Ngành kinh tế đối ngoại học, làm gì?

Ngành kinh tế đối ngoại học, làm gì?
TPO - Mấy năm trở lại đây, nhiều thí sinh thi vào ngành kinh tế đối ngoại. Đây là một trong những ngành có điểm trúng tuyển cao nhất. Năm 2010, điểm chuẩn của ngành cao nhất lên tới 26 điểm, có trường thấp cũng phải 22,5 điểm.
Ngành kinh tế đối ngoại học, làm gì? ảnh 1

Các trường đào tạo ngành học này gồm Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại Thương cơ sở TPHCM, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc Gia Hà Nội...).

Theo các chuyên gia giáo dục, muốn học chuyên ngành này, trước hết cần chuẩn bị tốt về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Khoa Kinh tế đối ngoại là khoa cơ bản và chủ đạo của Đại học Ngoại Thương. Nếu học khoa này, sinh viên có thể chọn một trong năm ngoại ngữ: Tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật.

Chương trình tổng quan của chuyên ngành này hướng tới đào tạo các cán bộ Ngoại thương (xuất nhập khẩu). Tuy nhiên, kiến thức liên quan rất rộng: Tài chính quốc tế, Marketing quốc tế, Vận tải và bảo hiểm, Pháp luật trong hoạt động kinh doanh quốc tế, Thanh toán quốc tế, Thương mại điện tử, Chứng khoán, Kế toán, Hải Quan... Chính vì vậy, sinh viên học ngành này ra trường có thể làm rất nhiều việc như: Nhân viên Xuất nhập khẩu, ngân hàng, chứng khoán, trong các doanh nghiệp nước ngoài, văn phòng đại diện...

Học ngành Kinh tế đối ngoại, sinh viên được trang bị kiến thức chuyên sâu về thương mại quốc tế, quản lý thị trường ngoại hối và đầu tư quốc tế; có khả năng phân tích và đánh giá hiệu quả kinh doanh xuất nhập khẩu, sự biến động của tỷ giá hối đoái và đầu tư quốc tế; Xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách thương mại và dự án đầu tư trong, ngoài nước.

Giảng viên cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản và hệ thống về kinh tế quốc tế, gồm: Kinh tế học quốc tế, Thương mại và kinh doanh quốc tế, Tài chính quốc tế; kiến thức chuyên ngành, chuyên sâu trong các lĩnh vực trên.

Các kiến thức, tri thức kinh tế và kinh doanh hiện đại về khu vực và thế giới; Phương pháp luận khoa học để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường trong nước và quốc tế.

Về kỹ năng: Trang bị cho sinh viên các kỹ năng phân tích, đánh giá những vấn đề lý luận cơ bản trong lĩnh vực Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế; Kỹ năng tổng hợp, phân tích, đánh giá và xử lý các vấn đề thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam, khu vực và thế giới.

Kỹ năng nghiệp vụ: đàm phán quốc tế, giao dịch thương mại quốc tế, thanh toán quốc tế, tài chính quốc tế, vận tải bảo hiểm trong thương mại quốc tế, xây dựng, phân tích quản trị dự án…

Các kỹ năng mềm: tin học, ngoại ngữ, giao tiếp, lãnh đạo và quản lý, trình bày và kỹ năng làm việc nhóm, trong đó, kỹ năng ngoại ngữ đạt chuẩn chất lượng 4.0 IELTS.

Về năng lực: Sinh viên sau khi ra trường có thể trở thành cán bộ hoạch định chính sách hoặc cán bộ làm việc tại bộ phận Kinh tế Đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương (các Bộ, Ban, Ngành, Sở…)

Cán bộ giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo Đại học, Viện nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực Kinh tế, thương mại và tài chính quốc tế; cán bộ nghiên cứu, tư vấn tại các Viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước trong lĩnh vực Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế.

Ngoài ra, có thể là cán bộ quản lý, chuyên viên tại các doanh nghiệp (trong và ngoài nước) có liên quan đến các yếu tố quốc tế như xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư quốc tế, kinh doanh quốc tế…

Điểm chuẩn của ngành kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại thương năm 2010 là 26 điểm (khối A) và 23 điểm cho các khối từ D1 cho tới D6 và ĐH Ngoại thương cơ sở 2 là 24 điểm với khối A và 22 điểm (khối D).

Còn ĐH Kinh tế (ĐH QGHN) thì điểm trúng tuyển ngành kinh tế đối ngoại cũng cao. Khối A là 23,5 điểm; khối D1 là 22,5 điểm.

Theo Viết
MỚI - NÓNG