Học cách xài tiền thông minh

Học cách xài tiền thông minh
Nhiều người lúc nào cũng than bị “viêm màng túi” dù có khả năng kiếm được nhiều tiền.

“Tự thú của tín đồ mua sắm”

H.M chẳng bao giờ thừa nhận mình là người nghiện mua sắm. Nhưng những gì cô thể hiện lại trái ngược. H.M từng tuyên bố không biết bao nhiêu lần với bạn bè là: “Tháng này mình sẽ không sắm sửa gì thêm bất cứ thứ gì!”. Vậy mà đến kỳ lãnh lương, lại thấy H.M lỉnh khỉnh hàng túi ny-lon đựng quần áo, giày dép, túi xách... Riết rồi mấy người bạn phải lần lượt từ giã H.M ra sống riêng, vì sợ có ngày căn phòng trọ sẽ không còn chỗ để ngủ.

Ông Quách Tuấn Khanh - diễn giả thường xuyên tư vấn về cách làm giàu cho bạn trẻ, đã phân tích: “Có những người kiếm được nhiều tiền nhưng xài cũng rất nhiều và bị cuốn theo xu hướng tiêu dùng rất mãnh liệt”. Ông Khanh đưa ra dẫn chứng khác về thói quen tiêu xài: Dịp cuối năm, người lao động thường được hưởng tháng lương thứ 13 cùng một số khoản thưởng khác. Thay vì dành dụm tiết kiệm hay đầu tư sinh lời, nhiều người lại tổ chức các cuộc liên hoan, nhậu nhẹt tưng bừng. Có người gom tiền để “lên đời” chiếc ti-vi hay xe máy... tức là những thứ không những không sinh lời mà còn… mất giá.

Bà Lê Thị Thùy Dương- Quản lý dự án Giáo dục tài chính của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại VN nhận xét: “Hiện nay có nhiều bạn trẻ (dù được bố mẹ cho tiền hay tự mình kiếm ra) luôn cảm thấy đau đầu vì thường trong tình trạng thiếu hụt tiền bạc. Nguyên nhân chủ yếu là do không biết cách hoạch định chi tiêu hợp lý, cân đối giữa thu và chi. Các bạn ấy không biết tiết kiệm, để dành nhằm đề phòng những trường hợp không mong muốn xảy ra. Thêm nữa, nhiều bạn trẻ chưa ý thức và chưa biết cách tiêu tiền thông minh, nên có lúc dành nhiều tiền để mua đồ đắt, hàng hiệu, hay mua nhiều đồ tuy rẻ nhưng lại không cần thiết dẫn đến sự lãng phí mà không biết”.

Học cách xài tiền thông minh ảnh 1Trước khi học cách kiếm tiền, phải học cách xài tiền đúng chỗ. Một người mở doanh nghiệp không nên chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền lời mà còn cần phải học cách quản lý tiền bạc Học cách xài tiền thông minh ảnh 2

Quách Tuấn Khanh

Tiêu tiền không dễ !

Trước tình trạng thường xuyên bị “cháy túi”, thậm chí trở thành con nợ, một số bạn quay sang… hâm mộ người già: “Những người già rất hay, họ có được ít tiền hơn chúng ta nhưng lại thường dư tiền”.

Một chuyên viên về quản lý tài chính tại Hà Nội góp ý kiến: “Nếu nghèo mà biết chi tiêu đúng và thông minh thì cũng có thể không phải đối mặt với sự “đau đầu” kinh niên nói trên. Ông bà ta có câu: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” hay “Liệu cơm gắp mắm” để thể hiện điều này”.

Theo ông Quách Tuấn Khanh, người có nhiều tiền không hẳn là kiếm được nhiều tiền hơn người khác. Cái chính là vì họ biết dùng số tiền có được gửi tiết kiệm hoặc đầu tư, khiến tiền đẻ ra tiền. Ông Khanh nói: “Trước khi học cách kiếm tiền, phải học cách xài tiền đúng chỗ. Một người mở doanh nghiệp không nên chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền lời mà còn cần phải học cách quản lý tiền bạc”.

Từ tháng 12.2009 đến 30.6.2011, Tổ chức cứu trợ trẻ em tại VN, Quỹ Citi phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện dự án Giáo dục tài chính cho học sinh thuộc 5 trường THPT trên địa bàn TP.HCM. Từ khóa học, không ít học sinh bắt đầu biết tự lập ngân sách để quản lý chi tiêu. “Chúng tôi mong muốn các bạn trẻ nhận biết được giá trị của đồng tiền, ý thức được việc kiếm tiền đã khó, tiêu tiền còn khó hơn, biết cách lập cho mình một bản ngân sách. Dựa vào bản ngân sách đó để cân đối giữa thu nhập và chi tiêu, lên danh sách những ưu tiên cần dùng đến tiền và thực hiện đúng những gì mình đã đề ra”- Bà Lê Thị Thùy Dương chia sẻ.

Theo Như Lịch
Thanh Niên

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG