Một lớp có 43/57 học sinh đạt 20 điểm trở lên

Một lớp có 43/57 học sinh đạt 20 điểm trở lên
TPO - 43/57 học sinh lớp 12A2, trường THPT Quỳnh Lưu I (Nghệ An) thi vào các trường đại học như Học viện Quân y, Đại học Y Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Đại học Xây dựng... đạt 20 điểm trở lên, trong đó một em đỗ thủ khoa, á khoa hai trường.

Điểm thi ngất ngưởng

Nổi trội trong thành tích ấn tượng của lớp học này phải kể đến kết quả xuất sắc của Hoàng Xuân Tuấn Anh. Tuấn Anh đồng thời đạt thủ khoa Học viện Quân Y (29,5 điểm) và Á khoa đại học Y Hà Nội (29 điểm).

“Tuấn Anh là học sinh thông minh. Trong ba năm học THPT, Tuấn Anh luôn dẫn đầu lớp, kết quả này phản ánh đúng thành tích học tập của em ấy” – Cô Dương Thị Châu Lưu - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2 nhận xét.

Cô Lưu nhận định, lớp 12A2 có 57 học sinh, thì 47 em gần như chắc chắn đỗ đại học nguyện vọng một vì đạt điểm thi rất cao (vượt xa điểm chuẩn những năm trước đó của các trường dự thi), bảy em dự kiến đỗ nguyện vọng hai, chỉ có hai em nhiều khả năng không vượt qua điểm sàn, và một em thi cao đẳng, không thi đại học (chưa biết điểm thi).

Trong số những em đạt điểm cao vào Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, phải kể đến Phan Bá Tuấn (đạt 28 điểm), Nguyễn Nhật Quang (27 điểm). Phan Bá Tuấn cũng thi thêm Đại học Y Thái Bình, xuất sắc đạt 25 điểm, trong khi Nguyễn Nhật Quang đạt 24,5 điểm khi thi vào đại học Y Hà Nội.

Bên cạnh đó, một thành viên khác của “lớp học khủng” này là Lê Bá Khánh Chi, thi hai trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (được 28 điểm) và Đại học Y Hà Nội (26,5 điểm).

Không giống các bạn cùng lớp, dự thi vào nhiều trường để tăng cơ hội trúng tuyển, Mai Văn Duẩn chỉ thi vào trường Đại học Dược Hà Nội. Gần như Duẩn chắc một suất đỗ vào ngôi trường “tốp đầu” này với số điểm 28 ở ba môn thi.

Một nhân vật đáng chú ý khác của “thương hiệu 12A2” - Nguyễn Thái Cường - cũng chỉ thi Đại học Xây dựng Hà Nội và yên tâm với số điểm 27,5. Một bạn nữ trong lớp là Hoàng Thị Vân Trang cũng gần như chắc chắn đỗ Học Viện Tài Chính với 27 điểm.

Kinh nghiệm

Trao đổi về kinh nghiệm dạy học, cô Lưu cho hay, giáo viên cần chú ý đến khả năng học tập của từng học sinh, từ đó có phương pháp phân loại để có kế hoạch ôn tập riêng biệt, nhằm tạo điều kiện tối đa cho các em có năng lực phát huy khả năng, đồng thời vẫn đảm bảo các em học kém hơn tiếp thu hiệu quả bài giảng.

“Trên lớp, tôi thường chia bài tập thành phần cơ bản và nâng cao, sau đó để các em tự làm, kiểm tra kết quả, chấm điểm và giảng giải cho nhau. Như thế, các em ấy sẽ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”.

“Tôi cũng thường tìm các dạng bài tập và cấu trúc đề thi đại học, giao các em tự làm để thử sức và rút kinh nghiệm” - Cô Lưu chia sẻ.

Tuy nhiên, cô Lưu cho rằng, quan trọng nhất vẫn là tinh thần tự học và nỗ lực vươn lên của từng học sinh, cũng như khả năng tìm tòi, phát hiện những cái mới, độc đáo trong từng bài học.

Không chỉ dạy dỗ, thầy cô giáo còn làm chuyên gia tư vấn tâm lý cho không ít học sinh: “Đợt trước, chán nản vì thi trượt học sinh giỏi môn Toán năm lớp 12, em đã thất vọng và khóc rất nhiều. Các thầy cô giáo, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm và thầy Minh (dạy môn Toán) đã động viên, giúp đỡ rất nhiều để em tự tin trở lại và đạt được thành tích như ngày hôm nay” – Hoàng Xuân Tuấn Anh – học sinh xuất sắc nhất lớp 12A2 nói.

Trong lớp 12A2, hai em Nguyễn Nhật Quang và Mai Văn Duẩn có hoàn cảnh khó khăn hơn các em khác. Bố Mai Văn Duẩn nhiễm chất độc da cam, nhưng em vẫn vươn lên trong học tập và đạt 28 điểm khi thi vào Đại học Dược. Bố em Quang bị tai nạn lao động, nhưng Quang học rất tốt và gần nhưchắc chắn đỗ vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân với 27 điểm.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.