Điểm đến của tàu không số

Điểm đến của tàu không số
TP - Các bến bãi là điểm đến của tàu không số vận chuyển vũ khí, hàng hoá chi viện cho chiến trường miền Nam đã đi vào lịch sử với cái tên đường Hồ Chí Minh trên biển.

Người anh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm
> Chuyện kể 'huyền thoại biển'

Sau các chuyến đi trinh sát thành công của Đoàn 759 (Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), đêm 11-10-1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) đi Cà Mau do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng cùng 11 thuỷ thủ. Sau 8 ngày đêm trên biển, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc được tiếp nhận an toàn, đường biển nối liền hai miền thành hiện thực. Ba chuyến tiếp theo tiếp tục vượt biển vào bến Vàm Lũng. Ngày nay, tượng đài chiến thắng đường Hồ Chí Minh trên biển, nhà trưng bày truyền thống lịch sử ngay bến Vàm Lũng là điểm tham quan thu hút du khách.

Đích đến tiếp theo của tàu không số là bến Trà Vinh. Ngày 17-3-1963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên do đồng chí Đinh Đạt làm thuyền trưởng chở 44 tấn vũ khí vào bến Trà Vinh an toàn. Chỉ trong vòng 1 năm với 6 tàu vỏ sắt, Đoàn 759 đã thực hiện được 29 chuyến hàng vào Nam, vận chuyển 1.430 tấn vũ khí. Phát huy kết quả vận chuyển đường biển, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Khu VII mở bến đón tàu từ miền Bắc vào thẳng miền Đông Nam Bộ.

Đoàn 759 được lệnh chuẩn bị một tàu chở vũ khí đột phá mở đường mới vào bến Bà Rịa. Đêm 26-9-1963, tàu gỗ mang mật số 41 do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng xuất phát từ cảng Bính Động (Hải Phòng). Tàu đi trong mưa bão, lúc vào bến tàu bị mắc cạn ở đồn Phước Hải của địch đúng lúc chúng đang càn quét. Thuyền trưởng và các thuỷ thủ trên tàu hạ quyết tâm không phá huỷ tàu vì chưa bị lộ. Bằng sự bình tĩnh, gan dạ và linh hoạt trong xử lý tình huống, đoàn đã giữ được bí mật về con đường và mở bến chi viện vũ khí cho Khu VII thành công.

Cuối năm 1964, Bộ Tổng tư lệnh quyết định giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu mở rộng bến bãi đón tàu. Ngoài bến Vũng Rô (Phú Yên) đã có, các bến Lộ Diêu (Bình Định), Đạm Thuỷ (Quảng Ngãi), Bình Đào (Quảng Nam) được chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận hàng.

Ngày 1-11-1964, tàu mật số 401 cập bến Lộ Diêu giao hàng nhưng bị mắc cạn, phải mạo hiểm lấy hàng vào ban ngày. Tàu bị hỏng nặng không thể khắc phục, phải đốt tàu để xoá dấu vết. Tình hình tàu 401 mở bến Lộ Diêu được báo cáo lên trên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị không sử dụng bến Lộ Diêu nữa mà tìm cách đưa hàng vào bến mới Phú Yên. Sau đó bến Vũng Rô được chọn làm điểm giao hàng cho chiến trường Phú Yên.

Công việc vận chuyển trên đường biển đang thuận lợi thì xảy ra sự kiện tàu mật số 143 bị lộ ở Vũng Rô. Ngày 16-2-1965, sau khi bốc dỡ hàng, tàu quay ra thì tời neo bị hỏng, buộc phải ngụy trang ở lại bến, nhưng bị địch phát hiện. Trong trận đấu không cân sức, một số thuỷ thủ và bộ đội địa phương hy sinh, ta mất một số vũ khí chưa kịp cất giấu, đường vận chuyển chiến lược trên biển không còn giữ được bí mật.

Sau sự kiện này, Quân ủy T.Ư quyết định tạm ngừng vận chuyển bằng đường biển vào miền Nam, đến 29-11-1964, Đoàn tàu không số tiếp tục hoạt động.

Vượt qua thử thách ác liệt, Đoàn 759 khắc phục khó khăn tiếp tục chi viện cho chiến trường giai đoạn II.

Từ năm 1961 đến 1972, Đoàn 759 tổ chức gần 600 chuyến tàu, vận chuyển gần 33.000 tấn hàng hóa, vũ khí các loại, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam. Giai đoạn 1962-1964, tàu không số cập bến Bạc Liêu (Cà Mau) 43 lần, Bến Tre 17 lần, Trà Vinh 14 lần, Bà Rịa 2 lần, Phú Yên 2 lần, Bình Định 1 lần.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG