Trăm kiểu vòi tiền

Sinh viên mỹ thuật đi làm thêm
Sinh viên mỹ thuật đi làm thêm
TP - Để có tiền, không ít bạn trẻ tìm mọi cách vòi tiền cha mẹ, chi tiêu hoang phí khiến người lớn phải giật mình.

> Người trẻ nghĩ về tiền
> Chọn 'Thư gửi mẹ' làm nội dung sinh hoạt trong trường học
> Tác giả bài văn xúc động - cậu học trò giàu tự trọng

Sinh viên mỹ thuật đi làm thêm
Sinh viên mỹ thuật đi làm thêm.
 

Điện thoại xịn, mặc đồ hiệu, đi xe ga đắt tiền… dường như trở thành thước đo đẳng cấp của không ít bạn trẻ. V.H.N (Cầu Giấy, Hà Nội) nhan sắc trung bình, không có tài ca hát hay diễn xuất, nhưng tiệc tùng hay sự kiện lớn nhỏ đều có mặt.

Lý do duy nhất để cô nổi tiếng là số đồ hiệu khoác trên người, chỉ riêng chiếc thắt lưng cũng tính bằng nghìn đô. V.H.N. không có việc làm, nhưng lấy đâu ra tiền để chi trả cho những món đồ đắt đỏ thì hầu như ai quen cô cũng biết. Hết cách vòi tiền bố mẹ, V.H.N. quay sang cặp với đại gia.

Bịa ra các khoản đóng góp để vòi tiền bố mẹ, dường như M. (sinh viên một trường Cao đẳng ở Hà Nội) không để tâm rằng bố phải dậy sớm khuân vác tại chợ gốm sứ, mẹ bán nước trên cầu Long Biên. Từ ngày nhập học, M. chỉ quan tâm đến những mẫu quần áo đang thịnh hành. Gần đây nhất, muốn mua được Ipad 2, M. đã bán luôn xe máy. Cô mếu máo với bố mẹ bị kẻ gian trộm xe. Bạn của M. vì quá bức xúc đã nói thật với bố M. khiến ông bàng hoàng.

Đ.D học sinh lớp 11 một trường dân lập tại Hà Nội xin bố 300 ngàn đồng mua quà cho gia sư dịp 20 - 11. Ông bố mừng thầm vì cậu con trai xưa nay chẳng quan tâm đến ai, giờ đã thay đổi. Khi vừa trở về nhà, vợ và mẹ ông đồng loạt kể, cậu ấm cũng xin họ số tiền trên để mua quà tặng gia sư. Cả nhà điếng người khi biết cậu mang cả triệu đồng đi karaoke ôm(!)

Tác quái nơi trường lớp

H.Tr. (ở đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) kể có cô em gái học lớp 10. Em gái H.Tr. học giỏi trong tốp đầu của lớp, nhưng H.Tr. thường xuyên phải làm hộ bài tập các môn, thậm chí bài kiểm tra văn cho em. Thấy lạ, H.Tr. bắt em giải thích, cô em toe toét: “Chị vừa giúp em kiếm 50 nghìn mỗi bài đấy. Em nhận làm hộ cho mấy đứa con nhà giàu, nhưng học dốt, ham chơi. Chúng chẳng thiếu và cũng chẳng tiếc tiền thuê những đứa như em làm bài”.

Em gái H.Tr. cho biết thêm, đợt đầu năm lớp bầu lớp trưởng, có cô nương con đại gia chi 20 nghìn đồng cho mỗi phiếu bầu của các bạn trong lớp. Chưa hết, nhóm nhận tiền để bỏ phiếu cho cô ra điều kiện nếu trúng cử, cô phải bao chuyến picnic cuối tuần. Nhóm học sinh giỏi trong lớp biết chuyện liền thưa cô giáo chủ nhiệm can thiệp mới tránh được chuyện "mua chức".

M.H., cựu sinh viên THPT L.T.K (Hà Nội) từng chứng kiến một học sinh cùng lớp phát cho mỗi bạn trong nhóm 50 nghìn đồng để khao xe mới và khoe sự giàu có của gia đình. Không chịu thua kém, một thiếu gia lập tức rút tập tiền toàn tờ 100 nghìn tung lên cao và không bận tâm khi nó rơi xuống. Sau đó cậu chia đều cho cả lớp 50 học sinh khiến cả khối xôn xao thời gian dài.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn (Trưởng bộ môn Tâm lý, ĐH Sư phạm TPHCM) cho rằng việc nhiều bạn trẻ dùng mọi cách để vòi tiền cha mẹ, tiêu pha hoang phí phần lớn là do gia đình chưa quan tâm sát sao, dạy bảo các em ý nghĩa, giá trị của đồng tiền.

Bên cạnh đó, với nhiều cha mẹ mải lao vào làm kinh tế, kiếm tiền quá dễ cũng khiến trẻ coi thường giá trị sức lao động, a dua theo thói hoang phí, dùng tiền thỏa mãn thú vui ích kỷ của bản thân.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG