Mang đất Tổ ra Trường Sa

Mang đất Tổ ra Trường Sa
TP - Trong Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2013, nhiều đại biểu mang quà tặng ý nghĩa ra Trường Sa. Song có lẽ món quà đặc biệt nhất chính là những nắm đất đầy ý nghĩa từ đất Tổ Hùng Vương.

> Lễ chào cờ tại Trường Sa Lớn
> 'Biển này là của ta, đảo này là của ta'

Xin cho đủ “đất mẹ, đất cha” ra đảo

Các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa
Các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa.
 

Cuối tháng 4, khi biết thông tin tuổi trẻ Vĩnh Phúc có đại biểu tham dự hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2013, Bí thư Tỉnh Đoàn Trần Việt Cường cứ trăn trở mãi, làm sao để có một hành động ý nghĩa hướng về Trường Sa.

 “Đất này xin ở đền Hùng mang ra Trường Sa. Mình hy vọng sẽ có tác dụng giáo dục lòng yêu nước, yêu biển đảo cho thế hệ trẻ Vĩnh Phúc nói riêng và tuổi trẻ Việt Nam nói chung. Ngoài ra, những người thực hiện ý tưởng này hy vọng sẽ là một điềm lành, mang lại thuận lợi cho các chiến sỹ, nhân dân, ngư dân trên các đảo ở Trường Sa”. 

Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc
Trần Việt Cường

Đúng dịp này, phóng viên báo Tiền Phong có chuyến công tác lên Vĩnh Phúc. Sau khi trò chuyện, phóng viên chia sẻ ý tưởng muốn mang một nắm đất Tổ từ đền Hùng (Phú Thọ) ra Trường Sa. Ủng hộ việc làm ý nghĩa này, anh Cường mong muốn sẽ phối hợp với phóng viên báo Tiền Phong thực hiện ý tưởng. Đúng ngày giỗ Tổ, đích thân anh Cường lên đền Hùng thắp hương xin đất.

Không chỉ có thế, anh còn lên đền mẫu Tây Thiên để xin thêm cho đủ “đất mẹ, đất cha”.

“Đất này xin ở đền Hùng mang ra Trường Sa. Mình hy vọng sẽ có tác dụng giáo dục lòng yêu nước, yêu biển đảo cho thế hệ trẻ Vĩnh Phúc nói riêng và tuổi trẻ Việt Nam nói chung. Ngoài ra, những người thực hiện ý tưởng này hy vọng sẽ là một điềm lành, mang lại thuận lợi cho các chiến sỹ, nhân dân, ngư dân trên các đảo ở Trường Sa”, anh Cường nói.

Do bận công tác, anh Cường giao nhiệm vụ cho phó bí thư Nguyễn Mạnh Tuấn mang theo túi đất quý đi Trường Sa. Đến với đảo Trường Sa Lớn, sau khi làm lễ, anh Tuấn mời Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải trực tiếp rải những nắm đất Tổ xuống gốc tre đằng ngà được trồng trong khu nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đảo Trường Sa.

Trong chuyến đi, anh Tuấn cũng xin những lá cờ Tổ quốc đã từng treo trên các đảo ở Trường Sa về để trưng bày, giáo dục truyền thống cho lớp trẻ tỉnh Vĩnh Phúc.

“Trước đó, tuổi trẻ Vĩnh Phúc đã tặng hơn 1.000 lá cờ cho Trường Sa. Ở giữa biển, gió to, sóng lớn, chỉ vài ngày lại phải thay cờ một lần. Với những lá cờ đã bay nơi biển trời thiêng liêng này cùng những gì mình chứng kiến trong hành trình, hy vọng sẽ giúp các bạn trẻ hiểu thêm được về cuộc sống, sinh hoạt, lý tưởng sống của những chiến sĩ trẻ ở Trường Sa” - Anh Tuấn nói.

Phạm Triều Nghi, sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM mang tặng các khay trồng rau xanh cho các đảo chìm. Nghi cho biết, qua tìm hiểu, được biết ở các đảo chìm vẫn chưa có nhiều rau xanh.

Ở ba điểm đảo Đá Nam, Đá Thị, Cô Lin, Nghi và đồng nghiệp đều tặng 3 giàn trồng rau mầm, đồng thời hướng dẫn cách sử dụng. “Với công nghệ này, chỉ cần 7 – 9 ngày là có thể thu hoạch. Mỗi khay sẽ được khoảng hơn 1 kg rau xanh”, Nghi cho biết. Nghi cũng cung cấp cho mỗi đảo hơn 22kg hạt giống gồm các loại rau cải, rau hướng dương, mồng tơi, rau đay…

Phóng viên báo với sự hỗ trợ của Cty Hoàng Dương cũng đã trao tận tay các cư dân nhí trên đảo 40 bộ quần áo trẻ em.

Giữ biển đảo luôn tươi đẹp

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải gặp các cháu nhỏ trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Trường Phong
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải gặp các cháu nhỏ trên đảo Trường Sa Lớn.  Ảnh: Trường Phong.
 

Phút cuối chia tay nhà giàn DK11, Đoàn Hồng Trang, Cty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam lấy ra chai nước từ trong cặp tặng chiến sĩ trên nhà giàn.

“Em biết, chúng em đến thăm các anh, đã sử dụng của các anh nhiều nước ngọt. Em tặng các anh chai nước này, dù rất nhỏ thôi, nhưng hy vọng các anh hiểu được tấm lòng của chúng em. Em mong các anh có thật nhiều mưa để có nhiều nước ngọt sử dụng”, Trang nói trong xúc động. Nhiều đại biểu trong đoàn hành trình rưng rưng.

Trang kể, những lúc đến thăm các đảo chìm, Trang cũng mang theo một chai nước để không phải sử dụng nguồn nước dự trữ của các chiến sĩ trên đảo. “Khi ở đất liền, một cốc nước đối với mình ít ý nghĩa nhưng với các chiến sĩ ở đảo xa, ở nhà giàn, nước thực sự rất quý giá”, Trang tâm sự.

Trang kể, chỉ đi có vài ngày, mà những chàng trai, cô gái thành thị đã hiểu ra được nhiều điều. Lênh đênh trên biển, những người quen với cuộc sống đủ đầy trên đất liền sẽ có ánh mắt khác khi nhìn thấy một đĩa rau xanh, một trái dưa, một cốc nước mát…

Đỗ Thị Thanh Thanh, Học viện Ngoại giao Hà Nội cũng trưởng thành hơn sau chuyến đi. “Nếu cứ ở trong đất liền, chỉ qua hình ảnh thôi thì sẽ chẳng biết được đất nước mình rộng lớn, biển đảo mình tươi đẹp thế nào.

Và cũng chẳng hiểu được những người lính nơi hải đảo đang ngày đêm vượt qua mọi gian lao, thử thách để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”, Thanh nói.

Cô sinh viên Ngoại giao cho biết, sẽ kể những gì mình đã trải qua cho bạn bè, người thân, rồi viết những câu chuyện có thật lên trên các trang mạng xã hội, để tuyên truyền về biển đảo Trường Sa.

Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2013 mang tinh thần “Khát vọng thanh niên dựng xây đất nước”, là dịp để giáo dục lòng yêu nước, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo quốc gia, cổ vũ, động viên những khát vọng cao đẹp của tuổi trẻ.

Sau chương trình này, T.Ư Đoàn sẽ còn nhiều hoạt động hướng về biển, đảo quốc gia như cuộc thi Tìm hiểu về biển đảo quê hương, Học kỳ trên biển, Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương…Ngoài ra, T.Ư Đoàn cũng sẽ bảo trợ nhiều chương trình, hoạt động như Góp đá xây Trường Sa, Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi”…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.