Anh Cao Việt Anh và các em học sinh Háng Đồng. Ảnh: Cẩm Ky. |
Chuyến đi được thực hiện xuất phát từ một phóng sự trong chương trình Chào buổi sáng phát trên VTV1 nói về cuộc sống vô cùng thiếu thốn của các em học sinh trường Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Trong phóng sự, mấy em học sinh nội trú tự nấu cơm cho nhau ăn, cơm thì nấu bằng củi, nồi chẳng còn vung, vậy mà vẫn nấu được cơm. Không có gì ăn, các em phải tự bẫy chuột để cải thiện… Chương trình đã gây xúc động đối với khán giả trong và ngoài nước.
Nhiều khán giả là phụ huynh ở thành phố lấy phóng sự này làm tấm gương về tinh thần tự lập của trẻ em miền núi để dạy bảo con em mình. Rằng, các bạn khó khăn thế mà vẫn vươn lên để học tập, thịt không có mà ăn, phải đi bẫy chuột ăn...
Từ thành phố Munich, CHLB Đức, anh Cao Việt Anh kêu gọi cộng đồng người Việt tại thành phố anh sinh sống quyên góp để chung tay chia sẻ khó khăn với các em.
Ngay lập tức, lời kêu gọi trên facebook của anh nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn bè. Không chỉ những người Việt ở Munich, mà cả tại Berlin, rồi các doanh nghiệp, nhà báo trong nước đã hưởng ứng lời kêu gọi này.
Chỉ trong chưa đầy một tháng, nhóm đã quyên góp tiền bạc và vật chất để có thể mang tới cho 110 em học sinh nội trú trong trường mỗi em một chiếc chăn chiên, một chiếc áo ấm, một thùng mì tôm, một hộp pate, một hộp cá biển, một hộp thịt heo.
Ngoài ra, đoàn còn mang bánh kẹo, vở viết để trao tặng cho học sinh toàn trường (525 em) và quà tặng cho 41 thầy cô giáo như là món quà năm mới.
Dù số tiền và quần áo quyên góp được chưa nhiều, nhưng Việt Anh quyết tâm mang trao tặng tận tay các em những món quà này càng sớm càng tốt. Chiều 29 Tết, anh đã có mặt tại Hà Nội trong sự ngỡ ngàng của cha mẹ, để chuẩn bị cho chuyến mang quà tặng tới các cháu đúng vào ngày rằm tháng giêng.
Gian nan đường lên Háng Đồng
Trước khi tới Háng Đồng, tôi đã được thầy Đỗ Văn Tâm, hiệu trưởng trường tiểu học và THCS Háng Đồng cảnh báo: “Đường xấu lắm. Chỉ cần mưa một cái là ô tô, xe máy không vào được, chỉ còn cách đi bộ thôi. Các anh chị phải chuẩn bị tinh thần đi bộ 8 cây số”.
Đường lên Háng Đồng. Ảnh: Cẩm Ky. |
Đoàn chúng tôi đi 5 chiếc xe và được huyện ủy cho mượn hai chiếc xe UAZ để đề phòng xe không leo dốc được thì vứt xe ở lại rừng. Ngoài ra, chúng tôi còn được hai xe UAZ của cán bộ huyện đi tháp tùng.
Trời nắng đẹp, đường đi khá thuận lợi, dù xe liên tục vòng vèo để leo dốc. Càng lên cao, mây mù càng dày đặc, hầu như không nhìn thấy gì, chỉ thấy con đường phía trước ngày càng gập ghềnh và thắt lại.
Khi cách trường khoảng 8 cây số, gặp con dốc dựng đứng, ba chiếc xe không thể leo dốc, phải để lại giữa chừng. Chỉ có hai chiếc xe leo được. Các thành viên phải dồn lên hai chiếc xe UAZ dự phòng, số còn lại phải đi bằng xe máy.
Xe thì leo dốc, còn chúng tôi thì...đứng tim. Người lái chiếc xe phải để lại giữa lưng chừng núi, nay được ngồi phía sau tay lái, cứ chốc chốc lại kêu toáng lên mỗi khi xe vượt dốc.
Về sau, chúng tôi thường trêu Cường, tên người lái xe là cậu “Ối giời ơi”. Cậu ta phân bua: “ Lúc mình lái đã thấy khiếp rồi. Khi ngồi ở ghế sau mới có thời gian ngắm cảnh: xe và vực cách nhau gang tấc, khiếp quá”.
Háng Đồng là một xã thuộc huyện Bắc Yên, nằm cách trung tâm thành phố Sơn La hơn 100km về hướng Đông, độ cao trung bình so với mặt biển là 1.000m, địa hình chia cắt, nhiều núi cao, khe sâu, độ dốc lớn. Xã vùng cao Háng Đồng có 4 bản với 100% số hộ là người dân tộc Mông. Bản xa trung tâm nhất phải mất 6 tiếng đi bộ. Háng Đồng là một trong những xã nghèo nhất Việt Nam. |
Ban đầu, mọi người còn cố cười nói cho quên cái sợ. Sau rồi, sợ quá, chả ai nói nổi câu gì. Anh lái xe phải động viên: “Yên tâm, cứ nói chuyện thoải mái đi”.
Con dốc cuối. Xe hết lắc bên nọ, lại lắc bên kia. Miệng vực kề bên. Xe lên dốc được một đoạn, bỗng trôi xuống, may mà khựng lại được. Chúng tôi kinh hãi, xin được xuống đi bộ.
Anh lái xe, vốn dày dạn kinh nghiệm leo dốc núi, quát: “Cứ ngồi im”. Mãi đến khi chiếc xe không leo được nữa, anh mới đồng ý cho cả đoàn xuống đi bộ. Chúng tôi mừng rú nhảy bổ xuống đi bộ. Dù cuốc bộ leo núi bở hơi tai, nhưng thấy yên tâm hơn ngồi trên chiếc xe đang lắc lư bên miệng vực.
Từ xa, chúng tôi thấy, một chiếc xe trong đoàn đi sau, một phần bánh xe đó đã chìa ra ngoài, chơ vơ bên vách núi. Rất may, cả đoàn đã lên được tới Háng Đồng an toàn vào lúc 14 giờ, chậm hơn ba tiếng so với dự định.
Cô phóng viên đài phát thanh, truyền hình huyện Bắc Yên Hà Thị Huyền tâm sự: “Hôm nay trời nắng là thuận lợi nhiều đấy. Có đợt em và một đồng nghiệp đi dự lễ tết năm mới của người Mông, tối về trời mưa, xe máy cũng không đi nổi, hai đứa em vừa đi vừa khóc trong rừng”.
Khi về, chúng tôi không dám đi đường cũ, mà chọn đường xa hơn, nhưng dốc thoải hơn. Quả thật, khi trở lại thị trấn Bắc Yên, chúng tôi mới tin mình vẫn còn sống.
Thầy Tâm hiệu trưởng khoe: Trường Háng Đồng là trường cuối cùng của tỉnh Sơn La mới được công nhận phổ cập tiểu học vào năm 2010. Trước đây, các em đi học lẻ tẻ. Cứ vào đầu năm học, các thầy cô giáo lại lặn lội vào bản để vận động bà con cho con em đi học.
Kể từ khi cây thuốc phiện bị xóa sổ khỏi Háng Đồng, người dân xã nghèo nhất đất nước này đã bớt cơ cực, họ cũng ý thức dần về lợi ích của việc cho con đến trường.
Thịt chuột là đặc sản
Không cổng, không biển hiệu, Trường tiểu học và THCS Háng Đồng nằm chơ vơ trên núi. Tối, chúng tôi tổ chức Đón rằm tháng giêng với các em, bầu trời trong xanh, và trăng sáng vằng vặc. Thầy Tâm hiệu trưởng phải thốt lên: “Ô, lạ nhỉ. Ở đây chưa bao giờ trăng sáng thế này. Chưa bao giờ không có mù như thế này”.
Các em học sinh vùng cao ban đầu có phần e dè, nhút nhát. Nhưng khi đã quen rồi, rất hào hứng, hồ hởi. Vừa đến nơi, các bạn trẻ trong đoàn đã bày trò chơi cho các em.
Biết có đoàn tới thăm, các em ở cách đó mấy chục cây số, cũng lặn lội tới tham gia, dù trời tối. Ở đây, khi hỏi đường, không nên hỏi bao xa, mà chỉ nên hỏi là đi bộ mất mấy tiếng.
Thầy Tâm, hiệu trưởng cho biết, có những em nhà cách đây hơn 30 cây số, phải đi bộ mất nửa ngày mới tới. Những em nhà xa được ở nội trú, cuối tuần được về nhà lấy gạo và đồ ăn mang lên trường.
Bọn trẻ trèo đèo, lội suối đến lớp. Ảnh: kiều minh. |
Quen với điều kiện khắc nghiệt, những đứa trẻ ở đây có tính tự lập từ nhỏ. Trẻ 6,7 tuổi đã phải sống nội trú, tự nấu ăn, giặt giũ. 7 giờ sáng vào học, nhưng từ 6 giờ 30 phút, tôi đã thấy lũ trẻ í ới rủ nhau xuống lớp.
Trường có một lớp mầm non cho những cháu nhà ở bản gần. 7 giờ kém, các cháu xúng xính áo quần tự chạy bộ vào, không thấy ông bố, bà mẹ nào bế con tới lớp cả.
Chúng tôi áo len, áo khoác, khăn mũ sùm sụp mà vẫn thấy lạnh. Bọn trẻ 6,7 tuổi vẫn chỉ mong manh áo sơ mi và áo khoác mỏng tới lớp, chân đi dép lê, không tất, không mũ mão.
Lúc tặng áo ấm cho các cháu học sinh nội trú, tôi để ý thấy, có cháu vẫn độc chiếc áo sơ mi. Lúc tôi mặc áo cho một cháu, thấy cháu rùng mình vì lạnh, vậy mà tôi hỏi có rét không, cháu vẫn lắc đầu.
Đoàn chúng tôi quyên tặng mỗi cháu một thùng mì tôm. Vậy ra, mỗi cháu ít nhất cũng không bị đói 30 bữa. Mỗi cháu được tặng một hộp thịt heo, một hộp cá hộp, một hộp pate để các cháu thêm chất đạm cho bữa ăn.
Nói về món thịt chuột, một cán bộ huyện ủy cho biết: “Chuột ở đây là chuột núi, chuột đá, là đặc sản của núi rừng. Chuột ở đây còn đắt hơn cả thịt lợn, thịt dê đấy. Chuột toàn ăn ngô, nên thịt thơm và ngon lắm. Không phải giống chuột như ở dưới xuôi đâu. Cứ đến vụ thu hoạch ngô tầm tháng 9- 10 là chuột nhiều và ngon nhất. Chuột ở đây cũng hiếm, ai may mắn mới bắt được. Và khi bắt được nó coi như được bữa cải thiện sang trọng”.
Còn thầy Tâm hiệu trưởng cho biết thêm, các thầy không bao giờ bẫy được chuột vì không có kinh nghiệm. Chỉ có học sinh vốn theo cha mẹ đi bắt chuột từ nhỏ, mới bắt được. Thỉnh thoảng, các em cũng biếu thầy một con chuột bẫy được để thầy biết hương vị đặc sản của vùng núi cao này.