Không gian tâm lý thầy - trò

Giáo viên phải nắm bắt được tâm lý của học trò, qua đó quan tâm hơn đến giáo dục nhân cách
Giáo viên phải nắm bắt được tâm lý của học trò, qua đó quan tâm hơn đến giáo dục nhân cách
TP - Bài viết trên diễn đàn 'Bạo lực học đường: Nỗi lo không của riêng ai' với tiêu đề Giáo dục gia đình đã bị bỏ ngỏ , khẳng định giáo dục gia đình là nền tảng trong sự phát triển nhân cách. Tôi đồng ý với tác giả. Tuy nhiên, những vụ bạo lực học đường gần đây liên quan mối quan hệ giữa thầy và trò.
Giáo viên phải nắm bắt được tâm lý của học trò, qua đó quan tâm hơn đến giáo dục nhân cách
Giáo viên phải nắm bắt được tâm lý của học trò, qua đó quan tâm hơn đến giáo dục nhân cách . Ảnh: Hồng Vĩnh

Từ hiện tượng học sinh nhắn tin đe dọa, mang hung khí đến lớp, đánh thầy cô, rồi đến việc thầy cô đánh học sinh, học sinh đánh nhau…, phải chăng vấn đề đặt ra là giải quyết mối quan hệ thầy trò còn nhiều lỗ hổng và chưa được quan tâm đúng mức?

Học sinh phổ thông lứa tuổi vị thành niên mang những nét tâm lý riêng. Các em thích thể hiện mình, bồng bột, xốc nổi, kinh nghiệm cuộc sống ít... Nếu như giáo viên hiểu rõ và đi sâu đời sống tâm lý học trò thì sẽ hạn chế được bạo lực học đường.

Thực tế cho thấy, một số thầy cô giáo chưa làm tốt việc giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống cho người học, mà chú trọng kiến thức sách vở. Như GS, Viện sĩ Phạm Minh Hạc đã nói: “Chúng ta mới chú ý đến việc dạy chữ và một phần nào đó là dạy nghề, còn việc dạy làm người chưa được quan tâm thích đáng. Nhà trường cần thay đổi, các thầy cô giáo phải là tấm gương sáng về mặt đạo đức”.

Để làm tốt hơn vai trò của người thầy, nhà giáo dục, nhà tâm lý, người anh, người chị, người bạn chân thành của học sinh, theo chúng tôi, cần giải quyết tốt mối quan hệ thầy trò:

Đội ngũ thầy cô cần phải nắm vững tâm lý người học, đi sâu khám phá đời sống học trò để từ đó giáo viên biết được các em đang mong muốn gì? Có bức xúc nào chưa được giải quyết, cần sự cảm thông, chia sẻ...

Không tạo ra khoảng cách quá lớn giữa thầy và trò. Nếu như giáo viên tạo khoảng cách quá lớn, người học sẽ mang tâm lý sợ, thậm chí học trò còn tìm cách chống đối thầy cô. Vì vậy, cần phải rút ngắn khoảng cách, không tạo ra hàng rào tâm lý giữa thầy và trò.

Trong giờ học cũng như những thời gian nhàn rỗi, giáo viên nên gần gũi học sinh để thường xuyên động viên, chia sẻ, giải quyết khó khăn ở người học, giúp các em có thể bộc lộ tâm tư nguyện vọng và thực sự là điểm tựa tinh thần vững chắc giúp người học ở trạng thái cân bằng tâm lý.

Như vậy, thu hẹp khoảng cách giữa thầy trò, tạo ra bầu không khí tâm lý vui tươi thoải mái sẽ là một trong những liệu pháp quan trọng ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường hiện nay.

Nguyễn Văn Công - Vũ Thế Bình
Giáo viên tại Biên Hòa, Đồng Nai

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG