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) cho biết: "Năm nay trường thông báo bán 2 mẫu áo đồng phục mới với giá hơn 100 ngàn đồng/áo. Tùy điều kiện và sở thích, HS có thể chọn mua theo mẫu". Như vậy, trong trường tồn tại cùng một lúc 3 mẫu áo đồng phục bao gồm 2 mẫu áo mới và 1 mẫu áo cũ từ năm trước. Bà Võ Ngọc Thu - Trưởng phòng GD Q.5, nói: “Tôi nghĩ không nhất thiết phải bắt HS mua nhiều đồng phục để mặc các ngày trong tuần. Không nên rườm rà khiến phụ huynh thêm gánh nặng về tiền bạc".
Tùy theo bậc học, giá đồng phục dao động từ 150 - 250 ngàn đồng/bộ. Theo lời chị Phạm Ngọc Hương - phụ huynh HS lớp 1 tại Q.1 (TP.HCM): "Nếu so sánh với ngoài thị trường, chất liệu vải như vậy, có thể giá bộ đồng phục đó chỉ bằng một nửa". Về vấn đề này, ông Lý Văn Huệ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1), giải thích: "Giá đồng phục năm nay cao hơn năm trước khoảng 15% do giá nguyên liệu và nhân công đều tăng. Đồng phục trong trường bán cao hơn ngoài thị trường có nhiều lý do dù đều được may đồng loạt. Trước hết, các đơn vị may phải thực hiện theo mẫu thiết kế của trường. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, các thợ may phải chú ý đến các chi tiết, các phụ kiện và đặc biệt đường may đồng phục trong trường chắc chắn hơn những bộ đồng phục bán ở chợ".
Không được quy định mức đóng góp cụ thể “Bộ GD-ĐT đã có quy định, việc huy động và tiếp nhận các khoản đóng góp của xã hội cho các trường phải quán triệt nguyên tắc tự nguyện giữa hai bên. Nhà trường không được coi bất kỳ hình thức đóng góp nào như là một điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục và không được quy định mức đóng góp cụ thể để ép buộc đối với các đối tượng tham gia đóng góp. Đã là khoản thu mang tính chất tự nguyện mà lại áp đặt một mức thu nhất định và cào bằng đối với tất cả các đối tượng HS khác nhau trong một lớp học là chưa hoàn toàn đúng với tinh thần tự nguyện”. Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Có 4, 5 ý kiến không đồng ý thì không được thu “Đối với các khoản thu theo thỏa thuận năm nay, các trường tuyệt đối không được phép thu tiền bảo vệ, an ninh, trông xe, vệ sinh của HS; chi phí cho các khoản này trong nhà trường sẽ do ngân sách nhà nước đảm nhiệm. Đối với các khoản thu hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, ngân sách của TP hoàn toàn có thể đáp ứng được nhưng nếu phụ huynh có nhu cầu đóng góp thêm để lắp đặt máy điều hòa, tivi... thì nhà trường phải giám sát và chịu trách nhiệm về việc này. Nếu trong lớp có 4, 5 ý kiến không đồng ý thì nhà trường cũng không được thu”. Bà Nguyễn Ngọc Diệp Khắp nơi vào năm học mới Không tuyển đủ giáo viên. Tại hội nghị “Công tác chuẩn bị cho năm học mới 2011-2012” diễn ra trong tuần qua, nhiều lãnh đạo phòng giáo dục 24 quận huyện của TP.HCM cho biết: tình hình tuyển giáo viên (GV) ở các cơ sở gặp nhiều khó khăn và hầu hết đều không tuyển đủ. (M.Luân) Xây mới 73 phòng học, tu sửa hơn 200 phòng học, gần 250 điểm trường xây mới nhà vệ sinh. Ngành giáo dục chi 24 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học, tăng cường thiết bị các phòng thí nghiệm cho 4 trường THPT, đầu tư 4,4 tỉ đồng mua thiết bị dạy học cho các trường mầm non ở các xã khó khăn. (H.Cúc) Bỏ quy định thu tiền xây dựng trường học trái luật. Đó là Nghị quyết 8e/2003/NQ/HĐND4, ban hành ngày 27-1-2003, về việc quy định thu và đóng góp xây dựng trường học ở các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trên địa bàn Thừa Thiên - Huế vì trái với Luật Giáo dục năm 2005. Luật Giáo dục không quy định về nội dung đóng góp tiền xây dựng trường. Có 370 phòng học mới sẽ được đưa vào sử dụng trong năm học 2011 - 2012. |
Theo Thanh Niên