Lời cảm ơn từ một gia đình bệnh nhân đặc biệt

Mặc dù chưa đi được, song anh Hội đã giao tiếp, nói cười rất vui vẻ với mọi người
Mặc dù chưa đi được, song anh Hội đã giao tiếp, nói cười rất vui vẻ với mọi người
TP - Cách đây hơn một năm, anh Nguyễn Văn Hội, 50 tuổi, ở khu 4 phường Hà Trung, TP Hạ Long (Quảng Ninh) không may bị tai nạn, chấn thương sọ não.

> Câu chuyện Lục Vân Tiên rởm và Anh hùng vô danh

Sau hơn 40 ngày điều trị tại bệnh viện, anh Hội trải qua 2 lần mổ não. Sau hai lần mổ, anh bị liệt nửa người bên trái, sức khỏe giảm sút, giao tiếp khó khăn.

Đặc biệt, một phần hộp sọ của anh phải gửi nuôi dưỡng tại Trường Đại học Y Hà Nội, chờ vết mổ ổn định mới lắp lại được. Để có tiền chạy chữa cho chồng, chị Lê Thị Quý (vợ anh) bán hết đồ đạc trong nhà, vay mượn khắp nơi.

Cũng vì chưa đủ tiền nên 2 lần bác sỹ gọi đưa anh Hội đến bệnh viện để lắp lại phần hộp sọ, nhưng chị Quý đều xin khất đến dịp khác.

Ngày 8-10 vừa qua, anh Hội kêu đau đầu, người mệt, không ăn uống được. Chị Quý cùng gia đình đã đưa anh đến khám tại Khoa Chấn thương, Chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh).

Tại đây, anh Hội được các bác sỹ kết luận là bị giãn não thất, tăng áp lực nội sọ, phải mổ cấp cứu ngay, nếu chậm trễ sẽ nguy hiểm tính mạng. Kíp mổ do bác sỹ Nguyễn Trọng Diện, Phó trưởng khoa Chấn thương, Chỉnh hình mổ chính đã làm việc với tinh thần tận tụy, trách nhiệm cao.

Các bác sỹ đã phẫu thuật, hút hết dịch ở phần não của anh Hội, đặt một ống dẫn lưu từ não xuống thành bụng, sau đó lắp ghép phần hộp sọ còn lại.

Cái khó của ca mổ là phải hợp đồng hết sức chặt chẽ về thời gian để đưa phần hộp sọ của anh Hội từ Trường Đại học Y Hà Nội về lắp ghép kịp thời.

Nếu không khớp thì phần hộp sọ đó sẽ bị hoại tử, vì ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh hiện nay chưa đủ điều kiện nuôi sống phần hộp sọ ở ngoài. Với trình độ chuyên môn giỏi và tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ y, bác sỹ; sau gần 3 tiếng, ca mổ thành công tốt đẹp.

Sau mổ, anh Hội được các y, bác sỹ ở đây chăm sóc tận tình và chu đáo. Đặc biệt là bác sỹ Diện (người trực tiếp mổ cho anh Hội), ngày nào cũng đến, không chỉ thăm khám kê đơn cấp thuốc mà còn ân cần quan tâm, động viên giúp anh Hội nhanh hồi phục. Sau hơn 2 tuần điều trị, anh Hội được ra viện, về nhà trong tình trạng sức khỏe tốt.

Để cảm ơn tấm lòng các y, bác sỹ tận tâm với chồng mình, chị Quý có nhã ý gửi món quà đến bác sỹ Diện cùng kíp mổ, nhưng bác sỹ Diện kiên quyết từ chối.

Với nụ cười ấm áp, bác sỹ Diện nói với chị Quý: “Hoàn cảnh anh chị còn khó khăn, chị cầm số tiền này về thuốc thang, bồi dưỡng cho anh. Còn em và mọi người ở đây đều có sức khỏe, lại được Nhà nước trả lương theo chế độ, chị không phải chu đáo và cẩn thận như vậy...”.

Trước khi viết bài này, tôi (người nhà của anh Hội) đã liên lạc trực tiếp xin ý kiến bác sỹ Diện. Đáp lời tôi, bác sỹ Diện khiêm tốn: “Chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân là trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi luôn coi mỗi bệnh nhân là một người thân trong gia đình mình, nên việc làm đó là hết sức bình thường, không có gì đặc biệt cả...”.

Qua Diễn đàn SỐNG ĐẸP của báo Tiền Phong, gia đình chị Quý, anh Hội xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến bác sỹ Nguyễn Trọng Diện và các y, bác sỹ Khoa Chấn thương, Chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh).

Gửi lời cảm ơn đến Ban Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã có công giáo dục, đào tạo được những y, bác sỹ có trình độ chuyên môn cao, hết lòng vì người bệnh, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”, được nhân dân tin cậy, yêu mến.

Cao Thanh Đông
HT: 3KC - 890. Hà Lầm, Hạ Long, Quảng Ninh

Nhớ cô Thương

Đọc diễn đàn SỐNG ĐẸP tôi cảm phục những nghĩa cử cao đẹp nhưng rất đỗi bình dị. Cuộc sống mọi ngõ ngách thật làm điều tốt đẹp. Tối về tôi thao thức nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu, nhớ cô Thương hàng xóm, người mà anh em tôi quý như mẹ!

Khi tôi 7 tuổi, em trai gần một tuổi. Mẹ tôi làm công nhân, hai anh em ở nhà chăm sóc nhau. Mẹ đi đến tối mịt mới về, em tôi ngày nào cũng đói sữa, khóc lạc cả giọng. Tôi đành bế em chạy sang nhà cô Thương vừa sinh con mấy tháng nhờ cô cho em bú. Cô vui vẻ nhận lời.

Thằng cu Tí em tôi nó làm mấy hơi xẹp cả hai bầu sữa cô Thương. No say nó lại chơi rất ngoan. Cô Thương nói đùa: “Thằng Tí bú hết sữa của cô rồi”.

Từ đó, hằng ngày cứ mỗi lần Tí khóc là tôi bế nó sang nhà cô Thương. Cô vui vẻ, ân cần và dặn: “Khi nào em khóc cháu cứ bế qua đây. Đừng để em đói quá nhé”. Từ ngày cô Thương cho Tí bú nhờ, mẹ tôi yên tâm đi làm.

Thời gian trôi chúng tôi lớn khôn. Ngày tôi đi học xa nhà, thằng Tí đã học lớp 12. Tôi đưa nó sang nhà cô Thương chơi. Tôi nói: “Sau này dù em đi đâu, làm gì cũng nhớ về quê, nhớ ngày xưa em lớn lên nhờ một phần sữa của cô Thương nhé”. Cô Thương vừa rót nước vừa ngượng ngùng, nói: “Cháu nói thế Tí lại ngại. Cứ học hành cho giỏi, sau này làm rạng rỡ xóm làng là cô vui rồi”.

Tôi giờ là cán bộ nhà nước, em tôi chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Mỗi lần về quê, vừa đặt ba lô xuống là mẹ bảo: “Sang chào cô Thương đã nhé”. Chúng tôi lại ríu rít chạy sang nhà cô, như ngày xưa còn bé. Cô rất vui khi thấy hai chúng tôi!

Qua rồi thời nghèo khó, nhưng kỷ niệm về những ngày đó thật đẹp. Cô Thương- người phụ nữ thôn quê đã chia sẻ bầu sữa của mình giúp em tôi qua cơn đói. Cô sẽ không nghĩ đó là hành động gì to tát nhưng anh em chúng tôi phải nhớ đó là hành động đẹp nhất của một người phụ nữ. Mỗi lần ngồi với nhau, anh em tôi ôn lại kỷ niệm và biết ơn cô Thương.

Nguyễn Quỳnh
nguyentranquynh39@yahoo.com

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tuyển futsal nữ Việt Nam hủy diệt Indonesia
Tuyển futsal nữ Việt Nam hủy diệt Indonesia
TPO - Đã không có bất ngờ nào trong trận đấu giữa tuyển nữ futsal Việt Nam và Indonesia. Với trình độ vượt trội, các học trò của HLV Trần Đình Hoàng khiến đối thủ tối tăm mặt mũi và ra về với chiến thắng 5-0.