Thanh niên Canada ba cùng ở bản Mường

TNV tham gia gặt lúa cùng người dân
TNV tham gia gặt lúa cùng người dân
TP - Nhiều thanh niên Canada lần đầu tiên đến Việt Nam với nhiều bỡ ngỡ, nhưng sau một thời gian, các bạn đã hòa nhập cùng cuộc sống người dân xã Yên Mông (thành phố Hòa Bình). Nhiều bạn đã có thể giao tiếp bằng tiếng Việt.

> Trí thức trẻ Sơn La học làm phó chủ tịch xã

TNV tham gia gặt lúa cùng người dân
TNV tham gia gặt lúa cùng người dân.
 

Sau hơn hai tháng hòa mình vào cuộc sống người dân xã Yên Mông, Sophie Gariepy diễn đạt được khá nhiều vấn đề bằng tiếng Việt. Sophie chia sẻ, thích nhất là được cùng gia đình bố mẹ nuôi tham gia những sinh hoạt thường nhật như đi chợ, nấu cơm, cùng dạy học với các cháu nhỏ.

“Đó thật sự là không khí của một gia đình”, Sophie nói. 18 tuổi, lần đầu tiên xa nhà đến một đất nước cách Canada nửa vòng trái đất, lắm lúc cô rất nhớ nhà. Tuy nhiên, những hoạt động tình nguyện vui và ý nghĩa đã khiến Sophie Gariepy thấy thời gian trôi nhanh. Trong những email gửi về cho gia đình, Sophie kể những trải nghiệm lần đầu tiên làm nông dân như thế nào, đồ ăn VN ra sao.

Sophie cho biết, cô đặc biệt ấn tượng với những nông dân Việt Nam, bởi họ rất thân thiện. “Dù không biết tiếng Anh để giao tiếp nhưng cứ nhìn thấy bóng dáng tình nguyện viên (TNV) áo xanh từ xa họ đã nở nụ cười thân thiện và ngỏ ý giúp đỡ hay mời về nhà chơi cho biết nhà”, Sophie nói.

Đến Việt Nam, các TNV được sống chung với một gia đình nông dân ở xã nghèo cùng với một người bạn đồng hành Việt Nam. Một ngày tình nguyện được bắt đầu từ 8 giờ sáng. Họ ở rải rác cùng các hộ dân cách nhau cả km nên điểm hẹn là nhà văn hóa xã. Hình ảnh quen thuộc với người dân xã Yên Mông hơn 2 tháng qua chính là hình ảnh các TNV chở nhau bằng xe đạp đi hoạt động tình nguyện khắp đường làng, ngõ xóm.

Họ tham gia nhiều hoạt động như: Truyền thông nâng cao kiến thức về bạo lực gia đình, bình đẳng giới, bạo lực học đường, HIV/AIDS, tình dục an toàn...; giúp đỡ hộ nghèo, gia đình chính sách xây nhà, thu hoạch lúa, trồng cây; dạy tiếng Anh cho học sinh cấp 1, 2; tổ chức trung thu và nhiều hoạt động cho thanh thiếu nhi...

Truyền thông về bạo lực gia đình cho người dân Ảnh : N.H
Truyền thông về bạo lực gia đình cho người dân. Ảnh : N.H.
 

Trưởng thành hơn

Ba cùng với người dân trong điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn nhưng các TNV không ai tỏ ra e ngại. Philip Kendini được bố mẹ nuôi khen chăm chỉ. Kết thúc các hoạt động tình nguyện ở ngoài, về nhà Philip lại giúp bố mẹ những công việc vặt trong gia đình như quét nhà, đun bếp…

Bên cạnh các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, các TNV Việt Nam cũng có nhiều hoạt động thuyết trình, nhằm giới thiệu cho các bạn Canada về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam cũng như những nét độc đáo trong văn hóa dân tộc Mường.

Khác với hình ảnh ngày đầu đến Việt Nam, Oliver Madore dường như trưởng thành hơn qua bộ trang phục công sở và cách nói chuyện. Oliver cho biết, có lẽ hoạt động nhớ nhất chính là được xuống ruộng gặt lúa. Nhờ sự hướng dẫn của người dân, em và các tình nguyện viên khác khá khéo léo khi cầm liềm cắt và bó lúa.

“Công việc khá vất vả, và bây giờ thì em hiểu vì sao hình ảnh phụ nữ Việt Nam lại được ví là khéo léo, cần cù”, Oliver nói. Oliver cũng chính là tình nguyện viên giỏi tiếng Việt nhất. Từ ngày đầu tiên đặt chân đến Yên Mông, Oliver đã liên tục học hỏi những câu tiếng Việt đơn giản. Trong khi các tình nguyện viên khác nói những câu như: Mời ăn cơm, xin đôi đũa, xin lỗi, cảm ơn… thì chàng trai trẻ tuổi nhất đoàn TNV đã rất lém lỉnh trêu phóng viên: “Nhớ em như nhớ thuốc lào”…

Lê Thị Hà, TNV Việt Nam đồng hành cùng các TNV Canada từ những ngày đầu chia sẻ, về một địa phương nghèo triển khai nhiều hoạt động để nhận thấy sự thay đổi rõ rệt kết quả tình nguyện là phương pháp hay. Các TNV vì thế gắn bó hơn với con người, địa phương nơi mình tình nguyện.

Chương trình tình nguyện kéo dài 6 tháng, trong đó 3 tháng các tình nguyện viên cùng tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức của người dân tại 1 xã của Việt Nam. Sau đó, các TNV Việt Nam – Canada sẽ cùng trở về Canada tiếp tục chương trình tình nguyện. Đến Việt Nam hầu hết các tình nguyện viên có tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 16 đến 20.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG